💎 Khám Phá Những Cổ Phiếu Bị Định Giá Thấp Tại Mọi Thị TrườngBắt đầu

“Tích sản” bằng chứng chỉ quỹ chỉ từ 10 ngàn đồng, tại sao không?

Ngày đăng 16:02 22/12/2023
“Tích sản” bằng chứng chỉ quỹ chỉ từ 10 ngàn đồng, tại sao không?

Vietstock - “Tích sản” bằng chứng chỉ quỹ chỉ từ 10 ngàn đồng, tại sao không?

Chứng chỉ quỹ (CCQ) đang ngày càng được nhà đầu tư cá nhân quan tâm nhiều hơn trong bối cảnh các kênh đầu tư truyền thống như bất động sản, tiền gửi tiết kiệm, vàng hay cổ phiếu lẫn trái phiếu có nhiều yếu tố bất định.

Nền kinh tế Việt Nam không nằm ngoài bối cảnh chung của thế giới - tiếp tục khó khăn kể từ sau đại dịch COVID-19. 2 năm vừa qua là giai đoạn thử thách đối với nhiều nhà đầu tư cá nhân, nhất là với những người “chân ướt chân ráo”.

Lãi suất thị trường bắt đầu tăng từ giữa năm 2022, dưới sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khiến dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân chuyển dịch mạnh mẽ qua kênh tiền gửi tiết kiệm. Kết quả này phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu bất động sản và cổ phiếu.

Sau hơn 1 năm neo cao, lãi suất tiết kiệm đến nay đã giảm về mức không còn nhiều hấp dẫn. Thanh khoản thị trường bất động sản vẫn chưa thể tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm” trong ngắn hạn.

Với nhà đầu tư cá nhân, có dòng tiền thực, mua bất động sản có thể được xem là lựa chọn đầu tư khá chắc chắn và khôn ngoan, nhưng loại hình này cần nhiều vốn, kinh nghiệm và thậm chí là cả mối quan hệ.

Diễn biến lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm từ đầu năm 2022 (Đvt: %/năm)
Nguồn: SBV

Cũng trong năm 2022 và 2023, thị trường chứng khoán tiếp tục gây mất ngủ cho các nhà đầu tư khi xuất hiện hàng loạt vụ án liên quan đến thao túng giá cổ phiếu, chẳng hạn nhóm FLC (HM:FLC), Louis hay APEC; dần lộ diện các hành vi lừa đảo thông qua huy động vốn bằng trái phiếu của nhóm công ty Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, hay những doanh nghiệp niêm yết có lãnh đạo vướng vào vòng lao lý liên quan bất động sản.

Việc chuyển sang mua và nắm giữ cổ phiếu lẫn trái phiếu có lợi thế về tính thanh khoản cao, vốn đầu tư thấp, khả năng mang lại lợi nhuận tốt hơn so với gửi tiết kiệm và cũng không kém bất động sản. Đổi lại, nhà đầu tư cá nhân luôn phải đối mặt với rủi ro thông tin bất cân xứng, đồng thời đòi hỏi phải liên tục theo sát để đánh giá tình hình doanh nghiệp.

Đầu tư vào vàng không phải là ưu tiên của nhiều cá nhân dù đây được xem là lựa chọn an toàn. Mua và nắm giữ vàng mang ý nghĩa "giữ giá" trong dài hạn hơn là kỳ vọng đột biến trong thời gian ngắn.

Bản chất “đánh đổi được, mất” luôn song hành trong “trò chơi đầu tư”, khiến không ít cá nhân nhỏ lẻ băn khoăn trước khi chọn nơi kế tiếp làm chỗ “trú ẩn” cho tài sản của mình.

Chứng chỉ quỹ là lựa chọn tiếp theo?

Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2021, quy mô tài sản do các công ty quản lý quỹ đầu tư ở Việt Nam quản lý chỉ chiếm khoảng 5% GDP - mức khiêm tốn so với các nước lân cận như Thái Lan (38%) hay Malaysia (50%).

Do vậy, đầu tư vào quỹ ở Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển mạnh trong tương lai. Số lượng quỹ được niêm yết cùng công ty quản lý quỹ đã tăng lên đáng kể trong nhiều năm trở lại đây.

Theo dữ liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đến tháng 12/2023, có 108 quỹ đơn vị thuộc 43 công ty quản lý quỹ được cấp phép hoạt động.

Quỹ mở chiếm số lượng lớn nhất với tổng cộng 56 quỹ. Theo sau là loại quỹ thành viên với 34 quỹ. Loại quỹ ETF (Exchange Traded Fund, quỹ hoán đổi danh mục) có 14 thành viên. Quỹ đóng hiện tại chỉ còn 3 quỹ của CTCP Quản lý Quỹ Thiên Việt đang hoạt động. Duy nhất 1 quỹ bất động sản thuộc về CTCP Quản lý Quỹ Kỹ Thương (Techcom Capital).

CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam (Dragon Capital) và Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (HM:SSI) (SSIAM) cùng có 8 quỹ đơn vị đang hoạt động. Xếp sau là Techcom Capital và CTCP Quản lý Quỹ VinaCapital (VinaCapital) với 7 quỹ đơn vị.

Phần lớn quỹ hàng đầu lựa chọn quỹ mở, một phần nhờ vào tính linh hoạt trong việc thu hút vốn, trong khi các quỹ ETF có chi phí đầu tư thấp nên được ưa chuộng.

Số lượng quỹ của các công ty quản lý quỹ lớn tại Việt Nam
Nguồn: VietstockFinance

Thống kê cho thấy, quy mô giao dịch CCQ đã tăng từ 494 tỷ đồng năm 2012, lên gần 40 ngàn tỷ đồng cuối năm 2022, với hơn 99% giá trị giao dịch thuộc về quỹ ETF.

Quy mô giao dịch CCQ trong 10 năm qua (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), năm 2016, chỉ có 2 quỹ gồm Quỹ đầu tư tăng trưởng TVAM (FUCTVGF1) của Quỹ Thiên Việt và Quỹ ETF VFMVN30 (E1VFVN30) của Dragon Capital niêm yết tổng cộng khối lượng 57.2 triệu ccq.

Đến cuối năm 2022, lượng quỹ niêm yết tăng lên 14 đơn vị thuộc 9 công ty quỹ khác nhau. Khối lượng niêm yết cũng theo đó tăng gần 30 lần, lên hơn 1.6 tỷ ccq, tương ứng hơn 16 ngàn tỷ đồng theo mệnh giá.

Số lượng quỹ được niêm yết tăng lên, đi cùng với sự xuất hiện nhiều hơn các công ty quản lý quỹ
Nguồn: VietstockFinance

Tính trong 3 năm gần nhất, cho đến tháng 06/2023, quỹ mở VESAF - Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường của VinaCapital ghi nhận mức tăng trưởng NAV/CCQ cao nhất, đạt 114%, tương ứng trung bình 28.9%/năm.

Đứng thứ hai và ba về hiệu suất là 2 quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND của Dragon Capital và quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD của SSIAM với tỷ lệ tăng trưởng trung bình lần lượt 27.8%/năm và 25.7%/năm.

Thành tích trung bình 3 năm gần nhất của 15 quỹ đơn vị đứng đầu (tính đến giữa năm 2023)
Nguồn: VietstockFinance

Các quỹ đứng sau gồm quỹ mở VEOF (VinaCapital) 22.1%/năm, quỹ mở VFMVSF (Dragon Capital) 22.1%/năm, quỹ mở VCBF-BCF của Công ty TNHH Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (HM:VCB) (VCBF) 19.4%/năm, quỹ mở SSI-SCA (SSIAM) 19.2%/năm, quỹ mở DCDS (Dragon Capital) 17.5%/năm, quỹ mở MAGEF của Công ty TNHH Quản lý quỹ Mirae Asset (Việt Nam) 16.3%/năm, quỹ mở VIBF (VinaCapital) 15.4%/năm.

Như vậy, trong 15 quỹ có thành tích tốt nhất, chiếm đa số là quỹ mở đầu tư vào cổ phiếu và chỉ có 3 trong số đó là quỹ ETF.

So riêng nhóm 14 quỹ ETF đang có mặt trên thị trường và mô phỏng thụ động theo các chỉ số, 5 quỹ đứng đầu có thành tích trung bình tốt nhất 3 năm trở lại gồm quỹ ETF VFMVN DIAMOND (Dragon Capital) 27.8%/năm, quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD (SSIAM) 25.7%/năm, quỹ ETF VFMVN30 (Dragon Capital) 14.5%/năm, quỹ ETF SSIAM VNX50 (SSIAM) 12.9%/năm, quỹ ETF VINACAPITAL VN100 (VinaCapital) 12.9%/năm. Các quỹ ETF còn lại phần lớn mới thành lập 1 - 2 năm gần đây.

Thành tích trung bình trong 3 năm gần nhất của 5 quỹ ETF đứng đầu (Đvt: %/năm, tính đến giữa năm 2023)
Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2023 các quỹ

Chỉ số VN30 vẫn được các quỹ sử dụng để mô phỏng nhiều hơn. Đến cuối năm 2023, có 4 quỹ ETF của Dragon Capital, SSIAM, Mirae Asset và Công ty TNHH QLQ KIM Việt Nam chọn VN30 để mô phỏng. Có 3 quỹ lựa chọn chỉ số VN DIAMOND. Chỉ số VNX50 và VN100 cùng có 2 quỹ sử dụng để tham chiếu trong khi VN FINLEAD, VN FINSELECT và VN MIDCAP mỗi chỉ số có 1 quỹ lựa chọn.

Các chỉ số mô phỏng và số lượng quỹ ETF tương ứng trên thị trường
Nguồn: VietstockFinance

Vốn đầu tư tối thiểu chỉ ngang… tờ vé số?

Mua vào và nắm giữ CCQ không phải là lựa chọn mới tại Việt Nam, nhưng nó đang dần được tìm đến nhiều hơn trong những năm gần đây, khi đáp ứng tốt nhu cầu thanh khoản của nhà đầu tư nhỏ lẻ, ít vốn, giảm bớt rủi ro do không đủ thời gian để bám sát tình hình của doanh nghiệp nhưng vẫn có khả năng thu lãi “đột biến”. Đổi lại, cá nhân cần tìm hiểu kỹ về các quỹ trước khi “xuống tiền”.

Nhà đầu tư sẽ mất phí mua, phí bán, phí chuyển đổi, phí quản lý và một số phí khác tùy vào chiến lược từng loại quỹ. Thông thường các loại phí này có xu hướng giảm nếu thời gian nắm giữ đủ lâu.

Các quỹ ETF mô phỏng thụ động chỉ số (chẳng hạn VN30, VN100, VNFINLEAD,…) không có chiến lược phòng thủ nên mức phí khi đầu tư vào loại quỹ này thấp hơn so với các loại quỹ khác.

Mức lãi trung bình mà các quỹ báo cáo đang vượt trội đáng kể, ít nhất là khi so với gửi tiết kiệm ngân hàng, vẫn xứng đáng để đánh đổi so với mức phí mà một nhà đầu tư không chuyên phải chi để sở hữu các loại CCQ đó.

Nhà đầu tư lâu nay có thể mua CCQ ETF hay của quỹ đóng bằng các tài khoản chứng khoán dễ dàng như mua cổ phiếu nhờ các quỹ này bắt buộc phải được niêm yết trên sàn.

Riêng đối với CCQ mở (không được niêm yết), giờ đây đã dễ tiếp cận hơn bao giờ hết nhờ vào công nghệ. Chỉ qua vài thao tác, nhà đầu tư có thể sở hữu cho riêng mình, đặc biệt với mức đầu tư tối thiểu chỉ từ 10 ngàn đồng.

Các ứng dụng ngân hàng giờ đây đã trở thành đơn vị phân phối CCQ cho các quỹ trực thuộc hoặc các đơn vị khác. Chẳng hạn ứng dụng của ngân hàng MBB (HM:MBB) đang bán CCQ của CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư MB (MB Capital) và một số quỹ đơn vị của SSIAM, Dragon Capital, VinaCapital.

Ứng dụng Omni của ngân hàng OCB đang phân phối của VinaCapital. Ngân hàng số Timo có cả CCQ của VinaCapital và CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Bản Việt (VietCapital). Ứng dụng VCB Digibank chỉ phân phối cho VCBF. Hoặc ứng dụng của ngân hàng Techcombank (HM:TCB) chỉ cho phép mua CCQ của Techcom Capital.

Một số CCQ có thể đầu tư tối thiểu chỉ từ 10 ngàn đồng

Dragon Capital là một trong các quỹ có mặt nhiều nhất trên các ứng dụng Fintech. Ngoài việc tự xây dựng cho mình một ứng dụng riêng mang tên DragonX, các quỹ đơn vị của Dragon Capital còn xuất hiện trên các ứng dụng ngân hàng như Cake (VPBank (HM:VPB)), MBBank hoặc trên Momo, Fmarket.

Nhà đầu tư chỉ cần tải ứng dụng trên về máy, qua một số thao tác mở tài khoản đơn giản là có thể tự mua và theo dõi với đầy đủ thông tin từng loại quỹ.

Cũng như các quỹ khác, Dragon Capital còn được phân phối bởi phần lớn các công ty chứng khoán như Rồng Việt, VNDirect, FPT (HM:FPT), VCBS…

Các ứng dụng phân phối CCQ mở của Dragon Capital

Tương tự Dragon Capital, nhà đầu tư muốn mua CCQ các quỹ mở của VCBF cũng dễ dàng tìm thấy qua các ứng dụng Momo, VCBF Mobile, Fmarket, hoặc VCB Digibank.

Cá nhân có thể sở hữu CCQ của VinaCapital, SSIAM, IPAAM, MB Capital, Bảo Việt (HN:BVS), Mirae Asset… trên các ứng dụng được thiết kế riêng bởi chính quỹ đó hoặc trên các ứng dụng của một số ngân hàng hoặc ứng dụng tài chính như Momo, MB Bank, Timo, Fmarket…

Riêng đối với các quỹ thuộc Techcom Capital, nhà đầu tư hiện chỉ có thể mua qua ứng dụng ngân hàng Techcombank hoặc TCInvest, dù mới đây Digi Invest chính thức trở thành đại lý phân phối CCQ của quỹ này.

Một số công ty quản lý quỹ phát triển riêng ứng dụng đầu tư

Các đơn vị phân phối trung gian, chẳng hạn ứng dụng Fmarket - một sản phẩm của CTCP Công Nghệ Tài chính Fincorp, đang là nền tảng giao dịch tập trung nhiều quỹ mở nhất với khoảng 38 quỹ đơn vị của các công ty quản lý quỹ.

Trong báo cáo gửi lên UBCKNN, Fincorp cũng được các Quỹ IPAAM, Quỹ Phú Hưng, VinaCapital, Quỹ Tân Việt, SSIAM bổ sung làm đại lý phân phối cho một số quỹ đơn vị nhất định.

Cuối năm ngoái, UBCKNN cũng đưa ra khuyến cáo dành cho nhà đầu tư về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán trên không gian mạng khi chưa được UBCKNN cấp phép.

Cụ thể, cơ quan quản lý này cho biết, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF…) đồng thời sử dụng các công cụ truyền thông, báo chí để quảng bá sản phẩm của mình nhằm huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà chưa được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định.

Do đó, UBCKNN cũng đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư trên các ứng dụng này.

Tử Kính

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.