Vietstock - Hàng trăm triệu người rơi vào cảnh đói nghèo vì bão giá nhiên liệu
Một báo cáo mới đây chỉ ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu có thể đẩy 141 triệu người trên thế giới vào cảnh nghèo đói cùng cực.
Giá nhiên liệu tăng cao đã thúc đẩy lạm phát trên toàn cầu. Ảnh: Reuters. |
Theo một báo cáo mới được công bố trên Nature Energy, cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể đẩy 141 triệu người trên thế giới vào cảnh nghèo đói cùng cực.
Theo CNN, các nhà nghiên cứu từ Hà Lan, Anh, Trung Quốc và Mỹ đã lập mô hình đánh giá tác động của việc giá nhiên liệu tăng cao ở 116 quốc gia. Những mô hình này chỉ ra chi tiêu của hộ gia đình đã tăng trung bình 4,8% do giá than và khí đốt tự nhiên tăng vọt.
Việc Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine hồi đầu năm ngoái và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với lĩnh vực năng lượng Nga đã đẩy giá nhiên liệu toàn cầu tăng vọt. Cùng với đó là sự phục hồi của nhu cầu trên khắp thế giới sau đại dịch.
Đói nghèo cùng cực
Theo báo cáo, tại các nước có thu nhập thấp, những hộ gia đình nghèo - vốn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu ăn nghiêm trọng - có nguy cơ khốn đốn hơn nữa vì giá nhiên liệu tăng cao.
Các hộ gia đình ở những quốc gia có thu nhập cao hơn cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, nhưng có khả năng chống chịu tốt hơn.
Một số quốc gia cũng dễ chịu tổn thương hơn. Chẳng hạn, giá năng lượng ở Ba Lan, Estonia và Cộng hòa Séc tăng mạnh hơn mức trung bình toàn cầu. Nguyên nhân là những nước này phụ thuộc nhiều vào các ngành công nghiệp tiêu tốn năng lượng.
Tính đến năm 2020, Ba Lan sử dụng than đá để sản xuất tới 68,5% năng lượng.
Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng dẫn tới chi phí của các nhu yếu phẩm khác, chẳng hạn thực phẩm, tăng cao.
Riêng tại Mỹ, so với cách đây một năm, giá trứng đã tăng vọt 70,1%; giá bơ thực vật tăng 44,7%; giá bơ tăng 26,3%; giá bột mì tăng 20,4%; giá bánh mì tăng 14,9%; giá đường tăng 13,5%; giá sữa tăng 11%; giá thịt gà tăng 10,5%; giá trái cây và giá rau tăng 7,2%.
Đáng ngại hơn, các công ty hàng tiêu dùng đều tin rằng giá sẽ không giảm sớm. Hôm 16/2, CEO của Nestlé - tập đoàn thực phẩm lớn nhất thế giới - cảnh báo giá cả những mặt hàng thiết yếu sẽ tăng hơn nữa trong năm nay.
Những gã khổng lồ tiêu dùng khác như Unilever và Proctor & Gamble cũng đã đưa ra các cảnh báo tương tự.
Hệ thống năng lượng đầy rủi ro
"Giống tất cả người tiêu dùng trên thế giới, chúng tôi cũng bị ảnh hưởng bởi lạm phát và giờ đang cố gắng sửa chữa những thiệt hại mà nó gây ra", CEO Nestlé Mark Schneider cho biết.
CEO của Unilever cũng cho rằng giá thực phẩm sẽ tăng đáng kể trong năm 2023.
Các chính phủ trên toàn thế giới đã tìm cách để giảm thiểu tác động từ giá năng lượng tăng cao, trong đó có giảm thuế, áp giá trần và trợ cấp giá nhiên liệu.
Nhưng theo báo cáo được công bố trên Nature Energy, các chính phủ có khả năng làm được nhiều hơn thế. Những biện pháp có thể sử dụng bao gồm áp thuế lợi nhuận bất thường đối với các công ty năng lượng, thông qua luật sử dụng những nguồn năng lượng bền vững hơn trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
Theo báo cáo, cuộc khủng hoảng năng lượng này là lời cảnh báo về những rủi ro "của một hệ thống năng lượng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch".
"Nó không chỉ khiến hàng triệu người trượt tới bờ vực đói nghèo cùng cực, mà còn đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu, và gây ra nhiều thách thức hơn cho những người dễ bị tổn thương nhất trước nguy cơ giá năng lượng tăng cao", báo cáo nhấn mạnh.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... |
Thảo My