Vietstock - Mỏ vàng cổ phiếu chứng khoán
Thị trường đã và đang chứng kiến đà tăng mạnh của cổ phiếu nhóm Công ty chứng khoán (CTCK). Chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm 2020, không ít cổ phiếu đã tăng bằng lần như SBS (HN:SBS), VIG, CTS, BVS (HN:BVS), SHS…
Thay đổi giá của cổ phiếu chứng khoán 2 tháng trở lại đây
Từ 02/11/2020 - 11/01/2021. Nguồn: VietstockFinance
|
Diễn biến ngắn hạn của thị trường phần nào lý giải được đà tăng của nhóm cổ phiếu này. VN-Index tăng liên tục và đã vượt lại vùng đỉnh năm 2007. Tới phiên 12/01/2021, chỉ số chính sàn HOSE chốt ở 1,192 điểm, tăng hơn 24% so với đầu năm 2020.
Điểm đáng chú ý là thanh khoản thị trường tăng mạnh, đạt mức cao nhất trên lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ phiên giao dịch đầu năm 2021 đến nay, thanh khoản thị trường vọt lên hơn 16 ngàn tỷ đồng/phiên.
Tài khoản mở mới liên tục lập kỷ lục trong năm 2020, hơn 63 ngàn trong tháng 12 và gần 400 ngàn tài khoản trong năm 2020, gấp đôi so với năm trước. Những con số này càng củng cố thêm niềm tin vào đà tăng của thị trường cũng như dòng tiền đổ vào thị trường.
Khối CTCK, vốn có nguồn thu chủ yếu đến từ 3 mảng là phí môi giới, lãi cho vay margin và lợi nhuận tự doanh tất nhiên đang hưởng lợi đáng kể. Trong điều kiện hiện tại, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng doanh thu từ môi giới và cho vay margin của các CTCK sẽ tăng mạnh trong quý cuối năm 2020. Bên cạnh đó, mảng tự doanh cũng đầy khả quan khi việc đầu tư trên thị trường cơ sở đang hết sức thuận lợi.
Thực tế, trong 9 tháng đầu năm 2020, các CTCK cũng đã công bố kết quả hết sức lạc quan. Nhiều công ty đã sớm vượt kế hoạch năm sau 9 tháng, chẳng hạn như SSI (HM:SSI), VND (HM:VND), SHS (HN:SHS)…. Kết quả cả năm nhiều khả năng sẽ còn tốt hơn.
Năm 2021, thị trường chứng khoán tiếp tục mang màu sắc tích cực trong các báo cáo phân tích thị trường. Giới chuyên môn đều dự báo thị trường sẽ tiếp tục tốt trong bối cảnh dòng tiền “rẻ” dồi dào, kinh tế có tiềm năng hồi phục và tăng trưởng nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, dòng tiền ngoại sẽ trở lại thị trường nhờ MSCI nâng tỷ trọng với cổ phiếu Việt Nam.
Nếu thanh khoản thị trường tiếp tục tốt như những phiên đầu năm kết quả kinh doanh của khối công ty chứng khoán hẳn sẽ còn “ngon”.
Nhìn vào dài hạn hơn, nhóm cổ phiếu này vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Một thị trường non trẻ như chứng khoán Việt Nam hứa hẹn sẽ còn nhiều bước phát triển trong tương lai. Là nhóm có hoạt động kinh doanh bám sát thị trường, nhóm CTCK là nhóm được hưởng lợi song song với đà tăng trưởng.
Về trung hạn, dự án hệ thống giao dịch mới là một trong những ưu tiên của thị trường trong năm 2021. Hệ thống mới sẽ đáp ứng nhu cầu đang cao của thị trường cũng như tạo tiền đề phát triển cho các sản phẩm mới như giao dịch trong ngày và bán khống. Bên cạnh đó, hệ thống mới có thể giúp Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) giảm ký quý xuống còn 10 - 20%, giảm bớt áp lực thanh toán bù trừ, nhờ vậy sẽ ít có lỗi hơn. Có thể thấy rõ triển vọng xán lạn cho khối CTCK trong tương lai.
Đó là nhìn vào bức tranh chung, còn câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp có tích cực hay không, phải xét tới việc doanh nghiệp có thể bắt nhịp và trụ vững với những thay đổi của thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó là diễn biến cạnh tranh gay gắt trong khối. Ở thời điểm hiện tại, những ai lựa chọn rót tiền vào cổ phiếu chứng khoán hẳn đã gặt được không ít thành quả vì hầu như mã nào cũng tăng. Tuy nhiên, đầu tư cổ phiếu chứng khoán trong tương lai sẽ còn phụ thuộc vào khả năng lựa chọn đúng thời điểm và cổ phiếu của từng nhà đầu tư.
Theo Báo cáo triển vọng ngành chứng khoán của Bộ phận phân tích CTCK SSI (SSI Research), tăng trưởng ngành chứng khoán năm 2021 dự báo đạt 10 - 20% nhờ những yếu tố tích cực về chính sách tiền tệ, thanh khoản thị trường, dư nợ cho vay margin, dịch vụ ngân hàng đầu tư và hoạt động tự doanh.
Giá cổ phiếu có thể được hỗ trợ thêm do các chỉ số MSCI tăng tỷ trọng của Việt Nam. SSI Research tin rằng có nhiều cơ hội để các CTCK tăng thu nhập tự doanh vào năm 2021. Với việc thu nhập tự doanh 2020 tăng mạnh nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường, việc duy trì tăng trưởng vào năm 2021 sẽ là một thách thức.
Chí Kiên