Vietstock - Thiệt hại hàng tỉ USD vì 'nghẽn' giao thông: Dự án chạy lòng vòng vẫn 'tắc'
Nhiều dự án giao thông lớn do Bộ GTVT quản lý bắt đầu được dịch chuyển về địa phương, nhưng sau thời gian dài vẫn đình trệ.
Vướng cơ chế, nhiều dự án trọng điểm “cứu” giao thông TP.HCM (HM:HCM) như tuyến metro số 1 đang mắc kẹt ẢNH: ĐỘC LẬP
|
Bộ “buông” nhiều dự án lớn...
Tháng 3.2019, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận yêu cầu Bộ GTVT chuyển giao dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT về cho UBND tỉnh Tiền Giang quản lý. Dự án này có vai trò quan trọng trong kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM nhưng bị chậm tiến độ.
Được khởi công năm 2009 nhưng đến đầu năm 2019, dự án mới đạt hơn 15% khối lượng công việc. Ngoài những nguyên nhân như huy động vốn khó khăn, thay đổi cơ chế, chính sách liên quan đến sử dụng tài sản công thì một nguyên nhân quan trọng khiến dự án chậm tiến độ là năng lực nhà đầu tư dự án.
|
Bộ GTVT với vai trò cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (giao cho Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long làm đại diện) đã không phát huy được vai trò khi dự án gần như ngưng trệ trong suốt 10 năm. Đây là lý do sau khi dự án thay thế nhà đầu tư, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị “xin” dự án về trực tiếp quản lý song song với tiếp tục triển khai giải phóng mặt bằng, để đẩy nhanh tiến độ dự án với mục tiêu thông xe trong năm 2020.
Không chỉ Trung Lương - Mỹ Thuận, cuối tháng 5.2018, Bộ GTVT và UBND tỉnh Lạng Sơn đã ký kết bàn giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Theo đó, Lạng Sơn sẽ thay thế vai trò của Bộ GTVT tại dự án này.
Trước đó, dự án cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (Lạng Sơn) được triển khai theo hình thức hợp đồng BOT từ năm 2015, nhưng trong quá trình triển khai, dự án cũng gặp nhiều khó khăn phải thay đổi nhà đầu tư, dẫn tới chậm tiến độ. Cụ thể, dù khởi công năm 2015 nhưng dự án gián đoạn hơn 2 năm và mới được tái khởi động tháng 7.2017.
UBND tỉnh Lạng Sơn và nhà đầu tư BOT đã báo cáo Chính phủ đề nghị chuyển giao dự án từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Lạng Sơn. Một đoạn tuyến khác là Chi Lăng - cửa khẩu Hữu Nghị (dài 43 km) cũng đã được bổ sung gộp vào dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo hình thức BOT, cũng do tỉnh quản lý.
...Địa phương cũng "bó tay"
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, nhận định việc địa phương xin được chủ động thực hiện các dự án giao thông, hạ tầng là nguyện vọng chính đáng nhưng thực tế không hề dễ dàng. Chính phủ sẽ giao các bộ GTVT, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư... rà soát các thủ tục pháp lý để xem xét đề xuất của địa phương. Quá trình này rất mất thời gian, chưa kể các bộ sẽ dẫn loạt văn bản thủ tục đối chiếu, chỉ ra các phương thức đầu tư mới chưa có trong luật, chưa có hành lang pháp lý và đưa ra hàng loạt lý do. Sự cứng nhắc trong cơ chế khiến địa phương dù có sốt sắng, thậm chí đã kêu gọi được nhà đầu tư lo ổn thỏa phần vốn nhưng vẫn không thể thực hiện.
TP.HCM là một trong những địa phương sốt sắng nhất muốn triển khai loạt dự án hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông nhưng cũng không dễ gì “chạy nhanh” do vướng víu cơ chế, thủ tục.
Điển hình là dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Việc “khát” vốn ODA, chậm phân bổ vốn cho tuyến metro số 1 đã được TP.HCM báo cáo các bộ, ngành cấp T.Ư từ cách đây 2 năm nhưng đến giờ, những khó khăn trên vẫn chưa được giải quyết. Lãnh đạo TP.HCM nhiều lần nhấn mạnh dự án không thiếu tiền, TP có sẵn 35.000 tỉ đồng và chỉ chờ các cấp thẩm quyền gật đầu là số vốn này sẵn sàng được sử dụng.
Đáng nói, dù liên tục nhận được thông tin Chính phủ, Bộ Chính trị thống nhất đồng ý chủ trương tăng vốn tuyến metro để hoàn tất thủ tục giải ngân, nhưng trong văn bản hỏa tốc gửi tới Thủ tướng về tạm ứng vốn cho dự án này hồi đầu tháng 4, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết chưa thể giải ngân vốn do dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về điều chỉnh tổng mức đầu tư, đồng thời chưa xác định rõ được giá trị vay lại hoặc cấp phát vốn vay nước ngoài từ ngân sách trung ương. Về kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho tạm ứng từ ngân sách trung ương 2.158,5 tỉ đồng của TP.HCM, bộ này cho rằng nếu cho phép tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên ứng trước vốn vay nước ngoài sẽ không đúng luật Ngân sách nhà nước do chưa có cơ sở khẳng định khả năng bố trí vốn năm sau cho dự án.
Thực tế lâu nay, các công trình giao thông lớn ở TP.HCM đều do Bộ GTVT quản lý, TP muốn làm cũng không đơn giản. Đơn cử như dự án đường vành đai 3, vành đai 4 do Bộ GTVT chủ trì, việc triển khai các đoạn đều chậm tiến độ. Sốt sắng muốn sớm xây dựng đường vành đai 3, từ tháng 11 năm ngoái, UBND TP đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ duyệt cơ chế đầu tư, trong đó có quyết định cho phép TP.HCM áp dụng cơ chế đặc thù để ứng trước vốn giải phóng mặt bằng. TP.HCM cũng muốn xin luôn cơ chế này cho đường vành đai 4, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Theo TS Vũ Anh Tuấn: “Ngay cả TP.HCM dù đã được trao cơ chế đặc thù hơn 1 năm rồi nhưng nhiều dự án thuộc nhóm A trung ương đang duyệt thì TP cũng không được “đụng vào”. Chờ Bộ làm thì chậm, chủ động xin làm thì vướng cơ chế, các dự án cứ mãi nghẽn trong vòng luẩn quẩn này”.
|
Mai Hà