Vietstock - Đức dự kiến chi 822 tỷ euro giải cứu nền kinh tế trước dịch COVID-19
Dự thảo cho biết các quỹ sẽ hướng tới một lượng lớn các chương trình trợ cấp, trong đó có việc giúp cho các công nhận bị buộc phải cắt giảm giờ làm việc.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt, Đức, ngày 2/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo một bản dự thảo mà AFP có được hôm 21/3, chính phủ liên bang Đức đang lên kế hoạch cho một gói cứu trợ kinh tế trị giá 822 tỷ euro nhằm ngăn ngừa các doanh nghiệp nước này bị suy thoái do đại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Dự thảo cho biết các quỹ sẽ hướng tới một lượng lớn các chương trình trợ cấp, trong đó có việc giúp cho các công nhận bị buộc phải cắt giảm giờ làm việc.
Các quỹ này cũng có thể được sử dụng để cấp vốn cho việc quốc hữu hóa một phần các doanh nghiệp lớn nhằm giữ cho các doanh nghiệp này được ổn định.
Trong khi đó, Chính phủ Australia ngày 22/3 thông báo bổ sung thêm một gói hỗ trợ tài chính mới trị giá 66 tỷ AUD (tương đương gần 40 tỷ USD) cho các doanh nghiệp và người lao động địa phương, nhằm vượt qua đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Gói tài chính lần này tập trung chủ yếu vào việc giúp các doanh nghiệp nhỏ và các tổ chức phi lợi nhuận, thông qua chính sách hoàn thuế thu nhập, hỗ trợ trả lương cho người lao động, vay tiền mặt lãi suất thấp, không cần thế chấp và không phải trả nợ trong sáu tháng đầu…
Ngoài ra, gói hỗ trợ này cũng dự kiến bao gồm chi trả thu nhập cho những người mất việc, những người bị sa thải do ảnh hưởng từ dịch bệnh tác động tới doanh nghiệp.
Đây là gói cứu trợ kinh tế thứ hai được Canberra tung ra, sau chưa đầy 10 ngày công bố một gói kích cầu đầu tiên trị giá 17,6 tỷ AUD (tương đương hơn 10 tỷ USD).
Không những vậy, Bộ trưởng Tài chính Australia Mathira Cormann hôm nay cũng tiết lộ, trong điều kiện cần thiết, gói tài chính thứ ba sẽ tiếp tục được xem xét tới. Ông cho biết, với những chính sách kinh tế quyết liệt, Chính phủ Australia kỳ vọng sẽ giúp khoảng 690.000 doanh nghiệp nhỏ, sử dụng tới hơn 7,8 triệu lao động, cùng 30.000 tổ chức phi lợi nhuận đứng vững trước “cơn sóng gió” từ COVID-19.
Trước đó, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA - Ngân hàng Trung ương) đã công bố một kế hoạch nới lỏng định lượng (QE) táo báo, bao gồm cả việc cung cấp 105 tỷ AUD (tương đương 63 tỷ USD) cho các ngân hàng thương mại để nới lỏng điều kiện vay và hỗ trợ lãi suất thấp cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang tiếp tục lan rộng, các nhà kinh tế dự báo gần một triệu người dân Australia có thể mất việc làm, từ nay cho tới tháng Mười. Ngoài ra, nền kinh tế Australia có thể chấm dứt gần 30 năm tăng trưởng liên tục và bắt đầu bước vào giai đoạn giảm phát.
Diệu Linh