Investing.com -- Nhiều công ty, từ ngành đồ thể thao, ô tô cao cấp đến hóa chất, đang dự báo tình hình sản xuất và tiêu dùng khó khăn khi Mỹ áp dụng thuế nhập khẩu mới.
Ngày 12/3, Mỹ chính thức áp thuế 25% đối với toàn bộ nhôm và thép nhập khẩu. Châu Âu và Canada ngay lập tức phản ứng bằng các biện pháp trả đũa. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã công bố thuế đối với ba đối tác thương mại lớn là Canada, Mexico và Trung Quốc.
Quyết định áp thuế nhập khẩu của ông Trump, cùng với việc thay đổi chính sách liên tục, đã gây xáo trộn trong các ngành công nghiệp. Điều này khiến các doanh nghiệp và nhà đầu tư cảm thấy lo lắng. Mối lo ngại về chi phí tăng cao, lạm phát gia tăng và tiêu dùng suy giảm, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế tại Mỹ, đã khiến thị trường chứng khoán nước này giảm mạnh trong thời gian qua.
Tại một hội nghị về ngũ cốc ở California vào tháng trước, thông tin về việc Mỹ sẽ áp thuế nhôm thép đã khiến các lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành nông sản, chế biến ngũ cốc và thương nhân lo ngại. Nhiều người cho biết, việc các chính sách thay đổi liên tục khiến họ cảm thấy "6 tuần qua dài hơn bình thường".
Stephen Dover, chiến lược gia thị trường tại Franklin Templeton, chia sẻ: "Hầu hết mọi người đều gặp khó khăn trong việc phân tích sự biến động của chính sách Washington và tác động của chúng đối với hoạt động hàng ngày".
Các thay đổi liên tục về thuế nhập khẩu đang gây khó khăn cho nhiều ngành công nghiệp. Chẳng hạn, các hãng xe không thể lập kế hoạch kinh doanh khi không rõ liệu ông Trump có tiếp tục áp thuế với Canada, Mexico và châu Âu hay không. Mỹ đã áp thuế đối với toàn bộ hàng hóa từ Canada và Mexico từ ngày 4/3, nhưng chỉ một ngày sau lại hoãn áp thuế đối với ôtô thêm gần một tháng.
Stephen Dover, chiến lược gia tại Franklin Templeton, nhận định: “Các nhà lãnh đạo không thể đưa ra quyết định đầu tư khi mà thành quả có thể bị thay đổi chỉ bằng một chữ ký”.
Ngày 12/3, Porsche (ETR:P911_p) cho biết hãng đang xem xét khả năng chuyển chi phí thuế nhập khẩu cho người tiêu dùng, điều này có thể dẫn đến việc tăng giá xe. Giám đốc tài chính Porsche, Jochen Breckner, hy vọng sẽ có một giải pháp thuế hợp lý giữa các khu vực.
Một số hãng xe cũng lên kế hoạch tăng sản xuất tại Mỹ để tránh bị áp thuế, nhưng theo các chuyên gia, giá ô tô vẫn có khả năng tăng vì các hãng vẫn phải nhập khẩu linh kiện do chưa thể nội địa hóa chuỗi cung ứng.
Hai hãng thép lớn của Hàn Quốc cũng đang cân nhắc mở nhà máy tại Mỹ sau khi thuế nhập khẩu được áp dụng. Hàn Quốc là nhà cung cấp nhôm và thép lớn thứ tư cho Mỹ năm 2024.
Algoma, một công ty thép của Canada, đã dừng xuất khẩu sang Mỹ, và CEO Michael Garcia cho biết việc áp thuế nhập khẩu là "rất đáng lo ngại". Canada là nhà cung cấp nhôm và thép lớn nhất cho Mỹ.
Mặc dù ngành hàng không chưa chịu tác động trực tiếp đáng kể, nhưng nhiều doanh nghiệp cung cấp linh kiện cho ngành này lại đặt nhà máy tại Mexico, Canada và Trung Quốc – ba quốc gia bị Mỹ áp thuế nhiều nhất. CEO Airbus, Guillaume Faury, đã cảnh báo rằng "một cuộc xung đột thương mại" có thể xảy ra, khi các quốc gia liên tiếp áp thuế trả đũa lẫn nhau.
Bruce Kasman, nhà kinh tế học tại JPMorgan, cho rằng khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong năm nay là 40%, và con số này có thể lên đến 50% nếu ông Trump áp thuế đối với các đối tác thương mại vào ngày 2/4. Ông cũng cảnh báo rằng chính sách thuế sẽ gây tổn hại lâu dài cho Mỹ khi các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư do sự bất ổn trong chính sách.
Báo cáo tài chính gần đây của các hãng như Puma và Inditex cho thấy tình hình thương mại bất ổn đang ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ. Puma đã hạ dự báo lợi nhuận năm nay và cảnh báo về nhu cầu giảm sút tại Mỹ, trong khi Inditex ghi nhận mức tăng doanh thu thấp hơn so với năm ngoái do nhu cầu giảm ở thị trường này.
Ngoài ra, một số quốc gia châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha và Italy đã yêu cầu Ủy ban Châu Âu loại trừ rượu Mỹ khỏi danh sách chịu thuế. Các hiệp hội thương mại cảnh báo rằng việc EU áp thuế đối với rượu Mỹ sẽ "hủy hoại" ngành này.
Cổ phiếu của nhiều hãng mỹ phẩm Mỹ cũng lao dốc sau khi Pháp cảnh báo rằng có thể có một cuộc trả đũa từ Washington nếu EU quyết định áp thuế mỹ phẩm của Mỹ.
Báo cáo từ LSEG cho biết hơn 900 trong số 1.500 công ty lớn nhất của Mỹ đã đề cập đến thuế nhập khẩu trong báo cáo tài chính của họ năm nay.
Thuế nhập khẩu cũng đang làm tăng chi phí của các doanh nghiệp sử dụng nhôm. Tại một hội thảo ở New York, hãng bia Anheuser-Busch InBev cảnh báo rằng chi phí đầu vào cao có thể dẫn đến việc tăng giá bia lon.
Christian Kohlpaintner, CEO của Brenntag, một công ty phân phối hóa chất, cho biết tình hình kinh tế và chính trị khó lường đang khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc điều hành. Justin Onuekwusi, Giám đốc Đầu tư tại St. James’s Place, kết luận rằng "rủi ro lớn hiện tại là các công ty ngừng đầu tư và người tiêu dùng hạn chế chi tiêu".