Investing.com -- VN-Index tuần qua tiếp tục giảm về quanh mốc 1.270 điểm với thanh khoản thu hẹp, khối ngoại trở lại bán ròng nhẹ. Bước sang tuần mới, nhà đầu tư cần lưu ý những thông tin gì?
Động lực tăng trưởng mới cho TTCK
* Ông Đồng Thanh Tuấn - chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam:
Nhìn về tháng 10 và các tháng còn lại của năm 2024, diễn biến phân hóa giữa các nhóm ngành và sự cô đọng của dòng tiền tại các cổ phiếu ngân hàng phần nào phản ánh tín hiệu suy yếu trên diện rộng của thị trường trong bối cảnh các câu chuyện tăng trưởng dần trở nên thiếu thuyết phục đối với các nhà đầu tư.
Trong ngắn hạn, kỳ vọng VN-Index sẽ tìm được vùng hỗ trợ tại 1.280 điểm và tiếp tục hướng về vùng cản tâm lý 1.300 điểm. Tuy nhiên, rung lắc có thể sẽ xuất hiện do tâm lý chốt lời tăng cao.
Xu hướng này có thể kéo dài đến khi VN-Index chinh phục thành công mốc 1.330 điểm kết hợp đồng thời với sắc xanh cần phải lan tỏa đến nhiều nhóm ngành. Các câu chuyện về thị trường, các yếu tố cần phải theo dõi trong tháng 10, bao gồm: Kết thúc kỳ đánh giá xếp hạng, FTSE Russell sẽ đưa ra công bố chính thức ngày 8.10 sắp tới.
Với kết quả kinh doanh quý 3, kỳ vọng tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết tại sàn HOSE sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tốt với sự dẫn dắt của ngân hàng và bán lẻ...
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào cuối tháng 10. Chính phủ dự kiến trình 71 hồ sơ, tài liệu, tờ trình, báo cáo gồm: 15 luật trình Quốc hội xem xét thông qua; 10 luật trình cho ý kiến…
Một số dự án luật dự kiến được thông qua hoặc các dự án luật sẽ được đóng góp ý kiến được quan tâm như Luật Đầu tư công; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Dữ liệu; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Dòng tiền từ vàng, bất động sản chuyển hướng vào TTCK?
* Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó TGĐ Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam:
Áp lực chốt lời gia tăng sau khi VN-Index tiệm cận vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm.
Cuối tuần qua, số liệu tăng trưởng kinh tế quý 3 được công bố tích cực với mức tăng GDP 7,84%. Nhiều yếu tố vĩ mô đã cải thiện tích cực hơn, ủng hộ thị trường chứng khoán trong trung hạn.
Thị trường sẽ lại tích lũy, tạo nền và sẽ vượt lên vùng 1.350 - 1.400 trong quý 4 này. Sau ngày 20.10 tới, thị trường sẽ đón các thông tin về kết quả kinh doanh quý 3.
Quý 2 đã khởi sắc hơn rồi, nhiều cơ sở để cho thấy quý 3 tiếp tục xu hướng này. Quý 3 năm ngoái nền thấp, năm nay có hồi phục tốt hơn. Những yếu tố này sẽ rất quan trọng để thu hút dòng tiền quay trở lại thị trường.
Fed đã giảm lãi suất và có thể giảm tiếp vào cuối năm nay. Trung Quốc mới công bố chương trình "bơm tiền khủng" để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Các động thái này trực tiếp tạo ra làn sóng nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu.
Trong nước, dòng tiền nội đứng trước những sự lựa chọn mới khi thị trường bất động sản, vàng trong nước đã đẩy lên nền giá quá cao, tính hấp dẫn của đầu cơ theo đó cũng sẽ giảm đi. Trong khi thị trường chứng khoán tối ưu hơn với triển vọng của sự phục hồi nền kinh tế.
Tỷ giá tăng trở lại gây áp lực tâm lý
* Ông Đinh Quang Hinh, trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect:
VN-Index đã đối mặt với áp lực chốt lời mạnh mẽ khi tiếp cận 1.300 điểm. Nhịp điều chỉnh còn chịu tác động từ việc tỉ giá USD/VND liên ngân hàng quay đầu tăng trở lại lên mức 24.750 và lãi suất liên ngân hàng qua đêm tăng vượt mốc 4%.
Tuần này, chỉ số có thể kiểm định vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm (+/- 10 điểm). Dòng tiền bắt đáy sẽ xuất hiện tại vùng này và chỉ số ít khả năng điều chỉnh sâu hơn vùng này.
Trong trung hạn, quan điểm là tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu mới chỉ bắt đầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cung tiền trong những tháng cuối năm.
Nhà đầu tư đã kịp chốt lời cổ phiếu tại vùng 1.290-1.300 điểm có thể xem xét giải ngân trở lại, ưu tiên các mã có triển vọng kinh doanh tích cực và định giá còn hấp dẫn như ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, xuất khẩu (dệt may, thủy sản) và dầu khí.