Vietstock - Lãi đậm nhưng các nhà băng lớn nhất nước Mỹ lo khó khăn sắp tới
Ba ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, JPMorgan, Wells Fargo và Citigroup, báo cáo tổng lợi nhuận của họ trong quí 3 đạt kỷ lục mới nhờ lãi suất cao hơn. Nhưng họ đưa ra một loạt cảnh báo về những khó khăn sắp tới từ các quy định yêu cầu tăng vốn để đáp ứng Basel III, thua lỗ cho vay gia tăng và hậu quả từ cuộc xung đột ở Trung Đông.
Trong quí 3, lợi nhuận của Wells Fargo và JPMorgan lần lượt tăng 60% và 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Daily Mail |
Số liệu từ các báo cáo kinh doanh công bố hôm 13-10 cho thấy, trong quí gần nhất, JPMorgan, Wells Fargo và Citigroup thu về tổng lợi nhuận 22,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là con số tổng lợi nhuận quí 3 cao nhất của họ từ trước đến nay nhờ thu nhập lãi ròng (NII – chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi) tăng trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất. JP Morgan (NYSE:JPM_pj), ngân hàng lớn nhất nước, báo cáo lợi nhuận tăng 35% so với năm ngoái, lên tới 13,2 tỉ đô la. Wells Fargo báo cáo thu nhập 5,8 tỉ đô la trong ba tháng tính đến tháng 9, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh hưởng lợi nhờ lãi suất tăng, Citigroup còn chứng kiến quí 3 kinh doanh tiền tệ tốt nhất trong tám năm.
Dù lợi nhuận bội thu, các CEO của họ tiếp tục cảnh báo về một môi trường không chắc chắn khi phải xóa bỏ giá trị của các khoản nợ xấu gần 4 tỉ đô la trong quí 3, cao gần gấp đôi số nợ xấu mà họ xóa bỏ một năm trước đó.
Jamie Dimon, CEO của JPMorgan,đánh giá, sức khỏe tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ nhìn chung vẫn ổn định. Tuy nhiên, ông cảnh báo về thâm hụt ngân sách tăng cao của chính phủ Mỹ và lãi suất có thể tăng thêm
“Thị trường lao động thắt chặt liên tục cũng như mức nợ chính phủ cực cao với mức thâm hụt tài chính lớn nhất trong thời bình từ trước đến nay đang làm tăng nguy cơ lạm phát duy trì ở mức cao và lãi suất sẽ tăng cao hơn nữa từ đây”, Dimon nói trong một cuộc họp báo.
Ông bày tỏ lo ngại chiến sự ở Ukraine và xung đột Hamas-Israel có thể gây tác động động sâu rộng đến thị trường năng lượng và thực phẩm, thương mại toàn cầu và các mối quan hệ địa chính trị.
“Đây có thể là thời điểm nguy hiểm nhất mà thế giới từng chứng kiến trong nhiều thập niên”, ông nói.
Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và các nước khác đang xác định cách họ sẽ thực hiện về các yêu cầu khắt khe hơn về vốn đối với các ngân hàng từ Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS), được triển khai kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Dimon cho biết, ngân hàng của ông đã dành những tháng gần đây để nghiên cứu một đề xuất dài 1.087 trang về tiêu chuẩn Basel III từ các cơ quan quản lý Mỹ, có thể đòi hỏi JPMorgan phải tăng vốn dự phòng thêm 25%, tương đương 50 tỉ đô la. Trong khi đó, Citigroup dự kiến vốn dự phòng cần tăng khoảng 16-20%.
Các lãnh đạo của ba ngân hàng lớn nhất Mỹ cảnh báo, những thay đổi về vốn này có thể sẽ buộc họ phải xem xét lại việc cung cấp một số sản phẩm nhất định hoặc tăng phí cho những sản phẩm tín dụng khác. Đối với thẻ tín dụng, kế hoạch triển khai Basel III sẽ buộc các ngân hàng phải phân bổ thêm vốn dự phòng nếu khách hàng có hạn mức tín dụng lớn chưa sử dụng. Mark Mason, Giám đốc tài chính của Citigroup, nói rằng điều đó có thể có nghĩa là Citigroup phải xem xét lại quy mô cấp hạn mức thẻ tín dụng của khách hàng hoặc tăng phí đối với khách hàng khi họ sử dụng thẻ để chi tiêu
Theo Dimon, một phần của đề xuất trên yêu cầu các ngân hàng nắm giữ nhiều vốn hơn cho một số loại hình giao dịch nhất định. Ông dự kiến mảng kinh doanh thị trường của JPMorgan (liên quan đến hoạt động tự doanh và môi giới chứng khoán, trái phiếu, hợp đồng phái sinh) sẽ cần tăng thêm 60% vốn dự phòng. Ông nói, điều đó có thể khiến những đấu thủ nhỏ rời khỏi thị trường và dẫn đến tính thanh khoản kém hơn.
Jeremy Barnum, Giám đốc tài chính của JPMorgan, cho biết đang tập trung vận động những thay đổi cần thiết đối với các quy định về vốn được đề xuất.
“Một số trong quy định về vốn có bản chất rất kỹ thuật, bao gồm cả những điều mà chúng tôi cho rằng thực sự có thể là sai sót”, ông nói.
Phó chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Michael Barr, người đứng đầu nỗ lực triển khai Basel III, cho rằng cú sụp đổ của ba ngân hàng khu vực hồi đầu năm nay cho thấy các ngân hàng cần trang bị năng lực chống chọi tốt hơn với những tổn thất bất ngờ. Các ngân hàng Mỹ có thời hạn đến cuối tháng 11 để cung cấp phản hồi chính thức với đề xuất liên quan đến Basel III.
Bất chấp sự gia tăng số nợ phải xóa bỏ (đồng nghĩa ghi nhận lỗ), cả ba ngân hàng lớn nhất Mỹ công bố trích lập dự phòng thua lỗ tín dụng thấp hơn dự kiến của các nhà phân tích. Tuy nhiên, họ cảnh báo rằng thua lỗ tín dụng sẽ tiếp tục tăng vượt mức trước đại dịch Covid-19 trong những quí tới.
Citigroup dự kiến tỷ lệ xóa nợ ở các danh mục thẻ tín dụng sẽ tăng vào cuối năm nay. Theo Mark Mason, Giám đốc tài chính của Citigroup, người tiêu dùng có điểm tín dụng thấp đã bắt đầu cảm nhận áp lực khi giá lạm phát tiếp tục bào mòn số tiền tiết kiệm của họ.
Không chỉ cho vay tiêu dùng mới khiến các lãnh đạo ngân hàng lo lắng. Đại dịch Covid-19 đã mở ra một kỷ nguyên mới của công việc từ xa, giảm tỷ lệ sử dụng văn phòng và làm dấy lên nỗi lo các chủ sở hữu bất động sản thương mại có thể không trả được nợ. Wells Fargo, ngân hàng cho vay bất động sản thương mại lớn nhất đất nước, ngày càng lo ngại về các khoản cho vay gắn liền với không gian văn phòng sau khi bổ sung thêm 333 triệu đô la vào khoản dự phòng thua lỗ tín dụng trong quí 3.
“Danh mục văn phòng nói riêng trong danh mục cho vay bất động sản thương mại là nơi chúng tôi đang thấy điểm yếu. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ thấy một số khoản lỗ trong danh mục đầu tư đó theo thời gian”, Mike Santomassimo, Giám đốc tài chính của Wells Fargo, nói.
Chánh Tài (Theo Bloomberg, Reuters)