Vietstock - Những “trụ cột” tăng trưởng năm 2023
Xuất khẩu, công nghiệp chế biến, chế tạo, đầu tư công, năng suất lao động và chuyển đổi số… là những “trụ cột” thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2023.
Trụ cột cơ bản cho phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 là xuất khẩu. Ảnh minh hoạ: Internet
|
Thứ nhất, trụ cột cơ bản cho phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 là xuất khẩu. Bởi Việt Nam có độ mở nền kinh tế hơn 200% GDP. Năm 2022 tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt trên 700 tỷ USD, điều này cho thấy khả năng tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế sẽ phụ thuộc rất lớn vào xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Như chúng ta đã biết, hiện nay nền kinh tế thế giới đang bị chững lại và tăng trưởng chậm hơn. Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, năm 2023 có thể chỉ tăng trưởng 2,2-2,3%.
Từ đó làm cho nhu cầu nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, phụ kiện sản xuất kinh doanh của những nền kinh tế lớn trên thế giới mà Việt Nam xuất khẩu có thể bị giảm xuống. Như vậy, hoạt động xuất nhập khẩu của chúng ta sẽ gặp thử thách rất lớn do tăng trưởng bị chậm lại, cùng với lạm phát cao.
Trong khi có hơn 140 lần ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới nâng lãi suất đồng tiền để ứng phó với lạm phát. Điều này làm cho chi phí sản xuất, chi phí vốn, giá nguyên vật liệu tăng cao, dẫn đến thu nhập của người dân giảm đi.
Tình trạng thất nghiệp trên thế giới gia tăng, tiêu dùng và nhập khẩu của các nước cũng suy giảm. Xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2023 được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù đây là trụ cột chính.
Để giải quyết được vấn đề này, chúng ta phải nắm vững được thị trường truyền thống, để từ đó xem xét mức tăng, giảm yêu cầu chủng loại mẫu mã hàng hoá nhằm tăng thêm sức hút hàng hoá xuất khẩu ở những thị trường truyền thống.
Các doanh nghiệp phải phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tìm cách mở rộng và đa dạng hoá thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tăng tính cạnh tranh.
Mở rộng và đa dạng hoá các thị trường xuất khẩu là một trong những cách thức để đẩy mạnh xuất khẩu. Từ đó tăng khả năng cạnh tranh cũng như sức phát triển của nền kinh tế trong năm 2023.
Thứ hai, công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành công nghiệp. Trong đó, công nghiệp điện tử, linh phụ kiện điện tử là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam trong năm 2022 là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, đồng thời cũng đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước.
Mở rộng và đa dạng hoá các thị trường xuất khẩu là một trong những cách thức để đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh minh hoạ: Internet
|
Tuy nhiên, khả năng hội tụ và tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 với thời gian trước khi bị Covid-19 không cao. Như vậy, chúng ta đang có tiềm năng để tăng trưởng và phát triển lĩnh vực công nghiệp. Từ đó, làm “đà” cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng như tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế đất nước.
Thứ ba, lĩnh vực đầu tư công. Năm 2023 sẽ có một khoản đầu tư cao hơn năm 2022 khoảng 7%-8%. Nhưng cũng như năm 2022, năm 2023 còn có một “gói” đầu tư công rất lớn từ chương trình hồi phục, tăng trưởng và phát triển kinh tế trong hai năm 2022-2023.
Do đó, nếu không đẩy mạnh đầu tư công ngày từ những tháng đầu, quý đầu của năm 2023 thì lại như các năm trước, là không giải ngân được 100% vốn. Khi đó, lại xảy ra tình trạng lãng phí, sử dụng không hiệu quả vốn đầu tư bởi tư duy “đầu năm đủng đỉnh, cuối vội vàng”.
Như vậy, việc xem xét tăng cường giải ngân vốn đầu tư công cũng là một trong các yếu tố quan trọng góp phần tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng của nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế quốc dân, giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng cũng như các ách tắc trong nền kinh tế thời gian tới.
Thứ tư, năng suất lao động và chuyển đổi số. Thực hiện liên thông số hoá giữa các lĩnh vực trong nền kinh tế. Hoạt động chuyển đổi số thời gian qua đã có bước phát triển và tạo ra được hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, huy động vốn, tiết kiệm thời gian cho xã hội.
Tuy nhiên, tăng trưởng và phát triển chuyển đổi số chưa tương xứng tiềm năng, mong muốn của các cơ quan quản lý cũng như của nền kinh tế. Vì vậy, đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh.
Thực tế, trong những năm qua năng suất lao động của chúng ta tăng trưởng chậm. Trong khi, đây là yếu tố quyết định nếu chúng ta muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Do đó, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số cần thúc đẩy nhanh hơn, đồng thời gắn liền với ứng dụng công nghệ cao và nâng cao năng suất lao động trong nền kinh tế quốc dân.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh