Vietstock - Những đồn đoán về khả năng BoJ tăng lãi suất khi đồng yen suy yếu
Chuyên gia Yujiro Goto của công ty tài chính Nomura Securities dự đoán rằng đồng yen phải rơi xuống mức 170 yen đổi 1 USD để BoJ có thể cân nhắc tăng lãi suất cao hơn.
Đồng yen của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Trong khi quyết định chấm dứt lãi suất âm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) không ngăn được đồng yen suy yếu, một số nhà phân tích bắt đầu dự đoán rằng sự mất giá của đồng tiền này sẽ dẫn đến việc BoJ tăng lãi suất hơn nữa.
Theo kịch bản đó, lạm phát khiến đồng yen yếu hơn sẽ khiến những tiếng nói muốn tăng lãi suất trong BoJ trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, lãi suất dài hạn vẫn ổn định và thị trường trái phiếu hầu như chưa sẵn sàng cho một đợt tăng lãi suất khác.
Đồng nội tệ Nhật Bản đã giảm giá xuống mức 151 yen đổi 1 USD lần đầu tiên sau khoảng 34 năm. Với việc BoJ dự kiến sẽ giữ chính sách tiền tệ lỏng lẻo trong khi lãi suất của Mỹ vẫn ở mức cao, các nhà giao dịch đã bán tháo đồng yen đến mức những người theo dõi thị trường đều đồn đoán về một sự can thiệp của chính phủ.
Tuy nhiên, lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm mới phát hành vẫn ở mức khoảng 0,74% vào ngày 2/4 - dưới mức cao kỷ lục 0,795% ghi nhận hồi giữa tháng Ba - ngay cả sau khi BoJ kết thúc chính sách lãi suất âm.
Đồng yen yếu góp phần gây ra lạm phát bằng cách đẩy giá nhập khẩu lên cao.
Khi BoJ coi mục tiêu lạm phát 2% nằm trong tầm tay, các nhà giao dịch tiền tệ suy đoán rằng một đồng yen mất giá sẽ gây áp lực tăng giá cao hơn, khiến ngân hàng trung ương coi việc nâng lãi suất là điều không thể tránh khỏi.
Nhìn vào tác động thực tế của việc đồng tiền yếu đối với lạm phát, đồng yen đã giảm khoảng 13% so với đồng USD so với thời điểm này năm ngoái.
Chỉ số giá nhập khẩu của BoJ trong tháng 2/2024 đã tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng dù khá khiêm tốn nhưng là lần tăng đầu tiên trong 11 tháng.
Trước đó vào tháng 9 và tháng 10/2022, việc đồng yen giảm hơn 20% theo năm đã đẩy chỉ số nhập khẩu tăng hơn 40%, qua đó đẩy lạm phát chung lên cao.
Ông Ryosuke Katagi, chuyên gia kinh tế thị trường tại công ty tài chính Mizuho Securities cho biết vào năm 2022 và 2023, đồng yen yếu và giá hàng hóa tăng gấp đôi đã tạo ra một cú sốc kép. Giá dầu đã tăng 85% trong năm vào tháng 3/2022 ngay sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine .
Nhưng hiện giá dầu chỉ tăng 4%.Sức ép làm tăng giá năng lượng dịu bớt dự kiến sẽ bù đắp phần lớn các tác động lạm phát xuất phát từ sự yếu kém hiện tại của đồng yen.
Chuyên gia Katagi cho biết nếu đồng yen và giá năng lượng vẫn ở mức hiện tại thì giá nhập khẩu của Nhật Bản sẽ chỉ tăng khoảng 5%. Khi đó, khó có khả năng BoJ buộc phải tăng lãi suất lên cao hơn để kiềm chế lạm phát.
Một số thành viên BOJ cũng thấy có ít lý do để thực hiện kịch bản đó vào lúc này. Những người theo dõi thị trường nhận định đồng yen sẽ cần phải suy yếu hơn nữa trước khi BoJ có thể tăng lãi suất thêm.
Chuyên gia Yujiro Goto của công ty tài chính Nomura Securities dự đoán rằng đồng yen phải rơi xuống mức 170 yen đổi 1 USD để BoJ có thể cân nhắc tăng lãi suất cao hơn.
Rất ít người theo dõi thị trường dự đoán đồng yen đạt được mức nêu trên. Một giám đốc điều hành tại một ngân hàng Nhật Bản cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rồi sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất, vì vậy đồng yen sẽ không suy yếu mãi mãi.Suy đoán về sự can thiệp thị trường của chính phủ Nhật Bản hoặc BoJ cũng có thể giúp ngăn chặn sự sụt giảm của đồng tiền này.
Tuy nhiên, kỳ vọng về việc BoJ tiếp tục tăng lãi suất dự kiến sẽ trở lại khi Nhật Bản bắt đầu chứng kiến chu kỳ tiền lương-giá cả theo hướng tích cực.
Các nhà tuyển dụng Nhật Bản đã đồng ý tăng lương đáng kể trong cuộc đàm phán mùa Xuân với các nghiệp đoàn.
Dữ liệu do BoJ công bố ngày 1/4 cũng cho thấy các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển chi phí gia tăng sang khách hàng./.
Nguyễn Tuyến