Vietstock - Dow Jones giảm hơn 700 điểm, chứng khoán châu Âu rớt hơn 3%
Chứng khoán Mỹ rớt mạnh trong ngày thứ Năm (11/06) khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt ở một vài bang đã tái mở cửa kinh tế. Những cổ phiếu đã tăng vọt nhờ hưởng lợi từ quá trình tái mở cửa kinh tế, nay lại quay đầu giảm mạnh nhất thị trường.
Tính tới lúc 20h51 ngày thứ Năm (11/06 – giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones giảm 764 điểm (tương đương 2.9%). S&P 500 hạ 2.5%, còn Nasdaq Composite rớt 2.2%.
Cổ phiếu United Airlines, Delta, American và Southwest đều rớt hơn 10%. Cổ phiếu Carnival và Norwegian Cruise Line lao dốc hơn 14%. Cổ phiếu bán lẻ Gap và Kohl’s cũng mất hơn 9%.
Mối lo ngại về làn sóng bùng phát virus thứ hai ngày càng tăng khi các bang của Mỹ bắt đầu mở cửa kinh tế trở lại. Tại Texas, số ca nhiễm Covid-19 phải nhập viện đã chạm kỷ lục trong 3 ngày liên tiếp. Chín quận của California ghi nhận sự tăng vọt về số ca nhiễm Covid-19 hoặc số ca nhập viện, AP đưa tin trong ngày thứ Tư (10/06).
Các chính sách tiền tệ thân thiện từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không thể “bù đắp cho tác động nghiêm trọng từ làn sóng bùng phát thứ hai”, Dennis DeBusschere, Chuyên viên phân tích nghiên cứu vĩ mô tại EvercoreISI, cho biết trong 1 báo cáo. “Trong bối cảnh số ca nhiễm mới và số ca nhập viện ngày càng tăng và nỗi lo các đợt biểu tình gần đây có thể châm ngòi cho làn sóng bùng phát thứ hai, rủi ro tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận yếu ớt kéo dài đã tăng lên”.
Dĩ nhiên, cựu Ủy viên của FDA, Scott Gottlieb cho biết các bang như Arizona và Texas “chưa thực sự dập tắt được làn sóng bùng phát thứ nhất. Ông nói thêm: “Đó chưa phải là làn sóng bùng phát thứ hai”.
Số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ đã vượt mức 2 triệu người, theo số liệu mới nhất của Đại học Johns Hopkins.
Diễn biến tiêu cực của hợp đồng tương lai chứng khoán nối tiếp 2 ngày giảm liên tiếp của chỉ số Dow Jones và S&P 500 khi nhà đầu tư chốt lời các cổ phiếu hưởng lợi từ quá trình mở cửa kinh tế. S&P 500 giảm 0.5% trong ngày thứ Tư (10/06) và Dow Jones lùi 280 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite leo dốc 0.7% lên kỷ lục mới, cũng là lần đầu tiên khép phiên trên 10,000 điểm.
Tuy vậy, cả S&P 500 và Dow Jones vẫn còn tăng hơn 40% so với mức đáy tháng 3/2020. Cú lội ngược dòng ấn tượng bắt đầu với việc nhà đầu tư đặt cược vào các công ty công nghệ như Amazon – vốn hoạt động tốt bất chấp đại dịch. Tuy nhiên, cổ phiếu hàng không lại là nhóm tăng mạnh nhất. Hiện nhà đầu tư đang chuyển sang các công ty công nghệ và chốt lời các cổ phiếu còn lại.
Nguồn: CNBC
|
Ở một diễn biến khác, chứng khoán châu Âu cũng đang rớt hơn 3%, chỉ số DAX giảm 3.1%, CAC lao dốc 3.26%, còn FTSE MIB sụt 4.12%.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu thô rớt 7% vào đầu phiên.
Trong ngày thứ Tư (10/06), nhà đầu tư đang suy ngẫm về những cập nhật của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về nền kinh tế và chính sách tiền tệ. Các nhà hoạch định chính sách nhất trí giữ nguyên lãi suất và dự định không nâng lãi suất cho đến năm 2022.
“Fed hiểu rằng chúng ta chỉ mới ở giai đoạn đầu của đà phục hồi kinh tế và việc thay đổi chính sách hoặc dự báo vẫn còn quá sớm tại thời điểm này”, Charlie Ripley, Chuyên viên chiến lược đầu tư cấp cao tại Allianz Investment Management, cho biết qua một email.
Fed cũng cho biết, ít nhất thì họ sẽ giữ nguyên nhịp độ mua trái phiếu hiện tại trong vài tháng tới. Bên cạnh đó, họ dự báo kinh tế Mỹ sẽ thu hẹp 6.5% trong năm 2020, trước khi tăng trưởng 5% trong năm 2021.
“Chúng tôi thậm chí còn không nghĩ tới chuyện nâng lãi suất nữa”, ông nói tại cuộc họp báo sau khi Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) quyết định giữ lãi suất ở gần mức 0 và gần như tất cả quan chức đều dự báo giữ nguyên cho đến năm 2022.
“Chúng tôi cam kết sử dụng công cụ để làm mọi điều có thể trong khoảng thời gian càng dài càng tốt”, ông Powell cho biết.
Tại cuộc họp, Fed dự báo GDP Mỹ sẽ giảm 6.5% trong năm 2020 và cần phải tới 2 năm để phục hồi. Dự báo về tỷ lệ thất nghiệp cũng bi quan không kém, ở mức 9.3% vào cuối năm 2020, hơn gấp đôi so với mức trước đại dịch Covid-19.
“Fed rõ ràng rất nhạy cảm với ký ức quá khứ rằng Đại Khủng hoảng đã trở nên tệ hơn khi không hành động, và họ không muốn lặp lại sai lầm đó một lần nào nữa”, Stephen Stanley, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Amherst Pierpont Securities, cho hay.
Vũ Hạo (Theo CNBC)