Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế tại Thụy Sĩ sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa nâng lãi suất lần thứ 11 kể từ tháng 3/2022 và là lần nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm qua. Quốc tếKinh tế Mỹ có thể ‘suy thoái cứng’ sau khi Fed tăng lãi suất cao nhất trong 22 nămPV • {Ngày xuất bản}Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế tại Thụy Sĩ sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa nâng lãi suất lần thứ 11 kể từ tháng 3/2022 và là lần nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm qua.
Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Millbrae, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVNTheo đài Sputnik ngày 27/7, ông Sergio Rossi, Giáo sư kinh tế vĩ mô và kinh tế tiền tệ tại Đại học Fribourg (Thụy Sĩ), nhận định rằng Fed quyết định tiếp tục tăng lãi suất sẽ dẫn đến một cuộc “suy thoái cứng” trong tương lai gần.
Ông Rossi thừa nhận rằng quyết định của Fed không có gì đáng ngạc nhiên vì Mỹ vẫn chưa đạt được mục tiêu lạm phát 2%, nhưng quyết định này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Mỹ cũng như nền kinh tế toàn cầu sau khi các ngân hàng và tổ chức tài chính khác ghi nhận số lượng các khoản nợ xấu ngày càng tăng có thể khiến họ vỡ nợ.
Thay vì kiềm chế lạm phát, ông Rossi cho rằng việc Fed tăng lãi suất lên 5,25 - 5,5% sẽ làm tăng tỷ lệ lạm phát.
Ông Rossi nói với Sputnik: “Ngày càng có nhiều công ty vừa và nhỏ sẽ tăng giá do các ngân hàng tính lãi suất cao hơn đối với các khoản vay của các công ty này”. Ông cũng cho biết thêm rằng điều này sẽ làm giảm khối lượng các khoản vay tiêu dùng mới. do đó làm giảm chi tiêu của các hộ gia đình.
Quyết định tăng lãi suất của Fed sẽ càng khiến đồng đô la Mỹ tăng giá trên thị trường ngoại hối, tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Mỹ. Ông Rossi nhận định: “Tất cả những yếu tố này sẽ làm giảm mức đầu tư của các công ty vào nền kinh tế Mỹ”. Tình hình này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động về cả việc làm và mức lương của những người lao động thuộc tầng lớp trung lưu. Do đó, họ sẽ giảm mức tiêu thụ.
Theo ông Rossi, việc này có thể gây ra một vòng luẩn quẩn đẩy Mỹ vào một “cuộc suy thoái cứng”, chắc chắn sẽ lan sang các nền kinh tế phương Tây khác vốn đang trải qua lạm phát do đại dịch COVID-19 và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Ông Rossi nhận định Mỹ và các nước phương Tây khác đang sử dụng phân tích kinh tế vĩ mô hoàn toàn sai lầm, sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế của họ. Ông Rossi khuyên họ nên chấn chỉnh các công ty đang lợi dụng tình trạng thiếu nguyên liệu thô để tăng giá một cách không cần thiết.
Ông Rossi nói thêm: “Không có đợt gia tăng lãi suất chính sách nào có thể giải quyết được ‘lạm phát tham lam’, mà chỉ có thể được ngăn chặn bằng cách đánh thuế lợi nhuận cao hơn”.
Giao dịch viên làm việc tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVNTrước đó, ngày 26/7, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm sau khi tạm dừng vào tháng 6, thừa nhận cần có thêm biện pháp để kiềm chế lạm phát. Mức tăng lãi suất trên được công bố sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Fed, theo đó đưa lãi suất quỹ liên bang, cơ sở để các ngân hàng tính lãi khi vay qua đêm, lên ngưỡng mục tiêu mới từ 5,25% đến 5,5% - mức cao nhất trong 22 năm qua.
Ngày 13/7, ông Christopher Waller, Thống đốc Fed và là thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), đã bày tỏ ủng hộ Fed tiến hành thêm 2 đợt tăng lãi suất trong tháng này và vào cuối năm nay nhằm giải quyết tình trạng lạm phát tăng cao. Theo ông, việc tiến hành hai lần điều chỉnh lãi suất nữa với mức tăng là 25 điểm cơ bản trong 4 cuộc họp chính sách còn lại của Fed là điều cần thiết để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng nói Fed có thể sẽ tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp tháng 9 tới nếu các dữ liệu được đảm bảo, hoặc sẽ giữ nguyên lãi suất nếu cần thiết. Ông nhấn mạnh không nên dự báo Fed nới lỏng lãi suất trong thời gian ngắn, đồng thời khẳng định việc cắt giảm lãi suất sẽ không xảy ra trong năm nay.
Dự kiến FOMC sẽ có cuộc họp tiếp theo diễn ra vào ngày 19-20/9. Trong những dự báo kinh tế gần đây nhất từ các nhà hoạch định chính sách của Fed, 12 trong số 18 thành viên đã dự đoán cần tăng lãi suất thêm ít nhất 0,25 điểm phần trăm nữa vào cuối năm nay.
Fed chưa từng có đợt tăng lãi suất mạnh mẽ như trên kể từ những năm 1980, khi nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn và lạm phát cao.
Sau khi Fed tăng lãi suất, trong phiên giao dịch ngày 26/7 (giờ Mỹ), thị trường chứng khoán Phố Wall đã có diễn biến đáng chú ý. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 26,08 điểm, tương đương 0,07%, lên 35.464,15 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 8,5 điểm (0,19%) xuống còn 4.558,96 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 45,25 điểm (0,32%) xuống còn 14.099,31 điểm.
Nhà phân tích Michael Brown của công ty nghiên cứu thị trường TraderX (Anh) đánh giá các thị trường không bất ngờ khi Fed tăng lãi suất.