Vietstock - Oái oăm cái sổ hồng của căn hộ chung cư
Việc chậm cấp, chưa cấp sổ hồng chung cư không chỉ do doanh nghiệp mang sổ đi cầm, vi phạm xây dựng... mà còn có sự rề rà đến khó hiểu của các cơ quan nhà nước.
Kể từ khi có Luật Nhà ở vào năm 2005 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực đến nay, trên địa bàn TP.HCM, có gần 1.200 chung cư. Trong gần hai thập niên, người dân bắt đầu quen với việc chuyển dịch từ nhà thấp tầng lên nhà cao tầng. Tuy nhiên, cùng với những tiện nghi thì cũng phát sinh hàng loạt rắc rối, trong đó có việc cấp sổ hồng cho cư dân.
Ròng rã hơn chục năm nay, không biết bao nhiêu cư dân đang sinh sống trong các tòa chung cư tại TP.HCM phải khổ sở trên hành trình đòi quyền lợi chính đáng sở hữu chính căn hộ của mình.
Không ít cư dân mua căn hộ về ở mới tá hỏa phát hiện chủ đầu tư mang sổ hồng đi cầm cố ngân hàng; không ít tranh chấp nảy lửa giữa chủ đầu tư và cư dân về sở hữu chung, riêng khiến cho việc có được tấm sổ hồng phải “trầy da tróc vẩy”; cũng không hiếm chung cư vi phạm xây dựng khiến cho cư dân bị vạ lây; rồi cả những chung cư chủ đầu tư không vi phạm, dân cũng đã thanh toán đầy đủ tiền nhà thì lại phải chờ Nhà nước tính tiền sử dụng đất…
Theo thống kê của Sở TN&MT, trước đây có tới 70 dự án vướng tiền sử dụng đất (nay đã xử lý còn hơn 40 dự án), có tới 60 dự án chủ đầu tư thế chấp sổ hồng ở ngân hàng và hàng trăm dự án có tranh chấp… Đó là nguyên nhân khiến cho các chung cư bị chậm cấp sổ. Thậm chí có những chung cư đi vào hoạt động 10 năm nhưng cư dân vẫn chưa có sổ. Thật nghịch lý khi không hiếm cư dân ở căn hộ cao cấp mà vẫn không hề có tấm giấy chủ quyền lận lưng.
Từ những thống kê trên cho thấy việc chậm cấp sổ hồng không phải chỉ do chủ đầu tư hay người dân mà còn do cả Nhà nước khi chậm thực hiện vai trò, chức năng của mình. Câu chuyện chậm trễ trong xác định nghĩa vụ tài chính là ví dụ điển hình. Cũng thật nghịch lý khi doanh nghiệp đầu tư xây dựng xong dự án đã phải mất rất nhiều thời gian, chỉ còn mỗi khâu nộp tiền cho Nhà nước để làm cơ sở ra sổ cũng không dễ dàng gì.
Không ít doanh nghiệp sau nhiều lần trình phương án giá đất không xong, họ đã chấp nhận ứng hàng trăm tỉ đồng theo phương án giá cao nhất mà vẫn không giải quyết được vấn đề. Sổ hồng của cư dân tiếp tục “treo”.
Có thể thấy việc chậm xác định nghĩa vụ tài chính không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân mà còn khiến doanh nghiệp bị thiệt hại khi vướng phải kiện tụng, thương hiệu và uy tín bị ảnh hưởng nặng nề.
Có lẽ đã đến lúc cơ quan, ban ngành TP cần phải quyết liệt hơn để câu chuyện sổ hồng không còn là vấn đề dai dẳng tại một đô thị hiện đại bậc nhất cả nước như hiện nay.
VIỆT HOA