Vietstock - Nguồn cơn thổi bùng nỗi lo suy thoái Mỹ
Lĩnh vực sản xuất thu hẹp mạnh hơn dự báo đã làm dấy lên những lo ngại mới về triển vọng tăng trưởng của cường quốc kinh tế số một thế giới.
Theo báo cáo mới nhất từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM), chỉ 47.2% các nhà quản lý mua hàng ghi nhận sự mở rộng trong tháng 8, dưới ngưỡng 50, tức cho thấy sự thu hẹp.
Timothy Fiore, Chủ tịch Ủy ban Khảo sát Kinh doanh Sản xuất ISM, cho biết: "Mặc dù vẫn ở trong vùng thu hẹp, hoạt động sản xuất của Mỹ co lại với tốc độ chậm hơn so với tháng trước. Nhu cầu tiếp tục yếu, sản lượng giảm và các yếu tố đầu vào vẫn ở mức dễ chịu".
Ông còn chỉ ra một thực tế đáng lo ngại: "Các công ty tỏ ra không sẵn lòng đầu tư vốn và mua hàng tồn kho do chính sách tiền tệ hiện tại của Mỹ và sự không chắc chắn về cuộc bầu cử".
Phố Wall đã phản ứng nhanh chóng trước tin tức này. Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm hơn 600 điểm, phản ánh sự lo lắng ngày càng tăng của nhà đầu tư về triển vọng kinh tế. Đây không phải là lần đầu tiên thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng bởi dữ liệu sản xuất yếu kém. Chỉ mới tháng trước, một báo cáo tương tự đã khiến S&P 500 mất khoảng 8.5% giá trị trước khi phục hồi phần lớn tổn thất.
Xác suất Fed giảm lãi suất 0.5 điểm phần trăm tăng lên 39%
Trong bối cảnh này, ánh mắt của giới đầu tư đang đổ dồn vào Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 0.25 điểm phần trăm vào cuối tháng này đang tăng lên. Thậm chí, theo thước đo FedWatch của CME Group, tỷ lệ cược cho một đợt cắt giảm 0.5 điểm đã tăng lên 39% sau báo cáo ISM.
Tuy nhiên, ông Fiore lưu ý rằng mặc dù chỉ số dưới 50% cho thấy sự co lại trong lĩnh vực sản xuất, nhưng bất kỳ chỉ số nào trên 42.5% nhìn chung đều cho thấy sự mở rộng trên toàn bộ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, chỉ số việc làm trong cuộc khảo sát ISM đã tăng nhẹ lên 46%, trong khi hàng tồn kho tăng vọt lên 50.3%. Đáng chú ý, chỉ số đo lường giá cả tăng nhẹ lên 54%, một dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát vẫn còn hiện diện.
Trước đó, báo cáo PMI từ S&P Global Market Intelligence cũng củng cố những lo ngại về lĩnh vực sản xuất. Chỉ số PMI của họ giảm xuống 47.9 trong tháng 8, từ 49.6 trong tháng 7. Đặc biệt, chỉ số việc làm cho thấy sự suy giảm lần đầu tiên trong năm nay, trong khi chi phí đầu vào tăng lên mức cao nhất trong 16 tháng.
Chris Williamson, Chuyên gia kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, cảnh báo: "Sự sụt giảm thêm của PMI cho thấy lĩnh vực sản xuất đang kìm hãm nền kinh tế nhiều hơn vào giữa quý 3. Các chỉ số dự báo cho thấy sự kìm hãm này có thể trở nên mạnh mẽ hơn trong những tháng tới”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)