Vietstock - Nỗi lo Covid-19 trở lại, chứng khoán toàn cầu đỏ lửa, Dow Jones tương lai sụt 500 điểm
Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ lao dốc trong ngày thứ Năm (08/07) vì nỗi lo ngại về đà hồi phục của nền kinh tế toàn cầu. Đà giảm diễn ra sau khi Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và nhiều quốc gia đối mặt với sự gia tăng về số ca nhiễm Covid-19.
Hợp đồng tương lai Dow Jones sụt 506 điểm (tương đương 1.5%), tiếp nối đà giảm trong phiên trước đó. Hợp đồng tương lai S&P 500 mất 1.5%, còn Nasdaq 100 lao dốc 1.4%. Cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều lập kỷ lục trong phiên trước nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Tại châu Âu, các chỉ số chính đều đang giảm 2-3%, trong đó chỉ số CAC giảm 2.4% và FTSE MIB sụt 2.77%.
Đà giảm trong phiên trước giờ giao dịch của Mỹ đến từ các cổ phiếu hưởng lợi từ đà hồi phục của nền kinh tế. Cổ phiếu Carnival và Royal Caribbean đều giảm hơn 3%. American Airlines và Delta Air Lines sụt hơn 2%. Cổ phiếu Boeing lao dốc 2%. Ford và Nike đều nhuốm sắc đỏ.
Nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm sự an toàn từ trái phiếu Chính phủ Mỹ, qua đó đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt mốc 1.255% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Bất chấp đà hồi phục của nền kinh tế và đà tăng của lạm phát, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn giảm.
Hồi đầu tháng 7/2021, lợi suất này ở mức 1.58% và lập đỉnh năm 2021 ở mức 1.78% trong tháng 3/2021. Các trader vẫn còn bối rối về lý do dẫn tới sự chuyển dịch sang trái phiếu, nhiều người cho rằng đó là do nỗi lo về đà hồi phục kinh tế.
Cổ phiếu Bank of America, Wells Fargo, Goldman Sachs và cổ phiếu tài chính khác đều nhuốm sắc đỏ khi triển vọng lợi nhuận suy giảm vì lãi suất giảm.
“Chẳng có gì cho thấy đà giảm của lợi suất trái phiếu đã chấm dứt”, Christopher Harvey, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu tại Wells Fargo, cho biết trong báo cáo ngày 08/07. “Đà giảm xuống dưới 1.25% có thể khiến các nhà quản lý danh mục cổ phiếu tin rằng có điều gì đó sai sai. Kết quả là chúng tôi nhận thấy khả năng thị trường cổ phiếu điều chỉnh 5% trước mùa báo cáo lợi nhuận”.
Ông Harvey tin rằng việc mua mạnh trái phiếu xuất phát từ yếu tố kỹ thuật nhiều hơn là do yếu tố kinh tế vĩ mô.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, vượt mốc 20 điểm trong ngày 08/07, có lẽ báo hiệu giai đoạn biến động mạnh sắp tới.
Chứng khoán châu Á cũng nhuốm sắc đỏ
Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 1.6%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 0.88% còn Topix giảm 0.9%.
Thị trường Trung Quốc đi xuống với Shanghai Composite giảm 0.79% còn Shenzhen Component giảm 0.382%. Hang Seng của Hong Kong giảm sâu nhất khu vực, mất 2.89%, xóa sạch phần tăng thêm kể từ đầu năm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0.99%. ASX 200 của Australia tăng 0.2%.
Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi tình hình Covid-19 tại khu vực. Chính phủ Nhật Bản dự kiến tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo cho đến ngày 22/8, theo hãng tin Kyodo News. Bang New South Wales của Australia ngày 07/07 thông báo gia hạn thời gian phong tỏa Sydney thêm một tuần.
Trong khi đó, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện ở nước này, Yonhap đưa tin. Trên thế giới, tổng số ca tử vong vì Covid-19 ngày 7/7 vượt 4 triệu, số ca nhiễm vượt 185 triệu.
Vũ Hạo (Theo CNBC)