Investing.com – Cổ phiếu các ngân hàng của Ý đã phải chịu những ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng chính trị mới vào đầu ngày thứ Sáu, giảm từ 2,2% đến 6,5% khi nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực đồng Euro chao đảo với cuộc bầu cử mới.
FTSE MIB, đúng theo dự đoán, đã khiến thị trường châu Âu giảm, giảm 2,2% vào lúc 5:10 AM ET (0910 GMT). Triển vọng về một chính phủ thân hữu mới, cứng rắn hơn, có thể một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh chấp về ngân sách và nợ công giữa Ý và EU, cũng đủ kéo chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha xuống 1,0% và DAX của Đức xuống 0,6%.
Trong khi đó, Stoxx 600 đã giảm 0,4% xuống 373,30, giảm 1,3% tính từ đầu tuần.
Ở một mức độ rộng hơn, phản ứng với tình hình chính trị được thể hiện trên thị trường trái phiếu, nơi các nhà đầu tư đã ngay lập tức định giá lại mức rủi ro cao hơn cho Ý. Chi phí vốn cao hơn đối với tất cả các công ty Ý, làm giảm tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Lợi tức của trái phiếu chính phủ 10 năm của Ý đã tăng 25 điểm cơ bản lên 1,79%, mức cao nhất kể từ đầu tháng 7, trong khi mức ‘chênh lệch’ lợi suất giữa trái phiếu Ý và Đức đã tăng lên tới 235 điểm cơ bản, cũng là mức cao nhất trong 6 tuần.
Mặc dù đó là một mức chênh lệch lớn nhưng cần nhớ rằng mức chênh này đã vượt quá 310 điểm cơ bản vào tháng 11 năm ngoái khi chính phủ hiện tại bất đồng với Brussels về kế hoạch ngân sách và ở mức hơn 500 điểm trong giai đoạn khủng hoảng đồng Euro năm 2011.
Diễn biến này, cùng lúc, vừa hợp lý vừa khó hiểu. Hợp lý, bởi vì các cuộc thăm dò dư luận cho thấy các cuộc bầu cử mới có thể sẽ dẫn đến việc thành lập một chính phủ cánh hữu, với đảng Lega của Matteo Salvini chiếm đa số, đây là những người có tư tưởng chống nhập cư và cũng bất đồng với EU về mức thâm hụt ngân sách của Ý, điều này chắc chắn sẽ đưa Ý quay trở lại cuộc tranh cãi với EU.
Nhưng khó hiểu bởi vì, như Angel Talavera, nhà phân tích kinh tế Oxford đã chỉ ra trên Twitter, rằng “cuộc khủng hoảng chính trị có nhiều dấu hiệu nhất trong lịch sử”. Salvini và Lega đã có gấp đôi sự ủng hộ kể từ khi vào chính phủ với tư cách là một thành viên thiểu số của “Phong trào 5 sao” vào mùa xuân năm ngoái, và Salvini, trong nhiều tháng, đã tỏ rõ ý muốn có một cuộc bầu cử mới để phản ánh sự thay đổi đó. Các thị trường đã có nhiều thời gian để định giá rủi ro này, nhưng các nhà đầu tư đã “dồn tiền” vào trái phiếu của Ý trong những tuần gần đây với hy vọng Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, vào thời điểm lợi suất của nhiều trái phiếu chính phủ khác đã giảm xuống dưới 0 .
Tờ báo Corriere della Sera đã đưa tin hôm thứ Năm rằng Salvini dự định sẽ tổ chức một cuộc bầu cử vào ngày 13 tháng 10. Nếu kết quả bầu cử đúng với các cuộc thăm dò dư luận hiện nay, có nhiều khả năng ông có thể thành lập một chính phủ mới với đảng cánh hữu Fratelli d’Italia, có tư tưởng gần giống với Lega về vấn đề nhập cư và chủ quyền quốc gia. Điều đó cho thấy rằng một chính phủ mới có thể được thành lập - ít nhất là theo tiêu chuẩn của Ý – một cách tương đối nhanh chóng.
Với việc Vương quốc Anh sẽ rời EU vào cuối tháng 10 mà không kèm theo bất cử thỏa thuận nào, Liên minh châu Âu có thể cùng lúc phải đối mặt với hai mối đe dọa lớn riêng biệt đối với sự gắn kết về kinh tế và chính trị. Và điều này xảy ra vào thời điểm nền kinh tế khu vực đồng Euro đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc xung đột thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc: Đức, Pháp và Hà Lan đều đã công bố dữ liệu sản xuất công nghiệp ảm đạm của tháng 6 trong tuần này.
Trong khi đó, lịch sử của EU cho thấy khi thách thức gia tăng, sự bất ổn trong ngắn hạn rất có khả năng ảnh hưởng đến tất cả các tài sản của châu Âu trong thời gian này.