Vietstock - Thị trường nông sản: Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đứng đầu khu vực
Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang được giao dịch cao nhất trong khu vực nhờ sự tạo dựng ngành hàng lúa gạo tương đối khác biệt so với các nước.
Đóng gói gạo xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
|
Cả giá lúa và gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua đều có biến động tăng.
Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang được giao dịch cao nhất trong khu vực nhờ sự tạo dựng ngành hàng lúa gạo tương đối khác biệt so với các nước.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 7.150 đồng/kg, giá bình quân là 6.893 đồng/kg, tăng 157 đồng/kg.
Giá lúa thường tại kho tăng trung bình 117 đồng/kg, ở mức 8.458 đồng/kg; giá cao nhất là 8.850 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự điều chỉnh tăng. Gạo 5% tấm có giá cao nhất 13.500 đồng/kg, giá bình quân 13.221 đồng/kg, tăng 271 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 13.000 đồng/kg, giá bình quân 12.883 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg.
Gạo 25% tấm có giá cao nhất 12.700 đồng/kg, giá bình quân 12.467 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Giá gạo xát trắng loại 1 tăng mạnh nhất với 690 đồng/kg, giá trung bình là 14.260 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 tăng 300 đồng/kg, trung bình là 11.600 đồng/kg.
Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, giá một số loại lúa được thương lái thu mua như: IR 50404 từ 7.300-7.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; lúa OM 5451 có giá từ 7.300-7.500 đồng/kg; OM 380 là 7.000 đồng/kg; Đài thơm 8 (tươi) và OM 18 (tươi) từ 8.200-8.400 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000- 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000-22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.000-18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.500 đồng/kg.
Về xuất khẩu, các nhà giao dịch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết gạo 5% tấm của Việt Nam được chào ở mức từ 520-525 USD/tấn, không thay đổi so với một tuần trước.
Một thương nhân ở tỉnh An Giang cho biết giá ổn định trong bối cảnh nguồn cung giảm.
Theo kết quả đấu thầu, Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) sẽ mua hơn 80.000 tấn gạo từ Việt Nam, dự kiến giao hàng trong tháng 11 và tháng 12/2024.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu từ Ấn Độ giảm tuần thứ ba liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong 15 tháng do đồng rupee mất giá và nguồn cung tăng.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức từ 440-447 USD/tấn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023 và giảm so với mức từ 442-449 USD/tấn của tuần trước.
Gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức từ 440-450 USD/tấn. Một nhà giao dịch tại Kolkata cho biết đồng rupee đã giảm trong vài ngày qua, khiến giá xuất khẩu giảm.
Theo nhà giao dịch này, nhu cầu từ các nước châu Phi mạnh vì hiện tại họ có thể mua gạo với giá thấp hơn nhiều so với một tháng trước.
Tháng trước, Ấn Độ đã bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với gạo đồ và dỡ bỏ mức giá sàn 490 USD/tấn đối với gạo trắng không phải basmati để thúc đẩy xuất khẩu.
Các thương nhân cho biết gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 490 USD/tấn, tương tự mức từ 485-495 USD/tấn của tuần trước, trong bối cảnh đồng USD tăng giá sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Trong một thông tin có liên quan, Bangladesh đã đấu thầu quốc tế để mua 50.000 tấn gạo.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Bangladesh, lũ lụt ở Bangladesh đã làm giảm sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn gạo.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá đậu tương kỳ hạn tại Sàn giao dịch hàng hóa Chicago giảm trong phiên 8/11, sau khi đạt mức cao nhất của gần một tháng trong phiên trước đó, nhờ động lực từ sự phục hồi của thị trường dầu thực vật. Giá ngô và lúa mỳ cũng giảm trong phiên 8/11.
Tuy nhiên, cả ba loại ngũ cốc trên đều tăng giá khi tính theo tuần.Giá đậu tương giảm 0,6% xuống 10,1975 USD/bushel trong phiên cuối tuần, sau khi đạt 10,28 USD/bushel trong phiên trước.
Giá đậu tương đã tăng 2,6% kể từ đầu tuần.Trong khi đó, giá ngô giảm 0,1% trong phiên 8/11 xuống 4,27 USD/bushel và tăng 3% khi tính theo tuần.
Giá lúa mỳ giảm 0,1%, xuống 5,7 USD/bushel phiên 8/11 và tăng 0,5% trong tuần qua.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đánh giá nhu cầu đối với đậu tương và ngô xuất khẩu của Mỹ hiện vững chắc.Trong khi đó, thời tiết được cải thiện ở Argentina và nước xuất khẩu hàng đầu Brazil đã làm giảm bớt mối lo ngại về sản lượng.
Ngoài ra, USDA cho biết nông dân Mỹ có thể mở rộng diện tích trồng ngô, đồng thời giảm gieo trồng đậu tương và lúa mỳ trong niên vụ tới.
Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Vương Thành Công, tỉnh Đắk Lắk, thu hoạch càphê. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
|
Về thị trường càphê thế giới, theo dữ liệu mới nhất, giá cà phê thế giới đồng loạt giảm trên hai sàn ICE Futures Europe và ICE Futures US vào ngày 9/11.
Trên sàn ICE Futures Europe, giá càphê robusta giao tháng 11/2024 giảm 91 USD/tấn, xuống 4.395 USD/tấn; giao tháng 1/2025 giảm 90 USD/tấn, xuống 4.334 USD/tấn.
Trên sàn ICE Futures US, giá càphê arabica giao tháng 12/2024 giảm 6,15 xu/lb, đứng ở mức 254,25 xu/lb; giao tháng 3/2025 giảm 5,9 xu/lb xuống 253,85 xu/lb.
Theo các nhà phân tích, việc giá càphê thế giới giảm có thể liên quan đến áp lực từ vụ thu hoạch của Brazil, nước sản xuất càphê lớn nhất thế giới.
Đồng thời, các yếu tố như biến động tỷ giá USD và các chính sách kinh tế của Mỹ cũng ảnh hưởng đến giá càphê toàn cầu.
Đà giảm của giá càphê thế giới có thể là một tín hiệu cho thấy thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh sau một thời gian dài tăng giá.
Tại thị trường trong nước, giá càphê tại khu vực Tây Nguyên bật tăng trở lại so với hôm qua, đưa mức giá trung bình hiện ở quanh mốc 107.800 đồng/kg.
Bích Hồng - Lê Minh