Vietstock - Liệu Fed có tiếp tục giảm lãi suất trong năm 2025?
Khi cuộc họp quan trọng của Fed đang cận kề, một câu hỏi lớn đang được đặt ra: Liệu Fed có tiếp tục con đường cắt giảm lãi suất trong năm 2025? Mặc dù thị trường gần như chắc chắn về một đợt cắt giảm trong tuần này, nhưng diễn biến sau đó vẫn là một ẩn số lớn.
Theo những tín hiệu gần đây từ các quan chức Fed, đợt cắt giảm lãi suất sắp tới có thể đánh dấu cột mốc cuối cùng trong giai đoạn đầu của một chiến lược hạ lãi suất hai bước.
Trong giai đoạn đầu, họ dễ dàng giảm lãi suất vì hai lý do: Lãi suất duy trì ở mức cao và Fed đã kiên nhẫn chờ đợi những dấu hiệu tích cực về xu hướng lạm phát. Nhìn lại quá trình này, Fed đã thực hiện cắt giảm mạnh 0.5 điểm phần trăm vào tháng 9, tiếp theo là mức giảm 0.25 điểm trong tháng 11. Đợt cắt giảm trong tuần này sẽ là lần thứ ba liên tiếp.
Tuy vậy, nhiều thành viên Fed bắt đầu đòi hỏi bằng chứng cụ thể hơn về sự hạ nhiệt của lạm phát hoặc dấu hiệu suy yếu của thị trường lao động trước khi tiếp tục giảm lãi suất.
"Chúng ta đang ở tại hoặc gần điểm phù hợp cho việc giảm lãi suất chậm lại", Chủ tịch Fed Cleveland Beth Hammack nhận định đầu tháng này. Bà đã dẫn chứng hai trường hợp trong những năm 1990 khi Fed nhanh chóng cắt giảm lãi suất tổng cộng 0.75 điểm, sau đó chuyển sang vị thế quan sát.
Thông điệp thận trọng này dự kiến sẽ được phản ánh trong dự báo lãi suất quý này và bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell tại cuộc họp báo ngày 19/12.
Chủ tịch Fed Jerome Powell
|
Một khái niệm quan trọng đang được thảo luận sôi nổi là "lãi suất trung lập" – tức là mức không thúc đẩy cũng không kìm hãm nền kinh tế.
Theo đánh giá của nhiều quan chức Fed, những căn cứ cho đợt hạ lãi suất tháng 11 vẫn còn nguyên giá trị và có thể ủng hộ ít nhất một đợt cắt giảm nữa. "Lý do để cắt giảm là họ vẫn nghĩ họ còn khá xa mức trung lập và lạm phát dường như đang có xu hướng giảm", Dean Maki, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Point72 Asset Management nhận định.
Với lãi suất hiện tại ở mức 4.6%, ngay cả khi giảm thêm 0.25 điểm nữa, con số này vẫn cao hơn nhiều so với ước tính về mức trung tính (từ 2.5% đến 4%). Cựu Phó Chủ tịch Fed Donald Kohn nhận xét: "Có vẻ như còn khoảng từ 50 đến 75 điểm cơ bản nữa mới đạt đến đích".
Tuy nhiên, một số quan chức có thể phản đối việc tiếp tục cắt giảm, cho rằng nền kinh tế không cần lãi suất thấp hơn và lo ngại về việc giá tài sản như cổ phiếu và Bitcoin tăng nhanh có thể thúc đẩy chi tiêu và cản trở xu hướng giảm lạm phát.
Ngoài ra, thị trường lao động vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu như dự đoán hồi cuối mùa hè, trong khi tiến trình cải thiện lạm phát đã chững lại. "Tình hình không quá tệ, nhưng lạm phát không giảm như mong đợi", ông Dean Maki, kinh tế trưởng của Point72 Asset Management, chia sẻ.
Một yếu tố phức tạp khác là những chính sách sắp tới của ông Trump. Chẳng hạn, việc thắt chặt nhập cư có thể đẩy lương lên cao nhưng lại làm giảm nhu cầu tiêu dùng. Thuế quan có thể làm tăng giá cả nhưng đồng thời thu hẹp lợi nhuận doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Chủ tịch Fed Powell đã thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm chưa rõ về chính sách thuế quan, từ phạm vi áp dụng, mức độ, đến thời gian cảnh báo cho doanh nghiệp. "Chúng ta phải chờ xem diễn biến thực tế", ông nói.
Trong khi các lãnh đạo Fed hiện tại như ông Raphael Bostic ở Atlanta và ông Alberto Musalem ở St. Louis cho rằng còn quá sớm để đưa những thay đổi chính sách vào dự báo, cựu Chủ tịch Fed Boston Eric Rosengren lại có góc nhìn khác: "Thật khó để bỏ qua những điều sẽ xảy ra vào ngày 20/1 trong khi đang đưa ra dự báo giữa tháng 12".
Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee đã tóm tắt thách thức này một cách cân bằng. Ông "không thoải mái" khi định hình chính sách "dựa trên những suy đoán chính trị" nhưng cũng "không cho rằng chúng ta chỉ nên phản ứng". Quan điểm này phản ánh bài toán khó của Fed: Làm sao vừa giữ được tính độc lập trong điều hành chính sách tiền tệ, vừa phải linh hoạt đối phó với những thay đổi lớn sắp diễn ra trong chính sách kinh tế.
Vũ Hạo (Theo WSJ)