Vietstock - JPMorgan: Ngành ngân hàng Việt Nam sẽ mang lại tăng trưởng và khả năng sinh lãi cao
Lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam đang là một cơ hội đầu tư hấp dẫn vì nó tạo ra rất nhiều vốn và tăng trưởng nhanh chóng, theo một chuyên viên ngân hàng cấp cao tại JPMorgan.
Việc các ngân hàng Việt Nam vừa tăng trưởng nhanh và có khả năng sinh lãi cao là một kết hợp khá hiếm hoi, Harsh Modi, đồng trưởng phòng nghiên cứu tài chính khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) tại JPMorgan, nói với CNBC.
Như vậy, họ có khả năng duy trì tăng trưởng cao mà không cần tạo quá nhiều vốn trong giai đoạn dài.
“Tỷ suất sinh lợi trên vốn cổ phần (ROE) tại các ngân hàng Việt khá cao. Tỷ suất sinh lợi cao hơn tăng trưởng của bảng cân đối kế toán”, ông Modi cho biết trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 11/2019. Điều ông ngụ ý là các ngân hàng Việt Nam về lý thuyết không cần phải huy động vốn để tài trợ cho tăng trưởng hiện tại, nhưng họ vẫn huy động vốn nhằm mục đích có tỷ lệ vốn cao hơn và thỏa các yêu cầu về pháp lý.
Kết quả là không cần phải huy động vốn, nhà đầu tư vẫn có khả năng thấy sự tăng trưởng từ bảng cân đối kế toán đối với các ngân hàng này duy trì trong thời gian dài, cùng với cổ phiếu cũng có hệ số P/E khá cao. “Đây là điểm hấp dẫn của lĩnh vực này”, ông Modi cho biết.
Trong báo cáo tháng 11/2019 do ông Modi đồng tác giả, các chuyên viên phân tích JPMorgan cho biết họ dự báo các ngân hàng Việt (nằm trong phạm vi quan sát của họ) có khả năng mang lại ROE 15-21% trong vòng 2 năm tới khi họ bắt đầu sinh lãi từ cả hai bên của bảng cân đối kế toán.
Các yếu tố kinh tế vĩ mô lạc quan cũng đang góp phần tạo ra tâm lý lạc quan xoay quanh các ngân hàng Việt Nam, theo Modi. Năng suất lao động ngày càng cải thiện trong các lĩnh vực theo định hướng xuất khẩu đang thu hút khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) – vốn cải thiện lượng hàng xuất khẩu, thặng dư tài khoản vãng lai trong vài năm tới và đảm bảo đủ thanh khoản nội địa ở Việt Nam, ông lý giải.
“Vì có khả năng cải thiện về lượng hàng xuất khẩu, thặng dư tài khoản vãng lai và thanh khoản, nên chúng tôi dự báo tăng trưởng và khả năng sinh lợi của hệ thống ngân hàng Việt Nam khá cao”, ông Modi cho biết.
Phần còn lại của Đông Nam Á
Có nhiều cơ hội ở khắp khu vực còn lại của Đông Nam Á, nhưng kết hợp rủi ro và tỷ suất sinh lợi lại khác nhau ở mỗi thị trường, Modi cho biết.
JPMorgan thích các ngân hàng Indonesia và tăng tỷ trọng vào các ngân hàng Bank Mandiri, Bank Rakyat Indonesia, và Bank Central Asia.
Ở Thái Lan và Philippines, JPMorgan đánh giá cao các ngân hàng như Kasikornbank, Bangkok Bank, Metropolitan Bank & Trust Company và East West Banking Corp.
“Khung thời gian đầu tư đối với phần còn lại của khu vực Đông Nam Á có lẽ ngắn hơn”, ông Modi cho biết, đồng thời nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa những thị trường này và Việt Nam. Sự giới hạn tương đối trong việc tiếp cận thị trường tại Việt Nam đẩy nhà đầu tư vào thế phải chấp nhận cái nhìn dài hạn, trong khi ở các thị trường khác, với cơ sở hạ tầng phát triển hơn, nó lại khiến nhà đầu tư dễ thực hiện các quyết định ngắn hạn hơn, ông nói.
Ông Modi cho biết JPMorgan thích các ngân hàng Ấn Độ có lịch sử bảo lãnh tốt. JPMorgan đang đánh giá cao các ngân hàng HDFC Bank, Mahindra và Mahindra Financial Services.
Ở các thị trường Đông Nam Á vốn liên kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, thương mại vẫn là rủi ro đáng chú ý nhất. Ông Modi lý giải rủi ro nằm ở cách những quốc gia này sử dụng kết hợp chính sách tài khóa, tiền tệ và công nghiệp để hỗ trợ hoạt động kinh tế và cải thiện năng suất lao động đủ tốt để thu hút các khoản đầu tư.
Vương Đông (Theo CNBC)