Vietstock - Giảm liền 9 phiên, TTCK Malaysia chìm vào phạm vi điều chỉnh
Chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 10/2018 của cổ phiếu Malaysia đang đẩy chỉ số chuẩn của nước này rơi vào phạm vi điều chỉnh.
Chỉ số FTSE Bursa Malaysia KLCI Index có lúc giảm 1% trong ngày thứ Năm (21/06), qua đó lao dốc tới 11% so với mức đỉnh xác lập từ hai tháng trước. Trượt dốc liền 9 phiên, chỉ số này chuẩn bị xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2017.
Chứng khoán Malaysia đã trở thành một trong số những thị trường giảm mạnh nhất so với mức kỷ lục thiết lập hồi tháng 4/2018. Với việc tân Thủ tướng nỗ lực trả bớt nợ của Malaysia, các nhà đầu tư nước ngoài đã tháo chạy ra khỏi thị trường nước này, rút tiền ra khỏi các quỹ cổ phiếu từng ngày kể từ đầu tháng 5/2018. Các chuyên gia phân tích đã giảm bớt dự báo lợi nhuận, và kết quả là Malaysia đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành thị trường châu Á-Thái Bình Dương bị giảm dự báo mạnh nhất trong năm nay.
“Triển vọng ngắn hạn của cổ phiếu sẽ còn khó khăn khi chính quyền mới cố gắng tìm lối thoát ra khỏi vùng lầy của các vấn đề tài chính”, Christopher Wong, Chuyên gia quản lý đầu tư cấp cao tại Standard Life Investments ở Singapore, nhấn mạnh. “Tuy nhiên, tôi kỳ vọng tình hình sẽ cải thiện trong trung hạn”.
Trong các thành phần của chỉ số FTSE Bursa Malaysia KLCI, Telekom Malaysia Bhd. là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong ngày thứ Năm (21/06), có lúc lao dốc tới 12% vì lo ngại về việc cắt giảm giá băng thông. Hệ số P/E của chỉ số FTSE Bursa Malaysia KLCI là 15.7 lần (so với lợi nhuận ước tính trong năm tới) là gần với mức bình quân 5 năm.
Cũng như ông Wong của Standard Life, Chuyên gia Danny Wong của công ty Areca Capital cũng hy vọng những ngày tươi đẹp hơn của Malaysia vẫn còn ở phía trước. Ông dự báo ước tính lợi nhuận sẽ gia tăng trong 6 tháng cuối năm nay nhờ các chính sách mới về đầu tư nước ngoài và chi tiêu của Chính phủ.
Mới đây, vào ngày 18/06/2018, Bloomberg cũng dẫn thông tin rằng các quỹ trái phiếu đang né tránh Malaysia vì vụ bê bối của 1MDB.
Theo thông tin tiết lộ trong tháng trước, mức nợ của Malaysia cao hơn gần 60% so với mức ước tính 1 ngàn tỷ Ringgit (tương ứng 250 tỷ USD), phần lớn là do những món nợ ẩn gắn liền với quỹ đầu tư quốc gia 1MDB. Chính thông tin này đã khiến các nhà đầu tư trái phiếu Malaysia cắt giảm tỷ trọng đầu tư, và ngay cả những nhà đầu tư yêu thích trái phiếu nước này cũng cảm thấy lo ngại. Với việc loại bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) trong tháng trước, chính quyền của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đang đối mặt với những khó khăn về mặt tài chính.
“Sự không chắc chắn về tình trạng thâm hụt tài khóa của Malaysia sẽ đu bám thị trường nước này”, Wilfred Wee, Chuyên gia quản lý quỹ tại Investec Asset Management ở Singapore, cho hay. “Cho đến khi mọi thứ được giải quyết, chúng tôi phải giảm bớt tỷ trọng đầu tư tại Malaysia (dù vẫn còn khá cao), đồng thời nhận ra rằng tài khoản vãng lai và các yếu tố cơ bản chung của Malaysia vẫn còn khá hấp dẫn so với các thị trường đồng cấp”.
“Chúng tôi sẽ chọn không đầu tư mạnh vào trái phiếu Malaysia cho đến khi sự bất ổn tài khóa suy giảm”, Aninda Mitra, Chuyên gia phân tích cấp cao tại BNY Mellon Investment Management ở Singapore, cho hay. “Xét trên nhiều thước đo, đồng Ringgit vẫn còn khá rẻ. Thế nhưng, chúng ta có khả năng chứng kiến một cuộc tranh luận kéo dài về sự bất ổn chính sách và sự suy giảm niềm tin”.
Sau khi đảng của Thủ tướng Mahathir Mohamad giành chiến thắng đầy bất ngờ trong cuộc tổng tuyển cử tháng trước, tân Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng tiết lộ rằng khoản nợ của Chính phủ đã lên tới 1.087 ngàn tỷ Ringgit, bị thổi phồng bởi các khoản nợ của 1MDB. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức ước tính 685 tỷ Ringgit của Bộ Tài chính Malaysia trong năm 2017.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)