Investing.com – Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (HM:VPB) đã lấy ý kiến cổ đông về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu. Thời gian lấy ý kiến dự kiến trong tháng 7. Ngày 13/7 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông.
Tính đến cuối Q1/2021, vốn điều lệ của ngân hàng là gần 25.300 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu gần 56.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng vừa hoàn thành bán 49% vốn FE Credit cho SMBC, với giá trị 1,4 tỷ USD. FiinGroup ước tính ngân hàng sẽ thu ròng 26.500 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn. Nguồn vốn từ hoạt động bán cổ phần sẽ dùng để tăng vốn chủ sở hữu. Ngân hàng có thể tăng vốn điều lệ từ thặng dư vốn và phát hành cho cổ đông chiến lược.
VPB không trình chia cổ tức, giữ lại lợi nhuận ngân hàng. Bên cạnh đó, cổ đông thông qua phương án tái phát hành/bán cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên VPBank năm 2021. Ngân hàng có hơn 75,2 triệu cổ phiếu quỹ và đề xuất sử dụng để phát hành cho cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP và cho các nhà đầu tư mới vào thời điểm thích hợp.
Đối với phát hành cổ phiếu ESOP, ngân hàng dự kiến bán 15 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm, giải tỏa từng phần 30% sau 1 năm, 35% sau 2 năm và 35% sau 3 năm. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý III.
Kết quả Q1/2021, VPBank lãi trước thuế 4.006 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 24% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 20.617 tỷ đồng. Tổng tài sản ở mức 436.241 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm trước. Cho vay khách hàng tăng 3,5% lên 301.172 tỷ đồng. Nợ xấu tăng 5% lên hơn 10.421 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 3,4% lên gần 3,5%. Riêng nợ nhóm 3 tăng 17% lên 7.062 tỷ đồng, nhưng nợ nhóm 5 giảm 17% còn 1.523 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm nhẹ xuống 232.426 tỷ đồng, trong khi tiền gửi và vay các tổ chức tài chính, tín dụng khác tăng 25% lên 70.921 tỷ đồng.