Việc Facebook Inc (NASDAQ:FB) (NASDAQ:FB) công bố phát hành đồng tiền mã hóa Libra như một nỗ lực tiến vào mảng thanh toán điện tử cũng đồng thời dấy lên lo ngại về các nguy cơ an ninh liên quan đến thông tin cá nhân.
Reuters dẫn lời một số nguồn tin cho biết mạng xã hội này đã bắt tay với 28 đối tác, trong đó có cả Mastercard (NYSE:MA), PayPal và Uber (NYSE:UBER) để thành lập Hiệp hội Libra, đặt trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ) nhằm quản trị đồng tiền này. Tuy nhiên chưa có ngân hàng nào tham gia hiệp hội nói trên.
Để thực hiện các giao dịch, Facebook cũng thành lập Calibra, một công ty con cung cấp các loại ví điện tử để lưu giữ, gửi và nhận đồng Libra. Calibra sẽ được kết nối với Messenger và Whatsapp, những nền tảng nhắn tin thuộc Facebook.
Dự kiến, toàn bộ hệ thống vận hành kể trên sẽ được triển khai vào nửa đầu năm 2020.
Mục tiêu của đội ngũ phát triển đồng Libra là khá tham vọng. Họ hy vọng rằng đồng tiền mã hóa này không chỉ cho phép các giao dịch được tiến hành trên phạm vi toàn cầu mà còn giúp những người trước nay chưa có điều kiện sử dụng dịch vụ ngân hàng được tiếp cận với các giải pháp tài chính.
Facebook còn đánh cược vào khả năng đồng Libra giúp họ có được nguồn doanh thu từ những nguồn bên ngoài hệ thống ứng dụng hiện tại, chẳng hạn doanh thu đến từ hệ thống các mạng xã hội tại Trung Quốc như WeChat.
Maxine Waters, Chủ tịch của Ủy ban các dịch vụ tài chính thuộc Hạ viện Mỹ đã kêu gọi đại diện của Facebook đối chất trước Quốc hội nước này. Bà cũng đề nghị Facebook tạm ngưng phát triển đồng Libra cho đến khi các nhà làm luật và điều phối chính sách có điều nghiên kỹ lưỡng về dự án này.
Nhiều viên chức chính phủ, nhà lập pháp và điều tiết chính sách từ khắp nơi trên thế giới cũng nhanh chóng gửi đi các thông báo chỉ trích. Bộ trưởng Tài chính Pháp cho biết đích thân ông đã đề xuất người đứng đầu Ngân hàng trung ương của các nước trong khối G7 lập một báo cáo về dự án của Facebook để công bố vào khoảng giữa tháng 07/2019.
Một người đại diện giấu tên của Facebook khẳng định rằng công ty này mong muốn được trả lời các câu hỏi từ các nhà làm luật.
Trước khi công bố dự án tiền mã hóa Libra, Facebook cũng đã phải nhận nhiều chỉ trích nặng nề liên quan đến các cáo buộc sử dụng dữ liệu người dùng cho các mục tiêu thương mại. Đã có những kêu gọi từ chính giới nhằm áp dụng hình phạt cho Facebook và thậm chí là bắt buộc phá sản.
Trong khi đó, người phụ trách sản phẩm của dự án Libra, Kevin Weil, phát biểu rằng Facebook hy vọng có thể đối thoại với các nhà điều hành chính sách từ nhiều nước thông qua việc công bố rộng rãi kế hoạch này.
“Việc đưa thông tin công khai giúp chúng tôi có bước đệm tốt cho sau này và có được những trao đổi ra vấn đề với các nhà điều hành chính sách từ nhiều nước”, ông nói với Reuters. “Chúng tôi mong đợi được đối thoại”.
Tên gọi Libra xuất phát từ các đơn vị đo lường cổ thời La Mã, một biểu tượng thiên văn học dùng để biểu đạt công lý và một từ tiếng Pháp mang nghĩa tự do, theo lý giải của David Marcus, một quản lý cấp cao của Facebook.
“Tự do, công lý và tiền tài, đây chính xác là những điều mà chúng tôi đang nỗ lực thực hiện”, Marcus nói.
LĨNH VỰC CHƯA ĐẦY ĐỦ QUY ĐỊNH PHÁP LÝ
Reuters nhận định rằng Facebook đang sử dụng một “ngách” thuộc diện có ít cơ sở pháp lý nhất của lĩnh vực tài chính để tiến vào địa hạt màu mỡ này.
Bitcoin, đồng tiền mã hóa nổi tiếng nhất, được vận hành từ 2008 như một phương tiện thay thế cho các loại tiền tệ truyền thống vốn được kiểm soát bởi các chính phủ và ngân hàng trung ương. Một số quốc gia đã tìm cách để quản lý thị trường mới mẻ này nhưng nhìn chung thì đa phần hoạt động trao đổi tiền mã hóa vẫn chưa được kiểm soát.
Trong khi đó, không ít các nhà đầu tư đã thua lỗ hàng trăm triệu USD khi thị trường tiền mã hóa lao dốc hoặc bởi các vụ tấn công vào sàn giao dịch. Cũng có không ít cáo buộc rằng thị trường này có thể liên quan đến vấn nạn rửa tiền hoặc hoạt động tài trợ khủng bố.
Thế nhưng với địa vị là một công ty hùng mạnh của thung lũng Silicon, việc Facebook tiếp cận hàng tỉ người khắp thế giới sẽ giúp từng bước hợp pháp hóa một thị trường ngách không dễ để kiểm soát.
Một số thành viên đáng chú khác của Hiệp hội Libra là Visa (NYSE:V), Spotify (NYSE:SPOT), eBay (NASDAQ:EBAY) và Vodafone (LON:VOD), cũng như các quỹ mạo hiểm mà tiêu biểu là Andreessen Horowitz.
Hiệp hội này hy vọng sẽ có 100 thành viên vào thời điểm Libra chính thức ra mắt. Mỗi thành viên sẽ có một phiếu biểu quyết cho những quyết định quan trọng. Để có thể tham gia nhóm này, mỗi công ty sẽ phải đầu tư ít nhất 10 triệu USD.
Một số bên ủng hộ dự án Libra thừa nhận rằng việc người dùng quan ngại thông tin cá nhân bị sử dụng sai mục đích hoặc các rào cản pháp lý sẽ ít nhiều cản trở mục tiêu chính của dự án. Họ cho biết một số giải pháp đang được tiến hành để từng bước tháo gỡ các khó khăn nêu trên.
Ví dụ, Calibra sẽ áp dụng các giải pháp kiểm tra tương tự như của các ngân hàng để xác minh khách hàng lúc ban đầu.
(Theo Reuters)