💼 Bảo vệ danh mục của bạn với công cụ chọn cổ phiếu có AI hỗ trợ của InvestingPro – HIỆN GIẢM tới 50% NHẬN ƯU ĐÃI

Hoá giải 'nút thắt' cho nông nghiệp ĐBSCL bằng cách nào?

Ngày đăng 05:00 07/03/2022
Hoá giải 'nút thắt' cho nông nghiệp ĐBSCL bằng cách nào?

Vietstock - Hoá giải 'nút thắt' cho nông nghiệp ĐBSCL bằng cách nào?

Dù hạ tầng được đầu tư, nhưng nếu không tháo gỡ được các “nút thắt” nội tại cũng như thiếu sự liên kết giữa các địa phương trong vùng, thì chặng đường đưa sản phẩm nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hướng tới thị trường chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng cao và tăng thêm thu nhập cho người nông dân vẫn càng thêm xa.

Bên cạnh phát triển hạ tầng, cần phải giải quyết được bài toán sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết để đưa nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững. Ảnh: Trung Chánh

Đó là chia sẻ của ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội nghị Thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu: khát vọng nông nghiệp đất chín rồng “xanh – sinh thái – bền vững” diễn ra vào hôm nay, 6-3, ở tỉnh Kiên Giang.

Có hạ tầng, “dòng chảy” nông sản đến thị trường nhanh hơn

Theo ông Hoan, nhờ vào vị trí địa lý và điều kiện thiên nhiên, ĐBSCL đã trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, sớm tiếp cận nền kinh tế thị trường. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao so với bình quân cả nước, cung ứng nhiều mặt hàng như: lúa gạo, trái cây, thuỷ sản, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, theo ông, vì những lý do khách quan lẫn nội tại, vùng chưa “cất cánh” được như kỳ vọng. “Gần đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ”, ông cho biết và nói rằng, với vai trò là trung tâm kết nối các địa phương trong vùng, cùng với các dự án hạ tầng (các tuyến cao tốc trong giai đoạn trung hạn 2021-2025, các dự án thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, sạt lở bờ sông bờ biển, hạ tầng nông nghiệp nông thôn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư…) sẽ mở ra nhiều dư địa phát triển mới, Đồng bằng sẽ dần khơi thông điểm nghẽn về một vùng trũng hạ tầng.

Vị tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh, cơ hội chỉ được khởi tạo và tận dụng khi từng địa phương và cả vùng chuẩn bị tốt, đồng bộ ngay từ bây giờ và với tâm thế sẵn sàng, chủ động, chứ nếu không sẽ mãi dừng lại ở… cơ hội.

“Chúng ta cùng nhau hình dung rằng, trong vài ba năm nữa, khi hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, đô thị, thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, logistics phục vụ nông nghiệp nông thôn, thì Đồng bằng sẽ như thế nào?”, ông Hoan nêu câu hỏi và cho rằng, “dòng chảy” nông sản đến thị trường chắc chắn sẽ nhanh hơn, chi phí sẽ giảm và sức cạnh tranh hàng hoá sẽ cao hơn; doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, sẽ đến với Đồng bằng ngày càng nhiều hơn.

Thách thức biến động thị trường, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ĐBSCL đang đối mặt những thách thức lớn như: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới. “Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong dịch bệnh Covid-19 và những sự kiện thời sự gần đây là minh chứng rõ nét về một thế giới đầy rẫy “biến động, bất định, phức tạp và có phần mơ hồ”, ông Hoan nhấn mạnh và cho rằng, có một thách thức còn lớn hơn, đó là một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu tính liên kết vùng.

Thách thức nêu trên, theo ông Hoan, như một lời nguyền, nếu không vượt qua được, thì sẽ khó tạo ra sự phát triển nhanh về chất, và nông sản phải luôn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, với sự thay đổi nhanh chóng, khó lường của xu thế toàn cầu, vừa mở ra nhiều cơ hội nhờ các hiệp định thương mại vừa có xu thế bảo hộ mậu dịch và chiến lược tự chủ lương thực của nhiều quốc gia.

ĐBSCL đang đứng trước lựa chọn chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học bị suy thoái sau thời gian dài lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặt ra thách thức lớn với định hướng tiến đến một nền nông nghiệp xanh. Tư duy theo mùa vụ của người nông dân, tầm nhìn theo thương vụ của doanh nghiệp vô tình gây trở ngại cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ. Vùng nguyên liệu cây ăn trái, thuỷ sản, lúa gạo tương đồng, phân tán khiến công tác quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại nông sản gặp nhiều khó khăn.

“Những vấn đề nội tại cho thấy, dù hạ tầng được đầu tư như thế nào, nhưng nếu không giải quyết thoả đáng những nút thắt vừa nêu, thì cũng khó và chậm cải thiện được tình hình mất cân đối cung cầu”, ông Hoan nhấn mạnh và cho rằng, chặng đường hướng tới thị trường chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng cao và tăng thêm thu nhập cho người nông dân càng thêm xa.

Bên cạnh phát triển hạ tầng, cần phải giải quyết được bài toán sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết để đưa nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững. Ảnh: Trung Chánh

Để hiện thực hoá nông nghiệp “xanh- sinh thái- bền vững”

Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương cần phải được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa phương cần chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển. “Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng tư duy không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt”, vị tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh.

Theo ông, sản xuất nông nghiệp ít nhiều tác động đến biến đổi khí hậu, tuy nhiên, từ góc nhìn tích cực, khi giải quyết được thách thức này lại tạo ra thương hiệu cho ĐBSCL. “Thương hiệu Mekong Delta” rồi sẽ được nhận biết sâu sắc với hình ảnh một Đồng bằng, mặc dù chịu tác động lớn của thiên nhiên, nhưng biết cách thích ứng, vượt qua thách thức và phát triển một cách thông minh, hài hòa, thuận thiên”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Hoan, đơn vị này sẽ khai trương Văn phòng điều phối nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ điều phối công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hoá vùng nguyên liệu; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; nối kết chuỗi ngành hàng, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; điều phối vận hành các công trình thuỷ lợi đảm bảo đồng bộ toàn hệ thống; hỗ trợ chuyển đổi số nông nghiệp cấp vùng”, ông cho biết.

Ngoài ra, Văn phòng điều phối này cũng sẽ hỗ trợ điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng, kết hợp hài hoà giữa đầu tư công trình và các giải pháp phi công trình, mở ra không gian kinh tế nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đang tích cực đàm phán, kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chuỗi kho lạnh bảo quản nông sản cấp độ liên huyện, liên tỉnh dọc theo sông Hậu và sông Tiền. “Hy vọng đến năm 2025, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp, hạ tầng xã hội, giáo dục, nguồn nhân lực, tư duy liên kết vùng sẽ quyết định sự phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL”, ông cho biết.

Liên kết vùng ĐBSCL không phải là phép tính cộng về dân số, diện tích, nguồn lực hữu hình của 13 địa phương. “Hơn hết, đó là độ mở, kết nối về tư duy, kết nối các nguồn lực vô hình, vô hạn, tạo dựng mối quan hệ hài hoà giữa “nhà nước – thị trường – xã hội”, kiếm tìm xung lực mới, khởi tạo không gian phát triển mới”, ông Hoan nhấn mạnh.

Khi ấy, theo ông, mỗi địa phương, với điều kiện đặc thù, thế mạnh riêng có, sẽ đóng góp chủ động, hài hoà vào tổng thể không gian kinh tế chung; Đồng bằng sẽ trở thành một thực thể kinh tế hoàn chỉnh, vận hành linh hoạt, năng động; người dân sẽ vững vàng tâm thế chủ thể, chất lượng sống của bà con nông dân ngày càng được nâng cao; những câu hỏi ám ảnh, day dứt về “tương lai nào cho miền Tây?”, những trăn trở về làn sóng di cư, ly nông, ly hương,… sẽ không còn. “Và chúng ta có niềm tin vững chắc rằng, khát vọng vùng Đất Chín Rồng với nền nông nghiệp xanh – sinh thái – bền vững sẽ sớm được hiện thực hoá”, ông nhấn mạnh.

Bên cạnh phát triển hạ tầng, cần phải giải quyết được bài toán sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết để đưa nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững. Ảnh: Trung Chánh

Công nghiệp, dịch vụ phải xoay trục trên nông nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt câu hỏi, ĐBSCL chiếm 12% diện tích cả nước, với dân số khoảng 18 triệu người, có điều kiện tự nhiên phát triển nông nghiệp thuận lợi nhất, nhưng vì sao chưa phát triển nhanh và bền vững được?. “Mâu thuẫn nào mà nó chưa tăng, tồn tại yếu kém nào mà chưa phát triển?” Thủ tướng nêu câu hỏi.

Theo Thủ tướng, muốn có nông nghiệp phát triển, thì công nghiệp và dịch vụ cũng phải phát triển. “Trong huy hoạch vùng đầu tiên, cơ cấu tỷ trọng của vùng ĐBSCL, thì nông nghiệp chiếm hơn 20%, công nghiệp 32% và dịch vụ là 46%”, Thủ tướng dẫn chứng và cho rằng, công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 80%, nhưng nó (công nghiệp và dịch vụ) phải xoay trục trên nông nghiệp.

Chính vì vậy, Thủ tướng cho rằng, câu chuyện là không chỉ bàn nông nghiệp, mà cần phải tính đến phát triển công nghiệp là cái gì, dịch vụ là cái gì?. “Chúng ta phải chỉ ra được tồn tại thách thức và thêm bài toán gì để giải quyết cái này”, Thủ tướng nói.

Dẫn trường hợp của TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), ông Chính cho biết, địa phương này chiếm diện tích chỉ 0,18% diện tích cả nước, là hòn đảo hoang sơ cách đây khoảng 10 năm, nhưng chỉ cần có tư tưởng đột phá, xây dựng thành trung tâm du lịch quốc tế đã giúp Phú Quốc phát triển. “Muốn đột phá, theo sau đó, chúng ta đầu tư sân bay, điện, nước ngọt và có một số cơ chế chính sách, thì đã có nhiều nhà đầu tư đầu tư vào Phú Quốc”, ông cho biết.

Từ trường hợp của TP Phú Quốc, quay trở lại ĐBSCL, Thủ tướng gợi mở, muốn vùng phát triển, thì đầu tiên tư duy cần đột phá là cái gì, tầm nhìn chiến lược là cái gì?; thứ hai, cần làm gì?; thứ ba, ĐBSCL cần quy hoạch nguồn nguyên liệu là cái gì, sản phẩm gì? thứ tư, là hạ tầng, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế), hạ tầng chống biến đổi khí hậu, hạ tầng chuyển đổi số.

Đối với hạ tầng, Thủ tướng gợi ý, cần xác định mức độ ưu tiên hạ tầng nào làm trước, hạ tầng nào làm sau; phải đẩy mạnh hợp tác công tư và lấy nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hoá…) là cơ bản, làm chiến lược lâu dài, không chờ, ỷ lại, trong khi nguồn lực bên ngoài (quản trị, nguồn vốn, nâng cao nhân lực….) là quan trọng và mang tính đột phá.

Thứ 5, là đẩy mạnh nâng cao về khoa học công nghệ, bởi đây là yếu tố giúp nâng cao năng suất lao động; thứ 6, là phát triển thi trường vì đây là yếu tố quyết định phát triển sản phẩm thành công. “Phải giải quyết đầu ra và cần có bài toán căn cơ, chứ không phải chỉ giải quyết tình thế”, Thủ tướng gợi ý.

Tóm lại, có mấy nội hàm, đó là tư duy đột phá; tầm nhìn chiến lược; thích ứng, thì chủ động; chuyển đổi linh hoạt; giá trị phải nâng cao; nguồn lực phải công tư; đời sống phải chất lượng.

Trung Chánh

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.