Vietstock - Khối ngoại tháo chạy khỏi chứng khoán Trung Quốc, bán ròng gần 10 tỷ USD
Nhà đầu tư nước ngoài đổ xô bán tháo cổ phiếu Trung Quốc khi nỗi lo về khủng hoảng bất động sản ngày càng leo thang.
Bất chấp sự khởi sắc của thị trường trong những ngày gần đây, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng tổng cộng 71.6 tỷ Nhân dân tệ (9.8 tỷ USD) cổ phiếu loại A thông qua kênh liên kết giao dịch giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông trong tháng 8/2023 (tính tới ngày 24/08).
Đây là mức bán ròng mạnh nhất kể từ tháng 11/2014, thời điểm kênh giao dịch này chính thức đi vào hoạt động, dữ liệu từ Wind cho thấy.
Trước đó, những nhà đầu tư tổ chức lớn ở thị trường Trung Quốc đại lục đã thông báo sẽ mua cổ phiếu Trung Quốc, nhưng đến nay vẫn chưa tạo ra cú huých tâm lý như nhiều người kỳ vọng.
Nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ dưới 10% cổ phiếu loại A nhưng lại có tác động lớn tới thị trường Trung Quốc vì họ thường nắm giữ các cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong chỉ số CSI 300.
Nhiều chuyên gia kinh tế nước ngoài cho rằng khối ngoại cảm thấy lo ngại vì Trung Quốc chưa đưa ra biện pháp nào đủ lớn để vực dậy thị trường.
Giới quan sát vẫn đang ngóng chờ các tín hiệu tích cực. Họ cho rằng việc Trung Quốc không đề cập tới khẩu hiệu “nhà là để ở không phải để đầu cơ” là một tín hiệu tốt, cho thấy đất nước tỷ dân đã nới lỏng lập trường với thị trường bất động sản.
Hiện giới đầu tư ngày càng lo ngại về lĩnh vực bất động sản Trung Quốc - vốn là động lực thúc đẩy tăng trưởng của đất nước tỷ dân trong thập kỷ qua - nhất là khi nhiều tập đoàn bất động sản lớn xuất hiện tín hiệu căng thẳng về thanh khoản. Country Garden, doanh nghiệp bất động sản top đầu của Trung Quốc, trễ hạn thanh toán trái phiếu định danh bằng USD và đang đàm phán với các chủ nợ về việc hoãn thanh toán.
Trước nỗi lo của giới đầu tư, các ngân hàng phải lên tiếng trấn an rằng tỷ lệ cho vay bất động sản đang ở mức hạn chế. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu bất động sản của ngân hàng vẫn tăng.
Bank of East Asia cho biết nợ của Country Garden chỉ chiếm dưới 0.02% trong sổ nợ của ngân hàng và gần như không gây tác động tới hoạt động của họ.
Bank of East Asia đã giảm tỷ lệ cho vay lĩnh vực bất động sản thương mại từ 2 năm trước, giảm từ 16% xuống chỉ còn 8.8% tổng nợ vay tính tới cuối tháng 6/2023. Tuy vậy, tỷ lệ nợ có vấn đề của Bank of East Asia tăng lên 2.56%, chủ yếu là do nợ xấu từ lĩnh vực bất động sản thương mại.
Trong khi đó, Dah Sing Bank cho biết nợ của Country Garden chỉ chiếm 1.5% tổng tài sản của ngân hàng. Giám đốc Tài chính Cristo Chow cho rằng mức này “quá thấp và không đáng đề cập tới” trong một cuộc họp gần đây.
Tuy nhiên, ngân hàng này cho biết họ phải tăng dự phòng cho khoản nợ vay của Bank of Chongqing. “Đây chỉ là yêu cầu từ phía kiểm toán”, ông Chơ cho biết. “Các khoản dự phòng này không tác động tới dòng tiền và tỷ lệ an toàn vốn của chúng tôi”.
Tỷ lệ nợ xấu bất động sản của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) ở mức 39.6 tỷ Nhân dân tệ tại cuối tháng 6/2023, tăng 18% so với 6 tháng trước đó. Tổng nợ xấu tăng 8.1% lên 316.6 tỷ Nhân dân tệ tại cuối tháng 6.
Không chỉ ngân hàng, ngành bảo hiểm cũng chú ý tới lĩnh vực bất động sản. Công ty bảo hiểm China Life cho biết “tỷ lệ vốn rót vào lĩnh vực bất động sản khá hạn chế”.
Tuy nhiên, Sino-Ocean Group - doanh nghiệp bất động sản quốc doanh và China Life có nắm 30% cổ phần - đã trễ hạn thanh toán nợ trái phiếu 2 tỷ Nhân dân tệ trong tháng này và hiện đang đàm phán kế hoạch thanh toán với chủ nợ. Tập đoàn bất động sản này cho biết “thanh khoản khó cải thiện đáng kể trong ngắn hạn”.
Zhao Guodong, Phó Chủ tịch của China Life, cho biết khoản đầu tư ở Sino-Ocean Group “vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát”.
Trung Quốc ra tay vực dậy thị trường chứng khoán
Về phía Chính phủ Trung Quốc, họ đưa ra nhiều biện pháp để vực dậy thị trường chứng khoán.
Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết đang cân nhắc kéo dài thời gian giao dịch cổ phiếu loại A để “kích hoạt thị trường vốn và vực dậy niềm tin của nhà đầu tư”. Cơ quan này cũng chỉ đạo “các quỹ tương hỗ tăng cường mua các sản phẩm cổ phiếu của chính họ”.
Gần đây, Trung Quốc cũng thông qua việc thành lập 37 quỹ đầu tư mới vào cuối tuần trước.
Theo website của CSRC, các quỹ mới thành lập bao gồm 10 quỹ ETF bám sát chỉ số CSI 2000 và 7 quỹ ETF tập trung vào lĩnh vực công nghệ. Họ hy vọng các quỹ mới sẽ dẫn dòng vốn mới vào thị trường.
Trong khi đó, 20 quỹ còn lại là các quỹ tương hỗ đổi mới. Đây là các quỹ đầu tiên cho phép thả nổi việc tính phí cho các nhà đầu tư, dựa trên quy mô quỹ, hiệu suất hoạt động hoặc thời gian nắm giữ.
CSRC cam kết sẽ đẩy nhanh quá trình phê duyệt các ETF và hướng dẫn các nhà quản lý tài sản giảm phí quản lý, cũng như phí giao dịch, cùng với một số biện pháp hỗ trợ thị trường khác.
Trong một bài viết đăng vào ngày 28/08, tờ China Securities Journal cho biết các biện pháp hỗ trợ gần đây cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc ổn định thị trường vốn. Họ cho rằng việc thị trường vốn hoạt động ổn định rất quan trọng trong sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc.
“Một thị trường vốn sôi động là chìa khóa để ổn định kỳ vọng của người dân và gia tăng niềm tin”, trích từ bài đăng. “Không được đánh giá thấp quyết tâm vực dậy thị trường và củng cố niềm tin của các nhà hoạch định chính sách”.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)