Vietstock - Giá đất tăng, hộ tái định cư 'nợ chồng nợ'
Quyết định tăng giá đất mới của UBND TP.Đà Nẵng đã khiến hàng ngàn hộ dân nợ tiền đất tái định cư lâm cảnh nợ chồng nợ.
Người dân nợ tiền đất tái định cư tập trung tại Ban Tiếp dân TP.Đà Nẵng để gửi đơn cứu xét. ẢNH: S.X
|
Trả gấp 5 - 6 lần so với nợ gốc
Lỗi ở công tác tuyên truyền ? Vấn đề nảy sinh là thời điểm ban hành Quyết định 06 đúng vào ngày 31.1 (tức 26 tháng chạp âm lịch), thời điểm có hiệu lực là ngày 11.2 (mùng 7 tháng giêng âm lịch) đang bị nhiều hộ TĐC than phiền là có sự bỡ ngỡ, gây thiệt hại nặng nề. Theo bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng, về mặt pháp lý các văn bản của UBND TP ban hành đúng luật, có điều công tác tuyên truyền cho người dân hiểu chưa sâu rộng, lại có hiệu lực ngay kỳ nghỉ tết. “Nếu tuyên truyền trước 1 - 2 tháng để người dân đi nộp thì đỡ thiệt hại cho dân hơn”, bà Hoa nói. Nguyễn Tú |
Ngày 11.2 vừa qua, Quyết định 06/2019/QĐ-UBND (gọi tắt là Quyết định 06) về sửa đổi, bổ sung quy định một số điều của quy định giá các loại đất năm 2019 do UBND TP.Đà Nẵng ban hành chính thức có hiệu lực.
Theo đó, giá đất ở được công bố áp dụng đã khiến hàng ngàn hộ dân nợ tiền đất tái định cư (TĐC) phải trả nợ gấp 5 - 6 lần so với nợ gốc.
Bà L.T.T.V (trú tại P.Mân Thái, Q.Sơn Trà) từng thuộc diện giải tỏa và được cấp 1 lô đất tại khu dân cư Đại Địa Bảo hồi năm 2007. Bà được ghi nợ trong 10 năm không lãi suất, nếu nợ quá hạn sẽ tính lãi theo ngân hàng.
Ngày 21.2, bà V. đến nộp số tiền nợ còn lại thì được thông báo trả theo giá trị đất thực tế tại thời điểm áp dụng Quyết định 06 nên số tiền phải trả đã tăng vọt, gấp 5 lần so với dự tính.
Dù sao bà V. cũng đã trả bớt nợ từ trước, trong khi nhiều người trả "chậm" hiện đang ôm khối nợ tiền tỉ như trường hợp ông V.D (trú tại P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà). Ông D. từng được xác định phải nộp 360 triệu đồng cho lô đất TĐC, nhưng khi Quyết định 06 có hiệu lực, số tiền phải nộp lên đến 1,7 tỉ đồng.
Nhiều trường hợp khác ghi nợ tiền đất TĐC cũng phải trả số tiền gấp 5 lần so với trước khi có quyết định.
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh văn phòng UBND Q.Sơn Trà, địa phương có số hộ dân nợ tiền đất quá hạn nhiều nhất so với các quận khác của TP, với hơn 1.000 hồ sơ, kể từ ngày Quyết định 06 có hiệu lực, ngày nào người dân cũng đến quận phản ánh.
“Quận cũng đã giải thích phải thực hiện theo quy định, chính sách mới của nhà nước. Thực tế, người dân còn nhiều khó khăn và cũng chưa trả được nợ. Hiện quận chờ ý kiến chỉ đạo của TP”, ông Hùng nói.
Theo số liệu báo cáo của Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Đà Nẵng, tính đến ngày 31.1, tổng số hộ nợ tiền đất TĐC là 6.958 hộ, số tiền hơn 866,5 tỉ đồng.
Chờ tháo gỡ
Đề nghị gia hạn áp dụng mức giá mới Tháng 8.2017, ông Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị gia hạn áp dụng mức giá mới cho người dân TĐC về việc nợ tiền đất. Theo đó, kiến nghị đối với các hộ thuộc diện giải tỏa trước ngày 1.3.2018 hiện còn nợ tiền sử dụng đất thì được trả nợ theo số nợ đã ghi. Sau ngày 1.3.2018, những hộ chưa nộp sẽ phải trả theo giá quy định tại thời điểm trả nợ. Việc xác định số nợ tiền phải trả như sau: Đối với các trường hợp đã ghi nợ tiền trước ngày 1.7.2007 thì số tiền phải trả bằng cách quy đổi số nợ đã ghi theo giá vàng thời điểm 1.7.2007 (1,26 triệu đồng/chỉ). Đối với các trường hợp ghi nợ từ ngày 1.7.2007 trở đi thì số tiền phải trả là số tiền đã ghi nợ. Hoàng Sơn - Nguyễn Tú |
Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng, việc ban hành giá đất mới là đúng quy định và đúng thời điểm.
Theo quy định, phải điều chỉnh giá đất “khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên”.
Đối với TP.Đà Nẵng, giá đất trước đây được thực hiện theo Quyết định 46/2016/QĐ-UBND (áp dụng kể từ ngày 1.1.2017). Qua 2 năm áp dụng, giá giao dịch phổ biến trên thị trường bất động sản tại TP có nhiều biến động; thậm chí một số khu vực biến động rất lớn.
Đối với việc người dân nợ tiền đất TĐC phản ánh giá đất mới quá cao, không đủ tiền để nộp, ông Hùng cho hay theo quy định tại khoản 1 điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, đối với hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền đất thì phải trả nợ dần, tối đa là 5 năm. Sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền đất, phải nộp tiền đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ (giá đất hiện hành).
“Những người dân nợ tiền đất TĐC đã có chính sách cho giãn nợ và nộp tiền trong 5 năm, thậm chí TP cho nợ đến 10 năm. Người dân biết thời hạn nào là hết hoặc còn hạn. Hiện TP có hơn 7.000 hộ dân nợ tiền đất TĐC, có nhiều người vẫn còn hạn nộp chu kỳ 5 năm thì vẫn áp dụng giá đất cũ, trừ những hộ dân quá hạn phải nộp theo giá đất mới.
Có những hộ đã quá hạn từ 5 - 7 năm thì phải chấp hành”, ông Hùng nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết: “Việc dân nợ tiền đất đã có nhiều văn bản báo cáo xin ý kiến Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được giải quyết. Còn việc ban hành giá đất thì phải làm theo quy định, áp dụng chung cho cả TP”.
Hoàng Sơn