Vietstock - Phố Wall tiếp tục giảm mạnh, Nasdaq Composite bước vào vùng điều chỉnh
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào ngày thứ Sáu (02/08), khi báo cáo việc làm tháng 7 yếu hơn nhiều so với dự báo làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 02/08, chỉ số S&P 500 lùi 1.84% xuống 5,346.56 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 2.43% còn 16,776.16 điểm, khiến chỉ số này giảm từ mức cao mọi thời đợi gần đây lên hơn 10%. Chỉ số Dow Jones rớt 610.71 điểm (tương đương 1.51%) xuống 39,737.26 điểm. Tại mức đáy trong phiên, chỉ số này đã bốc hơi 989 điểm.
Chứng khoán Mỹ đỏ lửa sau khi tăng trưởng việc làm trong tháng 7 tại Mỹ chậm hơn dự báo, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2021. Bộ Lao động Mỹ báo cáo nền kinh tế nước này chỉ tạo ra thêm 114,000 việc làm trong tháng trước, chậm lại so với mức tăng 179,000 việc làm trong tháng 6 và thấp hơn so với dự báo tăng 185,000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4.3%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2024 khi nhà đầu tư đổ xô vào trái phiếu để trú ẩn vì lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã mắc sai lầm trong tuần này khi giữ lãi suất ở mức hiện tại.
Một số cổ phiếu vốn hoá lớn đã chứng kiến mức giảm sâu trong phiên, khi kết quả kinh doanh quý 2 của Amazon (NASDAQ:AMZN) khiến nhà đầu tư lo ngại về mức độ chi tiêu vốn liên quan đến trí tuệ nhân tạo của các công ty công nghệ lớn. Cổ phiếu gã khổng lồ ngành thương mại điện tử sụt 8.8% sau khi công bố doanh thu không đạt kỳ vọng của Phố Wall và đưa ra dự báo đáng thất vọng. Trong khi, cổ phiếu Intel (NASDAQ:INTC) bốc hơi 26% sau khi công bố triển vọng yếu kém và sa thải lao động. Cổ phiếu Nvidia (NASDAQ:NVDA) mất 1.8%, sau khi sụt 6% trong phiên trước đó.
Nasdaq Composite là chỉ số đầu tiên trong 3 chỉ số chính bước vào vùng điều chỉnh, khi giảm hơn 10% so với mức cao kỷ lục. S&P 500 và Dow Jones lần lượt giảm 5.7% và 3.9% so với các mức cao mọi thời đại của mình.
Tuy nhiên, không chỉ có nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán tháo vào ngày thứ Sáu. Các cổ phiếu ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nặng nề do lo ngại suy thoái với cổ phiếu Bank of America rớt 4.9% và cổ phiếu Wells Fargo sụt 6.4%.
Đây là một tuần đầy biến động khi S&P 500 trồi sụt hơn 1% trong mỗi 3 phiên vừa qua. Thị trường chứng khoán đã phục hồi vào ngày 31/07 khì Fed phát tín hiệu mạnh mẽ rằng việc hạ lãi suất sẽ diễn ra tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 9. Sau số liệu việc làm yếu kém vào ngày thứ sáu, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tin rằng ngân hàng trung ương lẽ ra phải hành động vào ngày 31/07.
An Trần (Theo CNBC)