Theo Khac Hieu
Investing.com - Bitcoin (BTC) và các loại tiền điện tử khác đã tăng trở lại trong tuần qua. Tuy nhiên, đến 22/4 giá lại tiếp tục giảm. Ethereum cũng giảm tới 5,6%, BNB là 3,3%, Terra 1,1%, Solana 5,2%, Carnado 3,8%, XRP giảm 9% và Dogecoin giảm 6,5%.
Cũng trong cùng ngày trong cuộc thảo luận tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell đã tái khẳng định nhiệm vụ của Fed là kiềm chế lạm phát bằng mọi giá và cảnh báo về các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn ngay trong tháng 5 tới. Nhận xét này đã tác động khiến thị trường tiền điện tử giảm mạnh.
Hiện nay, bitcoin và tiền điện tử nói chung không chỉ là một loại tài sản đầu cơ ngoài lề, không liên quan đến kinh tế học mà vị thế đã được xác lập. Khi tài sản kỹ thuật số ngày càng trở nên quan trọng và đóng vai trò chủ đạo, mối tương quan của chúng với các lĩnh vực kinh tế vĩ mô đang tăng lên. Do đó, các nhà phân tích của Goldman Sachs (NYSE:GS) tin rằng những hành động của Fed (nâng lãi suất) sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ thị trường tiền điện tử. “Những tài sản này sẽ không bị ảnh hưởng bởi các lực lượng kinh tế vĩ mô, bao gồm cả việc thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương”, Goldman Sachs viết trong một lưu ý.
Những người ủng hộ bitcoin cho rằng nguồn cung hạn chế và bản chất phi tập trung của bitcoin có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách không thể in thêm hay tác động làm bitcoin giảm giá như các đồng tiền pháp định. Theo logic này, tiền điện tử được cho là có khả năng vượt qua lạm phát và duy trì sức mua. Trong khi đó, những người phản đối tiền điện tử chỉ ra hành động giá của bitcoin, ít nhất là cho đến nay, gợi ý rằng loại tài sản này đang hoạt động giống như một cổ phiếu công nghệ hơn là một kho lưu trữ giá trị chống lạm phát.
Triển vọng giá sắp tới của thị trường tiền điện tử phụ thuộc vào Fed
Tại IMF, Chủ tịch Fed Powell đã ví vị trí của mình với tình thế tiến thoái lưỡng nan của người tiền nhiệm Volcker vào năm 1979 khi ông phải tăng lãi suất lên ~ 20% và chế ngự lạm phát với cái giá đưa nền kinh tế rơi vào cuộc suy thoái kép.
Nhận xét của ông Powell gửi một thông điệp rõ ràng rằng Fed đang rất coi trọng vấn đề lạm phát. Đó không phải là tin tốt đối với các tài sản “rủi ro” vì nói tóm lại, việc thắt chặt ảnh hưởng nhiều nhất đến các góc thị trường rủi ro hơn. Vì vậy, nếu lạm phát không biến mất, cuộc chiến ở Ukraine cũng chưa đến hồi kết và Fed vẫn theo quan điểm diều hâu của mình, các tài sản rủi ro, bao gồm cả tiền điện tử, có thể sẽ tồn tại trong một năm đầy biến động, không chỉ ở Mỹ mà còn là đối với toàn bộ thị trường toàn cầu.