Cơ sở bảo dưỡng máy bay 1 cửa Mỹ Lan đang đặt mục tiêu hình thành một hệ thống cung ứng dịch vụ đa dạng cho các hãng hàng không nội địa và quốc tế. Xinhua đưa tin, vào ngày 14/5, một máy bay Boeing (LON:SBA) 737-800 của hãng hàng không Jeju Airlines (Hàn Quốc) đã được đưa tới khu đất rộng 148.000m2 ở Giang Đông, thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) và lưu lại tại đây 16 ngày.
Theo Nhật báo Hải Khẩu, trong năm 2023, tổng cộng 679 máy bay đã lưu lại tại đây và mang về doanh thu cực khủng cho tỉnh Hải Nam. Hợp đồng gần nhất đầu năm 2024 ký với Qatar Airways có giá trị lên tới 100 triệu NDT (gần 13,8 triệu USD).
Mục đích lưu trú máy bay
Cổng thông tin Hainan International Communication Network (HICN) của tỉnh Hải Nam cho biết, khu đất rộng 148.000m2 là nơi đặt Cơ sở bảo dưỡng máy bay 1 cửa Mỹ Lan (Meilan Airport Aircraft Maintenance Base).
Đây là một dự án quan trọng trong khuôn khổ Cảng Tự do Thương mại Hải Nam do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng nhằm thúc đẩy nền kinh tế xung quanh sân bay Mỹ Lan Hải Khẩu.
Nhiều hãng hàng không quốc tế tìm đến MAAMB nhờ các chính sách ưu đãi của Cảng Thương mại Tự do Hải Nam. Ảnh: Xinhua |
Đặc biệt, nhờ chính sách ưu đãi của Cảng Tự do Thương mại Hải Nam, vật tư và linh kiện hàng không sử dụng trong dịch vụ bảo trì dành cho các máy bay nhập cảnh được miễn thuế nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho các máy bay Boeing hay Airbus của Mỹ, châu Âu tới bảo dưỡng với chi phí ưu đãi.
Nhật báo Hải Khẩu tiết lộ, trong năm 2023, cơ sở bảo dưỡng máy bay tại Hải Khẩu đã hoàn thành bảo dưỡng cho tổng cộng 679 máy bay, 15.842 bộ phận, và hoàn tất sơn cho 95 máy bay.
Xây dựng cơ sở bảo dưỡng
Cơ sở bảo dưỡng máy bay 1 cửa là cơ sở cung cấp đầy đủ các dịch vụ liên quan đến bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm định máy bay. Công việc trong cơ sở gồm đại tu, phun sơn, bảo dưỡng phụ kiện, và một số dịch vụ hỗ trợ khác.
Mô hình "1 cửa" cho phép khách hàng nhận được tất cả các dịch vụ cần thiết tại một địa điểm duy nhất, giúp tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả trong quá trình bảo dưỡng máy bay.
Trang tin tức Hinews.cn cho hay, hơn 3.000 công nhân đã được huy động để hoàn thành Cơ sở bảo dưỡng máy bay 1 cửa Mỹ Lan (MAAMB).
Chính thức vận hành vào năm 2022, nhiều doanh nghiệp trong chuỗi công nghiệp sửa chữa hàng không tại Trung Quốc đã tới cơ sở này để đăng ký hoạt động, từ đó hình thành mô hình phát triển tập trung của ngành công nghiệp - dịch vụ sửa chữa "toàn diện".
Ông Wan Xin, Giám đốc cơ sở bảo trì tại MAAMB, nói rằng nhờ có chính sách thuận lợi của Cảng Tự do Thương mại Hải Nam mà MAAMB đã trở thành "giải pháp Trung Quốc" ưa thích của các hãng vận tải nước ngoài.
Các nhân viên đang thực hiện việc bảo trì máy bay tại MAAMB. Ảnh: Xinhua |
Theo CGTN, chiếc Airbus A320 của hãng hàng không Hoàng gia Philippines là chiếc máy bay nước ngoài đầu tiên đáp xuống MAAMB để tiến hành công tác bảo dưỡng.
Chiếc máy bay này đáp xuống vào tháng 10/2022 và công tác bảo dưỡng được bắt đầu ngay ngày hôm sau, sau khi tiến hành khử trùng máy bay.
Đây là 1 trong 2 chiếc Airbus A320 mà hãng hàng không Hoàng gia Phillippines tới đây bảo dưỡng trong năm 2022.
Theo chính sách của Cảng thương mại tự do Hải Nam, các máy bay của Philippines được miễn tiền đặt cọc nhập cảnh, tiếp nhiên liệu hàng không ngoại quan và miễn thuế bảo trì vật tư hàng không.
Quá trình thay thế động cơ và bảo dưỡng kết thúc sau 3 ngày theo kế hoạch. Giám đốc Wan Xin cho biết, hãng hàng không Philippines tiết kiệm được khoảng 10-15% chi phí bảo trì nhờ dịch vụ bảo trì đặc biệt do MAAMB cung cấp.
Từ đó tới nay, MAAMB đã hoàn thành dịch vụ sửa chữa và sơn máy bay nhập cảnh cho các Hãng hàng không Quốc gia Qatar, Campuchia, Philippines, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, cùng các công ty cho thuê máy bay hàng đầu thế giới như AERCAP, Icelease, BBAM.
Máy bay của Vietjet (HM:VJC) tiến hành dịch vụ bảo trì tại MAAMB. Ảnh: Xinhua |
Cụ thể, vào ngày 28/2/2024, chiếc máy bay Airbus A321 thuộc hãng hàng không Vietjet đã tới MAAMB để tiến hành dịch vụ bảo trì "kiểm tra 6 năm" ước tính kéo dài 14 ngày.
Theo China News, đây là dịch vụ kiểm tra toàn diện và sâu rộng nhất mà các mẫu máy bay Airbus cần thực hiện ít nhất mỗi 6 năm một lần, dựa trên yêu cầu của kế hoạch bảo dưỡng và sửa chữa, trên cơ sở bảo dưỡng thường xuyên hàng ngày.
Đại diện phụ trách kinh doanh của HNA Technology (Trung Quốc) tại Việt Nam, ở Cảng Thương mại Tự do Hải Nam, nói rằng máy bay của Vietjet cũng được hưởng các chính sách ưu đãi như miễn nộp tiền đặt cọc và miễn thuế đối với vật tư bảo trì.
Đại diện nhấn mạnh: "Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất trên thế giới, và là thị trường bảo dưỡng máy bay ở nước ngoài tại Đông Nam Á mà HNA Technology tập trung khai thác, chúng tôi cũng sẽ nhân cơ hội này để phát triển khách hàng nước ngoài nhiều hơn".
Thêm vào đó, cơ sở bảo dưỡng Mỹ Lan còn được đánh giá là một trong những điểm bảo dưỡng thuận tiện cho các hãng hàng không của Việt Nam.
Dự kiến sắp tới sẽ có thêm 2 chiếc Airbus A321 của Vietjet tới MAAMB bảo dưỡng.
Trung Quốc huy động 3.000 công nhân xây dựng cơ sở bảo dưỡng máy bay 1 cửa. Ảnh: Xinhua |
MAAMB đang nổi lên là một điểm sáng trong bức tranh toàn cầu của ngành bảo dưỡng máy bay, với tham vọng mở rộng ảnh hưởng của mình tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
Dự án bảo dưỡng máy bay 1 cửa Mỹ Lan hiện đặt mục tiêu hình thành một hệ thống cung ứng dịch vụ đa dạng cho các hãng hàng không nội địa và quốc tế.
Họ sẽ cho xây dựng 6 nhà chứa có khả năng thực hiện bảo dưỡng cùng lúc cho 8 máy bay thân rộng hoặc lên tới 33 máy bay thân hẹp, giúp MAAMB nâng cao năng lực bảo dưỡng và mở rộng dịch vụ ra thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
Khi dự án hoàn tất, cơ sở này được kỳ vọng sẽ có khả năng cung cấp dịch vụ bảo dưỡng vượt trội, tăng 47% so với nhu cầu hiện tại, nhằm phục vụ cho việc mở rộng các tuyến bay quốc tế và tăng cường hoạt động kinh doanh bảo dưỡng nhiều loại máy bay.
Thông qua 500 tuyến đường quốc tế nối liền khắp thế giới, ngành bảo dưỡng hàng không tại Khu Mới Giang Đông, Hải Khẩu dự kiến sẽ đạt giá trị sản lượng hàng năm khoảng 5 tỷ NDT.
>> Kỳ lạ dự án 'đắt như tôm tươi' trong lúc cả nước ế ẩm: Bức tranh hai mặt của thị trường BĐS Trung Quốc