Vietstock - Vốn khởi nghiệp ở Ấn Độ: Từ đỉnh cao đến vực sâu
Mức định giá của công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ giáo dục Byju’s từ 22 tỉ đô la Mỹ xuống khoảng 200 triệu đô la chỉ trong chưa đầy 2 năm là minh chứng rõ ràng và khắc nghiệt nhất của tình trạng “khô hạn” trên thị trường vốn mạo hiểm ở nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á.
Do cạn kiệt dòng tiền, kỳ lân công nghệ giáo dục Byju’s của Ấn Độ, do doanh nhân Byju Raveendran đồng sáng lập, lên kế hoạch gọi vốn dựa trên mức định giá chỉ hơn 200 triệu đô la, giảm 99% so với mức định giá vào đầu năm 2022. Ảnh: Money Control |
Sau khi chứng kiến dòng tiền ồ ạt đổ vào trong năm 2021 và 2022, giúp tạo ra hàng chục kỳ lân (startup có mức định giá từ 1 tỉ đô la Mỹ), thị trường vốn mạo hiểm của Ấn Độ rơi vào suy thoái. Năm ngoái, chỉ có hai kỳ lân được tạo ra ở nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á khi tổng vốn mà các startup huy động được suy giảm 60%.
Dòng vốn mạo hiểm siết chặt
Thị trường chứng khoán của Ấn Độ đang thăng hoa, với chỉ số Nifty 50 tăng 30% trong năm qua và tăng 90% trong 5 năm. Vốn hóa của các công ty niêm yết ở Mumbai, trung tâm tài chính của Ấn Độ, đã vượt qua Hồng Kông. Ngân hàng Morgan Stanley chỉ ra rằng, các căng thẳng địa chính trị đang thúc đẩy cả dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lẫn các quỹ đầu tư hướng tới Ấn Độ.
Tuy nhiên, thị trường khởi nghiệp của nước này lại đang trải qua thời kỳ điều chỉnh sau cơn bùng nổ cách đây chưa lâu.
Vốn mạo hiểm suy giảm đồng loạt ở nhiều thị trường hồi năm ngoái. Nhưng tại Ấn Độ, đà suy giảm mạnh hơn nhiều. Dữ liệu cho thấy, tổng vốn mạo hiểm rót vào các startup của Ấn Độ giảm hơn 60% vào năm ngoái, từ 26 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022 xuống còn khoảng 9,5 tỉ đô la. Để so sánh, dòng vốn đầu tư mạo hiểm ở Mỹ và Trung Quốc đều giảm khoảng 1/3.
Theo hãng tư vấn Bain & Co, trong năm 2023, Ấn Độ vẫn duy trì vị thế điểm đến lớn thứ hai của các quỹ đầu tư mạo hiểm và nguồn tài trợ tăng trưởng ở châu Á-Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc. Nhưng so với năm 2022, các giao dịch đầu tư vốn mạo hiểm ở Ấn Độ giảm mạnh về khối lượng (từ 1.611 xuống 880 giao dịch) lẫn quy mô trung bình (từ 16 triệu đô la xuống 11 triệu đô la).
Hơn nữa, hệ sinh thái khởi nghiệp Ấn Độ chỉ tạo ra 2 kỳ lân trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với 44 kỳ lân vào năm 2021 và 26 kỳ lân vào năm 2022, theo Entrackr, một công ty dữ liệu ở Mumbai khảo sát.
Entrackr cho biết, các startup của Ấn Độ sa thải hơn 24.000 nhân viên hồi năm ngoái, tăng từ con số 20.000 trong năm 2022.
Thị trường vốn mạo hiểm của Ấn Độ đảo chiều sau “bong bóng” đầu tư vào năm 2021. Vào năm đó, các quỹ lớn như SoftBank, Tiger Global và Sequoia India (hiện đổi tên thành Peak XV Partners) ồ ạt rót tiền vào các startup với mức định giá cao trước khi rút lui.
Đầu năm 2022, kỳ lân công nghệ giáo dục (edtech) Byju’s huy động vốn dựa trên mức định giá 22 tỉ đô la Mỹ. Nhưng đến tháng 1-2024, startup này nỗ lực trong tuyệt vọng khi dòng tiền cạn kiệt. Byju’s hạ mức định giá 99% xuống còn khoảng 225 triệu đô la để huy động vốn của nhà đầu tư.
Byju’s đi tiên phong ở thị trường công nghệ giáo dục của Ấn Độ bằng cách cung cấp giải pháp thay thế dựa trên công nghệ để bổ sung cho việc học trên lớp. Giải pháp này trở nên đặc biệt phổ biến trong thời kỳ đại dịch khi các trường học đồng loạt đóng cửa. Tuy nhiên, khi học sinh trở lại trường học, giáo dục trực tuyến, đặc biệt là loại hình giáo dục nặng về nội dung học thuật mà Byju cung cấp không còn được ưa chuộng. Để tiết kiệm chi phí, Byju’s đã sa thải hàng ngàn nhân viên và dừng thuê hàng loạt văn phòng.
Mô hình kinh doanh thâm dụng vốn sẽ không trụ vững
“Các mức định giá cao trên thị trường khởi nghiệp là ảo tưởng”, Ashish Gupta, giám đốc đầu tư của Axis Mutual Fund nói và dự báo mức định giá của các startup của Ấn Độ sẽ còn giảm thêm.
Thị trường khởi nghiệp Ấn Độ, thiên về ngành công nghệ có nhu cầu cao, từng được kỳ vọng sẽ chống chịu tốt trước các bất ổn vĩ mô. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chi phí vốn cao trong lịch sử đã khiến thị trường này bị tổn thương nặng nề. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã tăng lãi suất chuẩn từ 4% vào tháng 5-2022 lên 6,5% vào tháng 3-2023.
Khi chi phí vốn tăng lên trên toàn thế giới, các quỹ mạo hiểm nước ngoài cũng lo ngại rủi ro và và có ít động lực hơn để đầu tư ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ.
Tháng 9 năm ngoái, chính phủ Ấn Độ áp “thuế thiên thần” đối với các startup huy động vốn hạt giống từ các nhà đầu tư thiên thần nước ngoài. Cụ thể, nếu một startup ở giai đoạn sớm phát hành cổ phiếu để huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài dựa trên mức định giá cao hơn so với giá trị thị trường hợp lý, startup đó sẽ phải nộp thuế thu nhập. Phần chênh lệch so với giá trị thị trường hợp lý được xem là thu nhập và sẽ bị đánh thuế 30,6%. Chính sách thuế càng gây khó khăn hơn cho các startup giữa lúc họ đang cần vốn mạo hiểm của nước ngoài.
Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng do số lượng các nhà đầu tư thiên thần trong nước còn ít. Do khó khăn trong việc huy động vốn trong nước tại địa phương, một số doanh nhân Ấn Độ đang chọn phương án thành lập công ty ở Mỹ.
Tình trạng thiếu nguồn vốn trên thị trường khiến một số công ty non trẻ ở Ấn Độ tập trung vào các mô hình kinh doanh không cần đầu tư lớn.
“Một startup càng thâm dụng vốn thì khả năng “chết” vì thiếu vốn càng cao”, Rama Rao Sreeramaneni, CEO của hãng phần mềm Innovation Communications Systems cho hay.
Trong khi đó, Rahul Khanna, người sáng lập nền tảng huy động vốn Trifecta Capital cho rằng, năm nay đặc biệt cam go đối với các startup đã huy động tiền ở mức định giá cao nhất vào năm 2021. Nhờ ngân sách còn dồi dào, các công ty này không cần phải hạ mức định giá để huy động vốn trong hai năm qua. Nhưng bây giờ, họ đứng trước áp lực phải làm như vậy.
Phát biểu tại một sự kiện ở New Delhi hôm 18-3, Rajan Anandan, giám đốc cấp cao của quỹ Peak XV Partners dự báo, các startup Ấn Độ sẽ thu hút 8-12 tỉ đô la vốn mạo hiểm trong năm nay. Tuy nhiên, ông cho biết, 90% trong số đó sẽ đến từ nước ngoài.
Chánh Tài (Theo Financial Times, NDTV)