Vietstock - Khối ngoại tiếp tục bán 3.8 tỷ USD chứng khoán Trung Quốc, chỉ số giảm về đáy 10 tháng
Chứng khoán Trung Quốc kéo dài chuỗi thành tích ảm đạm trong ngày 21/09 và đẩy chỉ số chứng khoán chuẩn xuống mức thấp nhất trong 10 tháng. Nguyên nhân đến từ làn sóng tháo chạy từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Chỉ số MSCI China Index có lúc giảm 1.6% và sắp ghi nhận 3 tuần giảm liên tiếp. Chỉ số Hang Seng và chỉ số theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kôgn cũng giảm hơn 1%. Đồng Nhân dân tệ giảm 0.2%.
Làn sóng bán tháo là một tín hiệu khác cho thấy các nỗ lực của Bắc Kinh không được nhà đầu tư đón nhận quá nồng nhiệt. Mới ngày hôm trước (20/09), NHTW Trung Quốc cam kết sử dụng nhiều công cụ khác nhau để giữ thanh khoản dồi dào một cách hợp lý. Đây là bước đi mới nhất trong hàng loạt nỗ lực khôi phục niềm tin của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong vài tuần gần đây, bao gồm giảm chi phí giao dịch cổ phiếu và áp hạn chế bán cổ phiếu với các cổ đông lớn.
Các quỹ đầu cơ đã tăng các vị thế đặt cược vào đà giảm của cổ phiếu Trung Quốc và Hồng Kông, với lượng vị thế bán tăng mạnh ở hầu hết llĩnh vực trong tháng này, theo dữ liệu từ Morgan Stanley. Đà giảm trong ngày 21/09 diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư toàn cầu tỏ ra e dè rủi ro vì Fed phát tín hiệu lãi suất cao sẽ duy trì trong thời gian dài hơn.
“Vẫn còn quá nhiều nỗi lo đang đeo bám tâm trí nhà đầu tư, chẳng hạn như Fed diều hâu hơn dự báo và khả năng hạ cánh cứng ở Trung Quốc vì cuộc khủng hoảng bất động sản”, Wu Xianfeng, Chuyên gia quản lý quỹ tại Shenzhen Longteng Assets Management, chia sẻ.
Khối ngoại bán ròng 3.8 tỷ USD trong tháng 9
Khi tâm lý lo ngại về bất động sản và nền kinh tế tiếp tục chi phối thị trường, dòng vốn báo ròng của khối ngoại vẫn chưa có tín hiệu dừng lại. Tính tới nay, các quỹ đầu tư toàn cầu đã bán 27 tỷ Nhân dân tệ cổ phiếu Trung Quốc (3.8 tỷ USD) trong tháng 9. Trước đó, họ đã bán ròng kỷ lục 90 tỷ Nhân dân tệ trong tháng 8/2023.
* Làn sóng tháo chạy khỏi chứng khoán Trung Quốc: Khối ngoại bán tháo 188 tỷ USD
Chỉ số CSI 300 giảm 0.9% trong ngày 21/09 và đã giảm hơn 5% so với đầu năm. Khối lượng giao dịch trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022.
Điều này cho thấy sau 2 tháng nỗ lực vực dậy niềm tin từ phía các cơ quan chức trách Trung Quốc, nhà đầu tư vẫn còn lắm bi quan.
Trên thị trường Hồng Kông, các công ty đẩy mạnh mua lại cổ phiếu quỹ để hỗ trợ giá cổ phiếu, trong khi các công ty lớn nhất của Trung Quốc dự kiến chi lượng tiền kỷ lục 1.5 ngàn tỷ Nhân dân tệ để trả cổ tức trong năm nay. Đây được xem là các động thái xoa dịu nỗi lo của giới đầu tư trước làn sóng tháo chạy của khối ngoại.
Đồng Nhân dân tệ vẫn giảm dù NHTW thiết lập tỷ giá trung tâm mạnh hơn dự báo của thị trường trong ngày 21/09.
Thị trường tài chính Trung Quốc vẫn diễn biến tiêu cực ngay cả khi nền kinh tế xuất hiện nhiều tín hiệu khả quan.
Sản xuất công nghiệp trong tháng 8 của Trung Quốc tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán lẻ tăng 4,6% trong tháng nước. Cả hai dữ liệu này đều đạt kết quả cao hơn dự báo của các nhà phân tích và cải thiện so với tháng 7.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của lĩnh vực sản xuất Trung Quốc trong tháng 8 cao hơn một chút so với kỳ vọng, tăng từ 49.3 lên 49.7 điểm. Chỉ số này đang tiến gần hơn đến mức 50 điểm, ngưỡng phân biệt giữa mở rộng và thu hẹp. Một số liệu khác cũng cho thấy, lượng tiền cho vay mới của các ngân hàng Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 8, vượt dự báo.
“Chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy và điều đó đã được xác nhận bằng dữ liệu. Nhưng về mặt thị trường, chúng tôi nhận thấy tâm lý chung tiếp tục rất bi quan”, Dong Chen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô châu Á của Pictet Wealth Management, nói.
Một số nhà đầu tư cho rằng dù kinh tế của Trung đang có có dấu hiệu chạm đáy, nhưng tâm lý bi quan của các nhà đầu tư nước ngoài có thể kéo dài dai dẳng, do họ lo ngại về quan hệ Mỹ-Trung và các biện pháp thắt chặt quản lý của Bắc Kinh đối với khu vực tư nhân những năm gần đây.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)