Vietstock - Để chiếm lại top đầu, ngành 40 tỷ USD của Việt Nam nhìn bài học từ Bangladesh
Chỉ sau 2 năm, Bangladesh đã bứt phá lên vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu dệt may. Muốn tồn tại và chiếm vị trí top đầu, ngành dệt may Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD dứt khoát phải có sự đầu tư, hy sinh cho sản xuất xanh.
Bài học từ Bangladesh
Thực tế 3 năm vừa qua, thị trường dệt may thế giới sụt giảm về tổng cầu do kinh tế, dịch bệnh. Năm 2023, tổng cầu dệt may vẫn giảm khoảng 5% do xung đột địa chính trị, tiêu dùng giảm do lạm phát và lãi suất lên cao.
Trong bối cảnh đó, các nước xuất khẩu dệt may thuộc top đầu thế giới như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ chứng kiến sự tụt giảm về kim ngạch xuất khẩu, trừ Bangladesh. Quốc gia này vẫn tăng trưởng tốt, thậm chí có thời điểm còn đạt kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu trên 4,6 tỷ USD/tháng (11-12/2022).
Nhờ đó, nếu năm 2020, Bangladesh đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu dệt may sau Việt Nam và Trung Quốc với kim ngạch đạt 29,8 tỷ USD thì 2 năm sau đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới với kim ngạch 49 tỷ USD, tăng tới 64%.
Bangladesh - đối thủ cạnh tranh của dệt may Việt Nam bứt phá sau 2 năm chuyển đổi. Ảnh: linkedin |
Lý giải về sự bứt phá về thị phần, thị trường của Bangladesh, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (HN:VGT), cho rằng từ năm 2018 nước này đã đầu tư số tiền rất lớn vào việc sản xuất theo hình thức tốt nhất, hiện đại nhất, sạch đẹp nhất, đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất.
Tính đến tháng 8/2024, tại đây có khoảng 230 nhà máy đạt chứng chỉ LEED, trong đó 40% đạt LEED Platinum - tiêu chuẩn sản xuất xanh cao nhất của Mỹ, do Hiệp hội các nhà đầu tư xây dựng Mỹ đặt ra. Bangladesh còn có 500 nhà máy may khác đang chờ được đánh giá đạt tiêu chuẩn LEED.
Cùng với việc ổn định lao động, nâng cao chất lượng, năng suất, trong khi vẫn khai thác triệt để lợi thế chi phí lao động rẻ nên ngành dệt may duy trì được đà tăng trưởng. Theo ông Trường, đây là bài học cho ngành dệt may Việt Nam.
Trong khi tại Việt Nam, các nhà máy đạt chuẩn Xanh platinum chủ yếu nằm ở khu vực FDI, hoặc các nhà máy Việt Nam quy mô lớn như Việt Tiến (HN:VGG). Đến nay, cả Việt Nam có 619 công trình đạt chứng chỉ LEED; trong số đó chỉ 10% là công trình của dệt may, trong tổng số 13.000 doanh nghiệp dệt may với hơn 50.000 nhà máy trên cả nước.
Ông Trường nhận xét đây là con số rất khiêm tốn so với quy mô cũng như các yêu cầu đặt ra đối với ngành. Việc xây dựng, cải tạo nhà máy để đạt được chứng chỉ xanh, bền vững đang là thách thức lớn với doanh nghiệp do yêu cầu đầu tư về mặt tài chính như diện tích nhà máy, khu vực phụ trợ, diện tích mái sử dụng năng lượng mặt trời, lượng khí tươi, tỷ lệ cây xanh trong khuôn viên nhà máy, từng màu sơn chất liệu để người lao động không bị áp lực tâm lý sau 8-9 tiếng làm việc…
Đó là một bài toán cần cân nhắc giữa khả năng tài chính và thực tế hoạt động của các nhà máy hiện tại.
Phải đầu tư hy sinh cho sản xuất xanh
Là một trong những ngành phát thải lớn với trên 100 tỷ sản phẩm mỗi năm, lượng rác thải rắn từ dệt may hiện trên 90 triệu tấn và sẽ tăng lên khoảng 150 triệu tấn vào năm 2030, trong đó chỉ 20% có thể tái chế được.
Do vậy, các hãng thời trang lớn trên thế giới đều hưởng ứng chương trình giảm phát thải, với lộ trình Net Zero (phát thải ròng bằng 0) đến năm 2050.
Từ H&M, Levis, Uniqlo, Zara đều có những mục tiêu riêng. Chẳng hạn, đến 2025, H&M mong muốn 30% nguyên liệu sử dụng cho các sản phẩm của mình có nguồn gốc tái chế, tới năm 2030 nâng lên đến 50%. Adidas (ETR:ADSGN) cũng quyết tâm đến năm 2030 có một nửa sản phẩm được làm từ các nguyên liệu tái chế.
Chỉ 10% trong tổng số 13.000 doanh nghiệp dệt may cả nước có chứng chỉ LEED. Ảnh: Hoàng Hà |
Tại thời điểm này, chưa có quy định pháp lý cho các sản phẩm dệt may phải có tỷ lệ bao nhiêu là sản phẩm tái chế, tuần hoàn, bao nhiêu là năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, một khi là xu thế, lộ trình thế giới đã đặt ra thì sẽ có những chỉ tiêu, mục tiêu, quy định trong tiêu chuẩn xanh sẽ được luật hoá, trước hết là ở các quốc gia phát triển.
Vì thế, cả người mua hàng và nhà sản xuất đang trong quá trình chuẩn bị, để đến khi các tiêu chuẩn này được luật hóa thì chuỗi cung ứng không bị gián đoạn, đứt gãy.
Tại Việt Nam, ngành dệt may cần một lộ trình 5-10 năm. Tuy nhiên, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh nếu không cấp tập chuyển đổi, khi các tiêu chuẩn, tiêu chí trở thành luật hoá, sản phẩm của ta sẽ không thể đứng trên thị trường, không xuất khẩu được, tức là chúng ta khó tồn tại.
Đây là việc các lãnh đạo doanh nghiệp phải tính đến. Muốn phát triển bền vững trong nhiều chục năm tiếp theo thì dứt khoát phải có sự đầu tư hy sinh cho sản xuất xanh, bền vững ngay từ lúc này.
Vì thế, trong nghị quyết ban hành mới đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) xác định sẽ là “một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về thời trang xanh”. Để triển khai mục tiêu chiến lược này, tập đoàn đã thực hiện một loạt các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó có:
Thứ nhất, sắp xếp, thoái vốn các doanh nghiệp không nằm trong chiến lược phát triển một điểm đến - tức là khả năng cung ứng giải pháp trọn gói từ thiết kế đến sản phẩm may cuối cùng.
Thứ hai, thực hiện việc đổi mới công nghệ sản xuất đảm bảo từng bước đáp ứng được yêu cầu của kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và chuyển đổi số.
Trong 4 năm từ 2021-2024, Vinatex tập trung cho đổi mới công nghệ sản xuất sợi, sản xuất dệt nhuộm và năng lượng dùng cho sản xuất. Qua đó, giảm 20% lượng điện tiêu thụ trên 1 kg sợi (từ 3,4 xuống 2,8kwh/kg), ngành nhuộm giảm 15% nước tiêu thụ trên 1m2. Nguồn năng lượng điện mặt trời áp mái được sử dụng khoảng 15% trong ngành sợi, 30% trong ngành may trên tổng năng lượng điện tiêu thụ. Khoảng 25% sản phẩm sản xuất có nguồn gốc từ vật liệu tái chế.
Thứ ba, đầu tư các trung tâm nghiên cứu sản phẩm.
Từ năm 2020 đến nay, có 3 trung tâm nghiên cứu phát triển, tập trung nghiên cứu các sản phẩm có tính chất tuần hoàn cao, đã được xây dựng. Bước đầu, các trung tâm đóng góp khoảng 400 triệu USD giá trị đơn hàng.
Thứ tư, đầu tư nghiên cứu sản phẩm đặc biệt ngoài hàng dệt may thông thường, từ đó, mở ra một hướng đi mới; theo kế hoạch đến 2030 sẽ đạt doanh thu khoảng 60 triệu USD/năm, tỷ suất lợi nhuận cao gấp đôi ngành dệt may hiện nay.
Cuối cùng, hình thành liên kết chuỗi từ sợi - dệt - nhuộm, hoàn tất - may.
Ngọc Hà