Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã tích cực tăng dự trữ vàng của họ, góp phần đáng kể khiến giá vàng tăng vọt gần đây. Giá vàng đạt mức cao kỷ lục trong phiên thứ 7 liên tiếp vào ngày thứ Hai (8/4). Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/4, hợp đồng vàng tương lai cộng 0.5% lên 2,357.2 USD/oz. Hợp đồng vàng giao ngay tiến gần 0.4% lên 2,337.82 USD/oz, sau khi đạt mức cao kỷ lục 2,353.79 USD/oz vào đầu phiên.
Việc giá vàng gần đây tăng dồn dập lên những mức cao chưa từng thấy trong lịch sử có vẻ như là một điều dễ hiểu, xét tới môi trường địa chính trị căng thẳng và triển vọng còn bấp bênh của nền kinh tế toàn cầu. Vàng vốn được xem là một “kênh trú ẩn” truyền thống và quan điểm chung hiện nay là giá vàng còn tăng do các ngân hàng trung ương lớn sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong năm nay.
>> Giá vàng hôm nay vẫn tiếp đà tăng
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã tích cực tăng dự trữ vàng của họ, góp phần đáng kể khiến giá vàng tăng vọt gần đây.
Dự trữ vàng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục tăng trong tháng 3. Đây là tháng thứ 17 liên tiếp ngân hàng này tăng dự trữ vàng trong bối cảnh giá kim loại quý tăng không ngừng. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bổ sung 160,000 oz vàng vào kho dự trữ trong tháng 3/2024.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Kitco News, Giám đốc Chiến lược Đầu tư Robert Minter của Abrdn lạc quan cho rằng, đợt phục hồi của vàng mới chỉ mới bắt đầu. Theo ông, không còn lâu nữa các nhà đầu tư bán lẻ phương Tây sẽ nhảy vào thị trường và lúc đó kim loại quý này sẽ tiếp tục chặng chinh phục các mức kỷ lục. Ngoài ra, ông cũng cho hay, một lý do khác khiến vàng tăng mạnh thời gian qua là việc cạn kiệt nguồn cung trong khi cầu tăng đột biến.
>> Nếu mua 1 lượng vàng nhẫn từ ngày vía Thần tài, nhà đầu tư đã lãi bao nhiêu?