Trong kỷ nguyên công nghệ phát triển như vũ bão, quá ngạo mạn với những thành công trước mắt có thể khiến bất cứ gã khổng lồ nào rơi từ đỉnh vinh quang xuống đáy vực sâu. Quốc tếDấu chấm hết tức tưởi của 'đế chế' 150 tuổi: Từ số 1 thế giới rơi xuống đáy vực sâu, lợi nhuận bốc hơi 95%, CEO bật khóc không biết mình sai ở đâuNguyễn Bình • 06/04/2024 14:15Trong kỷ nguyên công nghệ phát triển như vũ bão, quá ngạo mạn với những thành công trước mắt có thể khiến bất cứ gã khổng lồ nào rơi từ đỉnh vinh quang xuống đáy vực sâu.
"Chúng tôi đã không làm gì sai, nhưng bằng cách nào đó, chúng tôi vẫn thất bại". Đó là lời thừa nhận cay đắng của cựu CEO Nokia (HE:NOKIA) Stephen Elop tại buổi họp báo tuyên bố Microsoft (NASDAQ:MSFT) thâu tóm Nokia vào năm 2013. Dấu chấm hết đầy tức tưởi của đế chế Nokia chỉ 5 năm sau khi thống lĩnh thị trường điện thoại di động với gần 40% thị phần đã trở thành bài học kinh doanh đắt giá đối với bất kì nhà lãnh đạo nào.
Từ nhà sản xuất giấy rẽ lối sang viễn thông
Nokia có nguồn gốc là một công ty sản xuất giấy của Phần Lan được thành lập vào năm 1865 bởi Fredrik Idestam. Cái tên Nokia bắt nguồn từ tên sông Nokianvirta – nơi Idestam mở nhà máy thứ hai và đổi tên công ty thành Nokia Ab vào năm 1871. Qua nhiều lần thu mua và sáp nhập, năm 1922, Tập đoàn Nokia Corporation ra đời, kinh doanh 4 lĩnh vực chính là: giấy, điện, cao su và dây cáp.
Năm 1979, Nokia tham gia vào liên doanh với Salora - một nhà sản xuất tivi màu của Scandinavi - để thành lập Mobira Oy, đồng thời triển khai mạng di động quốc tế đầu tiên thế giới. Mobira Oy sau đó đã trình làng chiếc Mobira Senator - chiếc điện thoại trên ô tô đầu tiên trên thế giới, với khối lượng 10kg.
Chiếc điện thoại trên ô tô đầu tiên trên thế giới Mobira Senator nặng 10kg |
Năm 1992, Nokia 1011 trình làng, đây là chiếc điện thoại di động đầu tiên thế giới, có thể đàm thoại 90 phút liên tiếp, lưu được 99 số điện thoại trong danh bạ.
Vươn vai thành gã khổng lồ
Năm 1994, Nokia ra mắt chiếc 2100 - điện thoại đầu tiên có nhạc chuông "Nokia Tune" huyền thoại. Chỉ đặt mục tiêu bán được 400.000 chiếc, nhưng cuối cùng, Nokia bán được tới 20 triệu chiếc trên toàn cầu. Cũng trong năm đó, Nokia đã vươn ra hơn 100 quốc gia với các chi nhánh đặt tại hơn 20 quốc gia. Nokia tiếp tục trình làng hàng chục sản phẩm mới, và tới năm 1995, điện thoại Nokia đã có mặt ở trên 120 quốc gia, trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới (sau Motorola) với 20% thị phần toàn cầu.
Nokia 1011, điện thoại di động đầu tiên thế giới |
Năm 1997 – 1998, Nokia tích cực trong việc cho ra mắt sản phẩm mới, phủ khắp các phân khúc điện thoại di động và có nhiều sản phẩm tính năng thú vị. Chỉ trong 4 năm, Nokia đã vượt Motorola trở thành hãng điện thoại di động hàng đầu thế giới. Chỉ trong năm 1998, Nokia đã bán được 40,8 triệu chiếc điện thoại. Mảng này cũng được định giá khoảng 300 tỷ USD. Đến năm 2001, các dòng điện thoại của họ đã có thêm nhiều tính năng, từ camera đến truy cập web. Doanh thu hàng năm cũng tăng gấp 5 lần.
Từ năm 1999 - 2008 Nokia liên tiếp đứng vị trí số 1 trong thị trường điện thoại di động toàn cầu, với thị phần giữ vững ở mức 35 - 40%.
Giới phân tích nhận xét Nokia đã làm nên cuộc cách mạng điện thoại di động cuối thập niên 90, đồng thời giúp kinh tế Phần Lan giàu có bậc nhất thế giới. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Phần Lan, Nokia đóng góp tới 25% tăng trưởng cho Phần Lan giai đoạn 1998-2007. Đây là thời kỳ mà cựu Bộ trưởng Tài chính Phần Lan - Alexander Stubb - gọi là "sự thần kỳ về kinh tế".
Sự lụi tàn từ đỉnh vinh quang
Khi đang ở trên đỉnh thành công, tưởng chừng như đế chế Nokia vĩ đại tới mức không thể công phá. Tuy nhiên những dấu hiệu cho sự lụi tàn đã bắt đầu ngày một rõ ràng.
Ngay từ năm 2001, chỉ 2 năm sau khi Nokia trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, doanh số bán điện thoại của hãng đã bắt đầu giảm vài phần trăm một năm. Đến năm 2004, Nokia thừa nhận đang dần mất thị phần vào tay các đối thủ, dù họ vẫn là cái tên đứng đầu. Hãng bắt đầu ra các thông báo sa thải hàng nghìn nhân viên.
Năm 2007, rắc rối lớn nhất đối với Nokia chính là sự ra mắt iPhone của hãng Apple (NASDAQ:AAPL), mở ra một thời kỳ phát triển hoàn toàn mới cho điện thoại di động – smartphone. Nokia sau đó đã cho ra mắt điện thoại 5800 Xpress Music - chiếc điện thoại Nokia màn hình cảm ứng đầu tiên, chạy trên hệ điều hành Symbian v9.4. Thị phần smartphone của Nokia năm 2007 vẫn là gần 50%, tuy nhiên, hãng đã đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn khi phải thu hồi 46 triệu điện thoại do lỗi pin.
Lợi nhuận của Nokia bắt đầu lao dốc mạnh hơn khi doanh số iPhone bùng nổ. Năm 2008, Nokia thông báo lợi nhuận quý III giảm tới 30%. Cùng với đó, các điện thoại Android mà đứng đầu là Samsung đã nhanh chóng càn quét tất cả các phân khúc thị trường với đa dạng các dòng sản phẩm, mẫu mã và tính năng. Khủng hoảng tài chính toàn cầu càng khiến các rắc rối của Nokia thêm trầm trọng. Năm 2009, Nokia cắt giảm thêm 1.700 nhân viên và ghi nhận năm lỗ đầu tiên trong hơn một thập kỷ.
Đòn chí mạng
Được kỳ vọng nhiều nhưng điện thoại Lumia và Windows Phone chỉ là một thất bại đáng quên |
Sự thất bại của Lumia với hệ điều hành Windows Phone chính là đòn chí tử đối với Nokia. Năm 2012, Nokia lỗ 1 tỷ USD. Họ cũng mất ngôi vương của hãng điện thoại lớn nhất thế giới về tay Samsung. Thị phần điện thoại di động của Nokia chỉ còn 21%.
Cùng với doanh số giảm sút, Nokia rơi vào tình trạng nợ nần. Tính đến quý I/2012, lỗ lũy kế của Nokia lên tới 1,3 tỷ USD, hãng đã phải sa thải 10.000 nhân viên trên toàn cầu và phải đóng cửa nhà máy lâu đời nhất của mình tại Phần Lan và chuyển toàn bộ sản xuất sang châu Á.
Tháng 9/2013, Nokia đã phải bán lại mảng Thiết bị và Dịch vụ của mình cho Microsoft với giá 7,17 tỷ USD, đặt dấu chấm hết cho thương hiệu với lịch sử 148 năm.
Vì đâu nên nỗi?
Sự sụp đổ của Nokia không chỉ gây bàng hoàng cho toàn thế giới mà ngay cả những người trong cuộc cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Hình ảnh CEO Nokia bật khóc trong buổi họp báo đã cho thấy sự bất lực của "cựu vương" trước sự phát triển chóng mặt của các nhà sản xuất mới nổi.
Giới phân tích cho rằng Nokia thất bại vì phát triển quá nhanh và ban lãnh đạo của hãng đã ngạo mạn mà ngủ quên trên chiến thắng. Họ chậm chạp trong việc phản ứng với những thay đổi trong thế giới xung quanh. Nokia vẫn tiếp tục phát triển hệ điều hành Symbian, nhưng lại chậm đưa vào các tính năng cảm ứng trên nền tảng này. Năm 2010, hãng từng hợp tác với Intel (NASDAQ:INTC) để phát triển một nền tảng di động khác nhưng đã bỏ rơi dự án này sau đó một năm và quay sang làm việc với Microsoft.
Cựu CEO Nokia Stephen Elop khóc trong buổi họp báo |
Các thành viên chủ chốt trong nhóm "The Five" của Nokia - 5 nhà lãnh đạo chủ chốt trong thời kì hoàng kim - đã lần lượt rời khỏi hãng. Thành công của Nokia đến từ những ý kiến được thảo luận và thống nhất giữa 5 lãnh đạo này nên khi nhóm "The Five" tan rã và lần lượt rời khỏi công ty, tư duy chiến lược của Nokia đã không còn sắc bén như trước, sự liên kết giữa các mảng kinh doanh cũng không còn tốt nữa. Tình hình ngày càng tồi tệ hơn khi nội bộ Nokia thường xuyên lục đục, kể cả sau khi "The Five" tan rã. Đội ngũ quản lý cấp cao của Nokia đã cố gắng thu vén quyền lực cho bản thân và thực hiện những đợt tái cấu trúc không cần thiết. Từ giữa năm 2004 cho tới thời điểm gần như phá sản vào năm 2013, Nokia đã trải qua tới 4 lần tái cấu trúc lớn.
Tới khi Stephen Elop, CEO đầu tiên không phải người Phần Lan, ngồi được vào chiếc ghế CEO của Nokia vào năm 2010, mọi chuyện đã trở nên không thể cứu vãn. Trong 3 năm điều hành công ty, Stephen Elop đã khiến lợi nhuận của Nokia giảm 95% và thị phần giảm chỉ còn 3,4%. Mặc dù được coi là một trong những CEO tệ nhất thế giới nhưng mức lương của ông Elop lại rất cao và điều này khiến nhiều nhân viên Nokia bất bình.
Sự thất bại của Nokia không thể chỉ giải thích bằng một câu trả lời đơn giản mà đến từ nhiều yếu tố. Hành trình vươn tới đỉnh và một bước xuống đáy của Nokia chắc chắn sẽ mang đến bài học đắt giá cho bất cứ doanh nghiệp nào.
>> Tượng đài ‘sụp đổ’: Từ ông hoàng thống trị thế giới, mỗi cổ phiếu giá 100 triệu yên đến bài học đắt giá khi người có tiền tự ‘hại chết” chính mình