Vietstock - Thêm một dự án kém hiệu quả của Bộ Công thương được "hồi sinh"
Một trong 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương là Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất (Bio Ethanol Dung Quất) sẽ được hoạt động trở lại trong tháng 10 tới đây.
Giám đốc Phạm Văn Vượng (đội mũ) kiểm tra công tác chuẩn bị vận hành phân xưởng điện – hơi.
|
Ông Phạm Văn Vượng - Giám đốc Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) - đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất (Bio Ethanol Dung Quất) cho biết: Giữa tháng 10, Nhà máy sẽ khởi động vận hành trở lại.
Trước đó, ngày 12/6/2018, BSR-BF đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty Tocontap về việc gia công sản phẩm, theo đó BSR-BF sẽ là đơn vị nhận gia công sản phẩm chính là Ethanol từ nguyên liệu (sắn) do Tocontap cung cấp.
Tocontap sẽ chịu trách nhiệm nguồn nguyên liệu, tổ chức phân phối Ethanol thành phẩm. Chi phí gia công là 3.000 đồng/lít. Hợp đồng này có thời hạn là 10 năm kể từ ngày ký, chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn 5 năm. Trong hợp đồng cũng ghi rõ, trong vòng 12 tháng đầu tiên, phía Tocontap cam kết tiêu thụ hết toàn bộ sản lượng mà phía BSR-BF có thể sản xuất được.
Tocontap cũng tạm ứng chi phí sửa chữa nhà máy và chi phí gia công cho BSR-BF khi nhà máy hoạt động trở lại. Công tác sửa chữa, bảo dưỡng nhà máy phục vụ chạy lại cơ bản đã xong, dự kiến ngày 5/10 sẽ hoàn tất. Hạng mục hồ Cigar đã cơ bản hoàn thiện. Hồ này có tác dụng tiếp nhận nước thải, lắng đục và tạp chất rồi chuyển về nơi xử lý.
Sấy lò đốt để chuẩn bị khởi động
|
Nhà máy khi khởi động lại sẽ đạt 65% công suất, sản xuất khoảng 2.000 tấn sản phẩm (trong 2 tuần đầu); sau đó được kiểm tra máy móc và nâng công suất. Trong khoảng thời gian còn lại của năm 2018, BSR-BF sẽ sản xuất 7.000m3 Ethanol cho Tocontap và số lượng 35.000m3 còn lại như trong hợp đồng đã ký, sẽ sản xuất vào năm 2019.
Để chạy lại nhà máy, BSR-BF huy động 70 CBCNV hiện tại cùng khoảng 70 công nhân, kỹ sư các cổ đông hỗ trợ. Về nhân lực, BSR-BF đảm bảo lực lượng vận hành chất lượng, giàu kinh nghiệm, vận hành an toàn, ổn định nhà máy.
Được biết, quan điểm chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là chạy lại nhà máy, sau đó nghiệm thu nhà máy, quyết toán công trình và phương án tiếp theo mới tính tới thoái vốn.
12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương bị “điểm mặt chỉ tên: gồm: Nhóm 04 dự án đầu tư sản xuất phân bón là: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, nhà máy DAP số 2 - Lào Cai; Nhóm 03 dự án đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học gồm: Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhóm 02 dự án đầu tư sản xuất thép là: Nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên cùng các doanh nghiệp khác là: Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex), Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất và Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.
Đến nay, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của nhiều Bộ ngành và đặc biệt là Bộ Công thương nên đã có 2 doanh nghiệp đã kinh doanh hiệu quả và đưa ra khỏi diện 12 dự án thua lỗ kém hiệu quả, có lãi là: Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, Dự án nhà máy gang thép Lào Cai, 4 dự án đã bắt đầu giảm lỗ nhưng vẫn báo lỗ: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).
3 dự án trước đây dừng hoạt động, nay bắt đầu khởi động lại, tiến hành sản xuất thử có Sơ sợi Đình Vũ. Còn 3 dự án xây dựng dở dang cũng bắt đầu được tính toán lại, thực hiện các giải pháp xử lý quyết liệt. Trong đó, Nhà máy giấy Phương Nam sẽ được bán để thu hồi vốn, Nhà máy Ethanol Phú Thọ sẽ rà soát lại rồi tìm nhà đầu tư để mua. Dự án Nhà máy Thép Thái Nguyên cũng cơ cấu lại, xúc tiến tìm nhà đầu tư.
Tiến Dũng