Vietstock - Chứng khoán châu Á đỏ lửa, Hang Seng giảm 3% sau biên bản họp của Fed
Chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương giảm mạnh sau khi biên bản họp của Fed cho thấy các quan chức bất đồng về quyết định tạm ngưng nâng lãi suất trong tháng 6 và dự báo tiếp tục nâng lãi suất trong năm nay.
Các quan chức Fed cho biết việc tạm ngưng nâng lãi suất cho Fed thời gian để đánh giá về tác động của các đợt nâng lãi suất trước đó.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông dẫn đầu đà giảm trong khu vực, với mức lao dốc 3%. Ở Trung Quốc đại lục, Shanghai Composite giảm 0.65% và Shenzhen Component mất 0.7%.
Tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khởi động chuyến viếng thăm Bắc Kinh. Tại đây, bà sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1.7% xuống 32,773.02 điểm và Topix hạ 1.3% xuống 2,277.08 điểm. Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 0.8%, còn Kosdaq sụt 2%. Chỉ số ASX 200 của Australia hạ 1.27% xuống 7,161.1 điểm.
Ở Đông Nam Á, NHTW Malaysia được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 3%.
Đêm qua, Phố Wall cũng giảm nhẹ sau biên bản họp của Fed, với Dow Jones giảm 0.38% và S&P 500 hạ 0.2%. Cả hai chỉ số này đều đứt mạch 3 phiên tăng liên tiếp.
Nội bộ Fed bất đồng về quyết định tạm ngưng nâng lãi suất trong tháng 6
Tại cuộc họp tháng 6/2023, các quan chức Fed quyết định giữ nguyên lãi suất, nhưng nhấn mạnh cần thắt chặt chính sách thêm trong tương lai nhưng với tốc độ chậm hơn so với đầu năm 2022. Một vài thành viên thậm chí còn muốn nâng lãi suất trong tháng 6.
Theo biên bản họp tháng 6/2023, các quan chức phản đối nâng lãi suất vì lo ngại về tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, hầu hết đều nghĩ cần phải nâng lãi suất thêm. Lý giải về quyết định tạm ngưng nâng lãi suất trong tháng trước, các quan chức đề cập tới những tác động có độ trễ của chính sách và các lo ngại khác.
Các thành viên Fed cảm thấy “việc giữ nguyên lãi suất sẽ cho họ thêm thời gian để đánh giá tiến triển trong việc đạt mục tiêu toàn dụng nhân công và ổn định giá cả”.
Các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) tỏ ra do dự về hàng loạt yếu tố. Fed cho biết việc tạm ngưng trong thời gian ngắn sẽ cho họ có thêm thời gian đánh giá tác động của 10 đợt nâng quyết liệt trước đó (tổng cộng 5 điểm phần trăm).
“Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều cơn gió ngược, từ các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn cho hộ gia đình, doanh nghiệp (điều này sẽ tác động tới hoạt động kinh tế và tuyển dụng) và lạm phát cao. Dù rằng, mức độ tác động vẫn còn chưa rõ ràng”, trích từ biên bản họp.
Việc ngừng nâng lãi suất được đưa ra sau khi tính tới “mức thắt chặt đáng kể của chính sách tiền tệ và độ trễ của chính sách với hoạt động kinh tế cũng như lạm phát”.
Dù vậy, vẫn có một số thành viên muốn nâng lãi suất ngay trong tháng 6/2023. "Đây là một bất ngờ nho nhỏ khi trước đó chúng tôi nghĩ đây là một quyết định được ủng hộ từ tất cả quan chức", Lindsey Piegza, Chuyên gia kinh tế tại Stifel Nicolaus & Co, cho hay. "Rõ ràng, có sự bất đồng trong quan điểm, với một số quan chức tỏ ra lưỡng lự với quyết định tạm ngưng nâng lãi suất".
Về lộ trình sắp tới, 16 trong số 18 thành viên dự báo sẽ ít nhất có 1 đợt nâng lãi suất trong năm nay, trong khi 12 thành viên dự báo có 2 đợt hoặc nhiều hơn.
“Các thành viên ủng hộ nâng 25 điểm cơ bản vì thị trường lao động vẫn còn quá chặt, nền kinh tế vững chắc hơn mong đợi và có ít dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ trở về mục tiêu 2% của FOMC trong thời gian tới”, trích từ biên bản họp.
Vũ Hạo (Theo CNBC)