Giá vàng rơi thẳng đứng hơn 25 USD sau tin xấu đến từ Mỹ, chớp nhoáng. rồi tăng vọt trở lại. Điều gì đã khiến dòng tiền vẫn đổ mạnh vào mặt hàng kim loại quý bất chấp đồng USD tăng dữ dội? Tài chính Ngân hàngUSD tăng sốc, giá vàng trồi sụt: Dòng tiền vẫn ồ ạt đổ vào vàng, vì sao?Mạnh Hà • 11/04/2024 07:15Giá vàng rơi thẳng đứng hơn 25 USD sau tin xấu đến từ Mỹ, chớp nhoáng. rồi tăng vọt trở lại. Điều gì đã khiến dòng tiền vẫn đổ mạnh vào mặt hàng kim loại quý bất chấp đồng USD tăng dữ dội?
Mỹ công bố lạm phát tăng, vàng biến động mạnh
Thị trường vàng thế giới chứng kiến một cú lao dốc ngay đầu phiên sáng 10/4 trên thị trường hàng hóa New York (tối 10/4 giờ Việt Nam). Chỉ một vài phút sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng cao hơn so với kỳ vọng, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế lao dốc từ ngưỡng 2.350 USD/ounce, về dưới 2.325 USD/ounce.
Giá vàng rơi thẳng đứng với mức giảm hơn 25 USD trong chớp nhoáng. Điều bất ngờ ở chỗ, ngay sau đó dòng tiền ồ ạt đổ vào bắt đáy, kéo giá vàng tăng vọt trở lại, chỉ vài giờ sau trở lại ngưỡng ban đầu 2.350 USD/ounce.
Vào 19h30 tối 10/4 (giờ Việt Nam), Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 tăng 0,4%, cao hơn mức 0,3% theo dự báo của các chuyên gia kinh tế. Lạm phát tính trong 12 tháng tăng 3,5%, thay vì mức dự báo tăng 3,4%.
Có thể thấy, thông tin này chưa thể nhấn chìm giá vàng thế giới như nhiều người lo ngại. Trước đó, một số chuyên gia cho rằng, giá vàng có thể ngay lập tức giảm 50-100 USD vì đã tăng quá nhanh, liên tục lập đỉnh trong một khoảng thời gian ngắn (tăng gần 14% kể từ đầu năm).
Nhiều ngày qua, giới đầu tư lo ngại với một chỉ số CPI ở mức cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có thêm lý do để trì hoãn giảm lãi suất, qua đó đẩy đồng USD tăng vọt.
Ngay trong tuần đầu tháng 4, thị trường liên tục ghi nhận những tín hiệu trì hoãn giảm lãi suất từ Fed. Từ dự kiến 4 lần giảm lãi suất trong năm 2024 được hạ xuống còn 3 lần trong cuộc họp hôm 21/3, rồi những phát biểu của các quan chức Fed trong những ngày đầu tháng 4 đề cập tới 2 lần rồi 1 lần.
Giá vàng trong nước tăng mạnh theo giá vàng thế giới trong nhiều tháng qua. Ảnh: HHĐêm 5/4, thành viên Hội đồng Thống đốc Fed, bà Michelle Bowman đưa ra thông điệp gây bất ngờ cho thị trường. Bà cho rằng, có khả năng lãi suất sẽ tăng cao hơn để kiểm soát lạm phát, thay vì những đợt cắt giảm mà các đồng nghiệp của bà cho rằng có thể xảy ra và thị trường đang mong đợi.
Bà Bowman khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách cần cẩn thận để không nới lỏng chính sách quá nhanh do những rủi ro tiềm ẩn từ lạm phát.
Thông tin lạm phát tháng 3 tăng 0,4% như thêm lý do cho Fed kéo dài sự trì hoãn. Trên CNBC, chuyên gia Mark Higgins, tác giả của cuốn “Investing in U.S. Financial History: Understanding the Past to Forecast the Future”, nhận định, Fed sẽ không vội vã hạ lãi suất trong năm 2024 để tránh một sai lầm tương tự vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước.
Sau khi thông tin lạm phát Mỹ được công bố, chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt - vào lúc 22h đêm 10/4 (giờ Việt Nam) tăng vọt lên trên ngưỡng 105 điểm, so với mức 104,1 điểm lúc trước 19h30 cùng ngày. Mức tăng là gần 0,9%.
Theo tín hiệu thị trường từ công cụ CME FedWatch, chỉ còn dưới 20% khả năng Fed sẽ cắt lãi suất trong cuộc họp ngày 12/6 tới, thay vì mức trên 50% ngay trước khi Mỹ công bố chỉ số lạm phát vào đêm 10/4.
Tại sao dòng tiền vẫn đổ vào vàng?
Đồng USD tăng dữ dội như vậy, thông thường vàng sẽ giảm tương ứng 0,9%, tương đương mức giảm 211 USD. Vàng đáng ra sẽ phải lao dốc về mức 2.139 USD/ounce.
Vậy tại sao vàng không giảm mạnh theo đà tăng giá của đồng USD? Dòng tiền vẫn cứ đổ vào mặt hàng kim loại quý này?
Trên thực tế, dự báo về sức nóng chưa nguôi của cơn bão vàng gần đây được đề cập nhiều. Vàng vẫn là loại tài sản trú bão khi lạm phát cao và thế giới luôn đối mặt với rủi ro bất ổn cũng như bất định.
Ngay trước khi Mỹ công bố chỉ số CPI tháng 3, chuyên gia kinh tế tại Blue Line Futures Phillip Streible cho rằng, đà mua vàng vẫn sẽ tiếp tục gia tăng trừ khi lạm phát nóng hơn rất nhiều so với dự kiến. Một báo cáo ổn định hơn có thể đẩy giá vàng lên mức 2.400 USD, thậm chí 2.500 USD.
Đây không phải lần đầu tiên vàng không bị nhấn chìm bởi áp lực chốt lời. Hôm 8/4, giá vàng thế giới đã lập đỉnh cao kỷ lục mới dù thị trường ghi nhận sự xuất hiện của yếu tố chặn đà tăng của mặt hàng kim loại quý. Thông tin căng thẳng tại Trung Đông hạ nhiệt khi đó đã không khiến vàng suy giảm.
Trên thực tế, các số liệu cho thấy sức cầu đối với vàng trên thị trường quốc tế là rất lớn. Dẫn dắt cho đợt tăng giá vàng kéo dài lần này là hoạt động mua ròng vàng của ngân hàng trung ương nhiều nước châu Á, trong đó có Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đầu tư, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư quốc gia,... cũng không ngừng mua vào.
Thế giới vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn khó lường. Giới đầu tư không chỉ lo ngại căng thẳng địa chính trị tại Ukraine, Trung Đông mà còn về mâu thuẫn Mỹ - Trung. Năm nay, hơn 60 quốc gia có các cuộc bầu cử, trong đó có Mỹ với cuộc chạy đua giữa 2 ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump.
Dòng tiền đổ vào vàng có thể còn gia tăng khi các nhà đầu tư tổ chức và các cá nhân theo các “ông lớn” ngân hàng trung ương các nước tham gia vào đầu tư vàng
Cơn bão tăng giá vàng gần đây được thúc đẩy chủ yếu bởi dòng tiền từ châu Á, trong khi phương Tây chưa nhập cuộc. Các nhà đầu tư phương Tây được dự báo sẽ đổ tiền vào vàng khi Mỹ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất.
Giá vàng nhẫn bật tăng lên mức 'cao chưa từng có', chuyên gia nói gì?