Theo Dong Hai
Investing.com - IMF cảnh báo ngân hàng trung ương Mỹ và các nước khác cần chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ phòng trường hợp lạm phát vượt quá khả năng kiểm soát, chi phí đầu vào tăng cao, ngành chăn nuôi ‘lao đao’… Dưới đây là 2 thông tin cần chú ý trong phiên giao dịch hôm nay thứ Tư ngày 13/10.
1. Ngành chăn nuôi gặp khó khăn khi chi phí đầu vào tăng cao
Giá đầu ra giảm mạnh, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) tăng cao khiến cho ngành chăn nuôi “lao đao” thua lỗ nặng không còn vốn đề đầu tư tái sản xuất. Những khó khăn nêu trên nếu không sớm được khắc phục thì nguy cơ ngành chăn nuôi sẽ thu hẹp sản xuất, thiếu nguồn cung cho thị trường vào thời điểm cuối năm.
Từ khi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch COVID-19, các loại TACN gia súc, gia cầm đều đồng loạt tăng giá, nguyên nhân chính là do sản xuất, vận chuyển khó khăn, nguyên liệu đầu vào tăng. Trong khi đó sức tiêu thụ và giá bán đầu ra lại giảm mạnh khiến cho người chăn nuôi gia súc, gia cầm rơi vào tình thế hết khó khăn.
Gần đây, giá thức ăn chăn nuôi gồm cám heo, các loại thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm của các công ty, doanh nghiệp đều tăng từ 200 - 400 đồng/kg tùy loại; riêng các loại thức ăn đậm đặc tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg. Từ đầu năm, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 30-35% trong khi giá đầu ra giảm khá sâu gần 50% đã quá sức chịu đựng của người chăn nuôi. Nếu không có những giải pháp điều tiết giá TACN, sẽ dẫn đến người chăn nuôi ngưng tái đàn. Nguy cơ thiếu nguồn cung sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần là rất có thể xảy ra.
2. IMF cảnh báo lạm phát đang tăng cao, tăng trưởng giảm tốc và các nước chuẩn bị thắt chặt tiền tệ
Báo cáo được công bố ngày 12/10, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo ngân hàng trung ương Mỹ và các nước khác cần chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ phòng trường hợp lạm phát vượt quá khả năng kiểm soát. IMF tỏ ý đồng tình với đánh giá từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều nhà kinh tế rằng đà tăng giá toàn cầu cuối cùng sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, IMF lưu ý rằng những dự báo này có độ "không chắc chắn lớn". Cảnh báo Mỹ, Anh và những nền kinh tế phát triển khác là nơi có rủi ro lạm phát gia tăng.
Bà Gita Gopinath, Kinh tế trưởng của IMF viết trong bản tổng kết đi kèm báo cáo: "Tuy chính sách tiền tệ thường có thể bỏ mặc sự gia tăng nhất thời của lạm phát, các ngân hàng trung ương nên chuẩn bị để hành động nhanh chóng nếu rủi ro kỳ vọng lạm phát gia tăng trở nên hiện hữu hơn trong cuộc phục hồi chưa từng có tiền lệ này. Ngân hàng trung ương nên vạch ra các hành động dự phòng, thông báo các yếu tố sẽ kích hoạt việc thắt chặt chính sách và hành động theo kế hoạch đó".
Các quan chức Fed từng nói vũ khí chính để chống lạm phát là tăng lãi suất. Kể từ năm 2018, Fed chưa từng tăng lãi suất, theo CNBC.
Với lạm phát của Mỹ leo lên mức cao nhất trong vòng 30 năm, Fed phải đau đầu quyết định khi nào nên bắt đầu rút lại chính sách hỗ trợ bất thường đã thực hiện kể từ đầu năm 2020.
IMF không chỉ đích danh Fed nhưng đa phần đánh giá lạm phát của cơ quan này gián tiếp đề cập đến sự điều chỉnh chính sách lớn mà ngân hàng trung ương Mỹ đã thực hiện vào tháng 9/2020. Khi đó, Fed tuyên bố sẵn sàng chấp nhận để lạm phát tăng nóng hơn mức bình thường để đạt được toàn dụng lao động. Theo IMF, kiểu chính sách này tiềm ẩn một số nguy hiểm nếu kỳ vọng lạm phát bắt đầu tăng cao. Fed sử dụng định hướng thị trường tiền tệ (forward guidance) để vạch ra bức tranh rõ ràng giúp công chúng hiểu được ý định tương lai của họ là gì và tiêu chí nào sẽ được sử dụng để thay đổi chính sách. IMF cho biết truyền đạt sẽ là chìa khóa để tránh những cú sốc gây gián đoạn nền kinh tế do thay đổi chính sách. Chờ đợi việc làm hồi phục hơn nữa "có nguy cơ khiến lạm phát tăng cao giống như lời tiên tri tự ứng nghiệm" và phá hoại chính sách của Fed, IMF cảnh báo.
Theo đó, bức tranh lạm phát hiện tại của Mỹ sẽ được đưa ra vào ngày 13/10 (giờ Mỹ) với việc công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 9. Các nhà kinh tế ước tính CPI tháng 9 tăng 0,3% so với tháng trước, tương ứng mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 5,3%.