Vietstock - TS. Võ Trí Thành: Kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
Đây là nhận định của TS. Võ Trí Thành tại Diễn đàn kinh tế vĩ mô năm 2024 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược" được tổ chức sáng ngày 09/01/2024.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.
|
Về kinh tế Việt Nam, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho biết, mặc dù kinh tế tài chính tiền tệ đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, ổn định hơn nhưng vẫn còn nhiều vấn đề. Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất giảm bớt, thanh khoản ngân hàng ổn định, chứng khoán, trái phiếu trải qua cơn chấn động và bắt đầu phục hồi.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại vấn đề là hệ thống tài chính ngân hàng chưa đủ lành mạnh, việc xử lý ngân hàng yếu kém kéo dài hàng chục năm còn nhiều khó khăn. Nợ xấu gia tăng, nợ nội bảng hiện đã lên trên 3.4% và đang có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Ngoài ra, lòng tin vào thị trường tài chính vẫn chưa được cải thiện, điển hình là trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng cá nhân gắn với câu chuyện bất động sản… Gần 64% tín dụng bất động sản là dành cho cá nhân, nhưng năm 2023 tín dụng cho cá nhân gần như không tăng.
TS. Võ Trí Thành khẳng định khó khăn nhất đã qua, kỳ vọng áp lực từ yếu tố quốc tế sẽ giảm đi trong thời gian tới.
Về nền kinh tế thực, chuyên gia cho biết những năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2023, ngành chế biến chế tạo không còn là động lực tăng trưởng, thấy rõ nhất là từ xuất nhập khẩu giảm. Đặc biệt, đây cũng là nỗi lo dù thặng dư gần 30 tỷ USD.
Cơ cấu nhập khẩu có 40% là thiết bị máy móc, 30-35% là hàng trung gian, phần nhỏ còn lại là hàng tiêu dùng. Tình hình đơn hàng, thị trường eo hẹp vẫn sẽ có thể tiếp tục trong năm nay. Đơn hàng dù đã có trở lại nhưng còn nhiều bấp bênh nếu nhìn vào chỉ số PMI, chỉ có 2 tháng duy nhất trên 50 điểm trong năm 2023.
Đầu tư công là điểm sáng trong năm 2023. Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, năm 2023 đã giải ngân được 95% kế hoạch.
Ngoại trừ thủy sản, sản xuất nông nghiệp cũng được xem là điểm sáng của kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng tiêu dùng bán lẻ giảm, đầu năm tốc độ tăng tiêu dùng trên 10%, nhưng cuối năm chỉ tăng 7% nhờ vào 12.6 triệu khách du lịch nước ngoài.
TS. Võ Trí Thành đã đề xuất hàng loạt giải pháp để kinh tế phục hồi. Về mặt chính sách, TS Thành cho biết có 3 nhóm chính sách cơ bản.
Thứ nhất, chính sách tiền tệ với hệ thống tài chính ngân hàng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Thông qua các nhóm giải pháp, tái cấu trúc các tập đoàn lớn, pháp lý, hỗ trợ tài chính tiền tệ, thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục dù còn chậm.
Thứ hai là kích cầu, từ tiêu dùng, cấp thị thực (visa), thu hút khách du lịch, chính sách hỗ trợ người lao động, thu hút đầu tư trong nước bên cạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Điểm kích cầu nữa là xuất khẩu thương mại, Việt Nam sắp ký kết nhiều hiệp định, đàm phán với một số quốc gia để có lợi thế thương mại.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được tiếp tục duy trì như giảm thuế, không chuyển nhóm nợ, giữ mặt bằng lãi suất thấp.
Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy kinh tế mới sang tuần hoàn, kinh tế số. Cùng với đó, Việt Nam cũng chuẩn bị chiến lược thu hút “đại bàng” trên các lĩnh vực công nghệ, chip bán dẫn…
Theo ông Thành, chính sách vẫn phải ứng phó với khó khăn. Việt Nam cần có tầm nhìn dài hạn, để bớt đi những nỗi nhọc nhằn của ngắn hạn và trước mắt.
Cát Lam