Vietstock - Nhịp đập Thị trường 10/10: Large Cap cố gắng đỡ chỉ số
VN-Index tạm dừng tại 990.01 điểm vào cuối phiên sáng nay, vẫn tăng hơn 2 điểm so với chiều qua, gần như là nhờ nhóm vốn hóa lớn. Về tổng thể, số mã tăng giảm giá trên HOSE hết sức cân bằng, nhưng riêng nhóm VN30, số mã tăng gần gấp 3 lần số giảm. Chỉ số nhóm Small Cap sàn này thậm chí còn rớt sâu và liên tục từ đầu phiên đến lúc này, giảm 0.41%.
Thông tin nổi bật sáng nay mà có thể đang tác động tâm lý lên thị trường là diễn biến mới nhất về vòng đàm phán Mỹ - Trung, đại ý nhiều khả năng còn kéo dài. Tuy nhiên vẫn có không ít Large Cap đỡ chỉ số, có lẽ nhờ yếu tố mùa BCTC quý 3, lẫn yếu tố chứng quyền (1 số công ty chứng khoán sắp phát hành). Khả năng Fed sẽ hạ lãi suất cũng là một kỳ vọng tâm lý.
Quân xanh áp đảo quân đỏ trong nhóm VN30, nhưng đến lúc này không còn mã tăng tăng quá 1%. Nói cách khác, nhiều mã tăng từ đầu phiên và đến giờ vẫn tăng, nhưng đà tăng giảm một chút, như GAS (HM:GAS), FPT (HM:FPT), HDB… VRE (HM:VRE) nổi lên thành mã tăng mạnh nhất nhóm này, và đây là phiên hồi thứ 2 sau đợt giảm từ nửa cuối tháng 9 đến nay.
HNX-Index cuối phiên sáng tăng 0.8%, trước đó vài phút từng tăng hơn 0.9%. Chỉ số chính sàn HNX di ngược HOSE sáng nay nhờ một số mã vốn hóa lớn như DBC (HN:DBC), ACB (HN:ACB), PLC (HN:PLC), SHB (HN:SHB), PVS… hay cả VCS (HN:VCS). VGC (HN:VGC) vẫn giảm suốt phiên và có vẻ lại rơi về mặt bằng giá cách đây 2 tuần.
HPG (HM:HPG) vừa ra tin tốt, tức tiềm năng hợp tác với một đại gia thép nước ngoài, nhưng sáng nay cổ phiếu này giảm giá 0.7%, kèm theo đó là khối ngoại bán ròng. Chưa rõ giá giảm có phải do khối ngoại “đè” xuống hay không, tuy nhiên phiên giảm sáng nay đang đe dọa đến nỗ lực phục hồi cách đây 2 ngày.
Nhóm BĐS dân dụng phân hóa khá mạnh trong suốt phiên sáng nay, ngay cả trong nhóm đỉnh cao như VIC (HM:VIC) & VRE (tăng), VHM (HM:VHM) & NVL (HM:NVL) (giảm). Tuy nhiên có nhiều tên tuổi trong nhóm hạng trung lại tăng giá nhẹ như HDG (HM:HDG), KDH (HM:KDH), NLG (HM:NLG), IJC…
DRC (HM:DRC) và CSM (HM:CSM) giảm giá sáng nay, nhưng chưa rõ có liên quan đến cổ đông lớn Vinachem hay không. Gần đây có không ít thông tin và phân tích cho rằng thời điểm khó khăn nhất cho các đại gia săm lốp này đã qua, thậm chí dự báo kết quả quý 3 sẽ cải thiện rõ rệt. DRC từng tưởng chừng có cơn sóng ngay đầu tháng 10 này vì lý do đó, nhưng không ngờ rằng đến giờ thị giá lại quay về vạch xuất phát, tức ngang ngửa giá hồi đầu tháng.
11h: VN-Index giữ đà tăng khi thị trường yếu đi
VN-Index quay lại 990 điểm, tăng thêm chừng 2 điểm so với lúc mở cửa. Diễn biến trên sàn HOSE có vẻ tích cực nhờ Large Cap, nhưng yếu đi hơn so với đầu phiên ở các cổ phiếu Mid Cap và Small Cap. Thậm chí chỉ số nhóm Small Cap đã chuyển sang giảm.
Nhóm ngân hàng đang có phân hóa, nhưng một số trụ lớn như VCB (HM:VCB), BID (HM:BID) vẫn tăng giá nhẹ.
PLX (HM:PLX) đang giảm về vùng đáy thiết lập hồi đầu tháng 4 năm nay, có lẽ do tác động từ việc cắt margin.
HNX tiếp tục tăng ngược, lúc này đã +0.9% lên hơn 105 điểm, với sự hỗ trợ mạnh từ ACB, NTP (HN:NTP), VCS và PVS… VCS đang cố gắng hồi sau phiên giảm rất mạnh (cách đây đúng 3 hôm). ACB cũng là “của hiếm” tăng giá hơn 2% trong nhóm ngân hàng lúc này (dù lúc mở cửa cũng có vài mã khác tăng 2%).
UPCoM-Index đã có lội ngược dòng trong vài phút lên trên tham chiếu, sau gần nửa đầu phiên sáng giảm điểm. Cú tăng điểm này có lẽ đến từ SDI, VIB.
Dầu khí có lẽ là nhóm vốn hóa lớn mà vẫn có nhiều mã tăng giá, nhất là nếu so với 2 nhóm đang bị phân hóa là ngân hàng và BĐS dân dụng. Các đại gia như GAS, POW (HM:POW), PVD (HM:PVD), PVS (HN:PVS), PVT (HM:PVT) vẫn xanh. DPM (HM:DPM) cũng vừa tăng trở lại.
Bảo hiểm có lẽ cũng là nhóm trung bình mà có nhiều mã xanh đến lúc này. Hiện chỉ có PGI là giảm nhẹ.
CII (HM:CII) tiếp tục giảm nhẹ phiên thứ hai liên tiếp, sau giai đoạn tăng khủng từ tuần cuối tháng 9 đến nay (tăng hơn 20%). Công ty vừa thông báo có kế hoạch phát hành tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, nhưng chưa rõ đây có phải là nguyên nhân giúp CII tăng giá vừa qua hay không.
Mở cửa tích cực nhờ sàn Mỹ tăng điểm
VN-Index mở cửa tăng gần 1 điểm lên 988.81 điểm, quan trọng hơn là chỉ số có thể tăng tiếp, nhờ tác động tâm lý tích cực từ kết quả của các chỉ số chứng khoán Mỹ đêm qua. Nhóm ngân hàng vẫn đóng góp trụ đỡ cho chỉ số, cộng thêm một số mã có diễn biến hồi phục kỹ thuật ngắn hạn.
Diễn biến trên VN30-Index khá tương đồng với VN-Index, do cùng trụ. Sáng nay ngay sau ATO, số mã tăng giá đang gấp 2 số mã giảm, dẫn đầu là FPT, NVL, VRE và một số ngân hàng. Ngoài ra, thông tin về các chứng quyền sắp phát hành trong thời gian tới cũng có thể tác động tâm lý tích cực lên các mã cổ phiếu cơ sở, vốn đa số thuộc nhóm VN30 này.
Thông tin bất ngờ liên quan đến Moody's có thể sẽ là yếu tố gây trở ngại cho đợt hồi phục của VN-Index trong thời gian tới, nhưng ít nhất sáng nay thì chưa tác động vì chưa có nhiều báo chí chia sẻ.
HNX-Index tiếp tục chạy nhanh hơn chỉ số sàn HOSE. Sáng nay HNX-Index tăng tới 0.6% nhờ hỗ trợ từ một loạt đại gia như ACB, DBC, NTP, SHB, PVS… VGC bất ngờ giảm tới 2.5% dù mới hôm qua tăng tới 5.3%.
Giá dầu thế giới vẫn đang loanh quanh ở mưc thấp, cụ thể giá Brent đang ở gần vùng đáy 6 tháng. Thông tin liên quan đến 2 quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Sirya được dự báo sẽ tác động lên giá dầu, nhưng đến giờ vẫn chưa có. Sáng nay GAS hồi giá kỹ thuật, và đa số cổ phiếu trong “họ” PVN cũng đang tăng trên dưới 1-2%. Duy có 2 cổ phiếu nhóm “đạm” là DCM (HM:DCM) và DPM đang giảm nhẹ.
VCB mở cửa tăng nhẹ, sau phiên giảm bất ngờ chiều qua. Trong nhóm ngân hàng, VCB là mã tăng tốt nhất trong vòng 1 năm nay, và gần đây nhận nhiều tin tốt, bao gồm cả kết quả quý 3 đến sớm. Tuy nhiên, nhà đầu tư muốn chốt lời VCB do cổ phiếu “chạy” quá nhanh quá nguy hiểm chăng?
Hoàng Nam