Vietstock - Nhiều dự án trọng điểm ì ạch
Dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình (TPHCM) dài khoảng 4km có tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 12/2022. Đây là dự án trọng điểm quốc gia và là tuyến đường kết nối đồng bộ với công trình nhà ga T3 của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Ban Giao thông TPHCM giữ mục tiêu thông xe đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa vào cuối năm nay. |
Hiện nay, tổng khối lượng thi công của toàn dự án đã đạt khoảng 80%, TPHCM đặt mục tiêu sẽ thông xe tuyến đường này vào cuối năm nay để kết nối với nhà ga T3 (dự kiến hoàn thành, vận hành khai thác dịp 30/4/2025).
Tuy nhiên, vướng mắc lớn ở gói thầu số 13 (từ km 2+190 đến đoạn giao cắt với đường Trường Chinh) đang dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng tổng thể tiến độ dự án.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong khi các gói thầu còn lại của dự án đang nỗ lực thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thì gói thầu số 13 lại khá vắng vẻ, trên công trường máy móc thiết bị im lìm, không có người vận hành. Đại diện Ban Giao thông TPHCM cho biết, gói thầu số 13 hiện đạt 65% khối lượng, đã đưa vào sử dụng tạm một phần đường, nhưng đang bị vướng mặt bằng khiến việc thi công bị ảnh hưởng. Cụ thể, gói thầu bị vướng mặt bằng 67 hộ dân và Xí nghiệp dệt may 7. Vướng mắc về mặt bằng khiến dự án có nguy cơ bị chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải ngân vốn đầu tư công tại dự án này.
Do đó, Ban Giao thông TPHCM đã có văn bản kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Quy hoạch- Kiến trúc phản hồi về quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 khu đất tái định cư tại chỗ liên quan đến dự án theo đề nghị của UBND quận Tân Bình. Từ đó, có phương hướng giải quyết các vướng mắc về bồi thường, tái định cư cho các hộ dân thuộc phạm vi dự án. “Chúng tôi cũng đã đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 7 khẩn trương bàn giao phần diện tích thuộc Xí nghiệp dệt may 7 cho UBND quận Tân Bình để sớm triển khai thi công, đảm bảo thông xe toàn tuyến vào tháng 12 năm nay”- đại diện Ban Giao thông TPHCM cho hay.
Tương tự, một dự án khác của Ban Giao thông TPHCM đang triển khai thi công tại quận Gò Vấp là nâng cấp, mở rộng đường Dương Quảng Hàm, đặt mục tiêu về đích vào cuối năm nay nhưng cũng đang bị vướng mặt bằng. Đến hiện tại, còn vướng 42 trường hợp phải di dời chưa bàn giao mặt bằng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ.
Đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Gò Vấp (Ban bồi thường) thông tin dự án mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (đoạn từ quận Bình Thạnh đến Công viên Văn hóa quận Gò Vấp) ảnh hưởng đến 425 trường hợp (371 trường hợp giải tỏa một phần, 51 trường hợp giải tỏa toàn bộ hoặc diện tích còn lại nhỏ và 3 lô cốt). Trong đó, 412 trường hợp của hộ dân, 9 của tổ chức, 1 của cơ sở tôn giáo và 3 lô cốt. Về tiến độ dự án, Ban bồi thường quận Gò Vấp cho biết, đến nay quận đã ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với 422/425 trường hợp với tổng số tiền gần 1.450 tỷ đồng. Hiện nay, còn 3 lô cốt chưa ban hành thông báo thu hồi đất do đang báo cáo và chờ ý kiến của Bộ Quốc phòng. Về phía người dân, có 395/425 trường hợp đã nhận tiền (đạt tỉ lệ 92,94%) với số tiền đã chi trả là khoảng 1.258 tỷ đồng. Có 383/425 trường hợp đã bàn giao mặt bằng (đạt tỉ lệ 90,12%).
Tính đến hiện tại, quận Gò Vấp đã bàn giao 380 trường hợp cho Ban giao thông TPHCM để thi công công trình. Hiện còn lại 42 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng, trong đó có 6 tổ chức quốc phòng, 3 lô cốt; 16 trường hợp chưa nhận tiền (trong đó có 2 trường hợp đang chờ cơ quan chức năng TPHCM hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ cấu trúc xây dựng tạm); 16 trường hợp đã nhận tiền, nhận nền đất tái định cư; 1 trường hợp đã bàn giao một phần.
Trước những khó khăn trên, Ban Bồi thường đã tham mưu UBND quận Gò Vấp kiến nghị Bộ Tư lệnh TPHCM chỉ đạo cơ quan chuyên môn (Phòng tham mưu, Ban công binh…) phối hợp với Quân khu 7, UBND quận Gò Vấp báo cáo Cục Tác chiến xem xét, tham mưu Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao đất của 3 lô cốt để sớm hoàn thành dự án. Hiện nay, UBND quận Gò Vấp đã lập bản đồ xác định ranh giới đất quy hoạch của dự án mở rộng nâng cấp đường Dương Quảng Hàm. Trong đó thể hiện vị trí 3 lô cốt để trình UBND TP và Bộ Tư lệnh TP xem xét, xác nhận theo đề nghị của Cục Tác chiến để xem xét, tham mưu Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao đất.
Đối với 16 trường hợp được cấp giấy phép xây dựng tạm và có thời hạn đang chờ hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ của Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và UBND thành phố. Hiện còn 16 trường hợp chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng. UBND quận đã ban hành 13 quyết định cưỡng chế thu hồi đất trên tổng số 16 trường hợp chưa nhận tiền. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động, thuyết phục người dân nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Trường hợp hộ dân không bàn giao mặt bằng, UBND quận sẽ thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với những trường hợp giải tỏa theo quy định trong tháng 10, 11”- đại diện Ban Bồi thường quận Gò Vấp thông tin.
Trong khi đó, Ban Giao thông TPHCM cho biết, đơn vị đang tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị liên quan tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng cho dự án đường Dương Quảng Hàm. Sau khi có mặt bằng, đơn vị thi công sẽ thi công “cuốn chiếu”, tức là có mặt bằng đến đâu sẽ thi công đến đó. Hiện tại, Ban Giao thông TP vẫn giữ mục tiêu cuối năm nay sẽ thông xe tuyến đường này.
Trong năm nay, Ban Giao thông TPHCM được giao vốn 12.380 tỷ đồng. Đại diện Ban Giao thông cho biết, các khoản chi lớn dự kiến đều sẽ giải ngân vào quý 3, quý 4. Do đó, ban vẫn quyết tâm giữ mục tiêu giải ngân trên 95% trong năm nay. “Giải pháp vẫn là đẩy nhanh các dự án trọng điểm như Vành đai 3 TPHCM với khoảng 3000 tỷ đồng xây lắp. Các dự án trọng điểm điều thi công 3 ca 4 kíp, cố gắng đảm bảo tiến độ”- đại diện Ban Giao thông thông tin.
Hữu Huy