[Bài cập nhật]
Vietstock - Lo ngại về quyết định của Donald Trump, dầu lao dốc hơn 3% và rớt mốc 47 USD
Giá dầu Brent sụt hơn 3% và rớt mốc 50 USD/thùng vào ngày thứ Sáu, chuẩn bị ghi nhận 2 tuần sụt giảm liên tiếp, do nhà đầu tư lo ngại quyết định rút Mỹ ra khỏi hiệp định biến đổi khí hậu Paris có thể đẩy mạnh hoạt động khoan dầu tại Mỹ, đồng thời tình hình dư cung toàn cầu, CNBC cho hay.
Nguồn: CNBC
|
Tính đến lúc 17h30 (giờ Việt Nam), các hợp đồng dầu WTI tương lai sụt 3.1% xuống mức 46.86 USD/thùng.
Còn các hợp đồng dầu Brent tương lai lao dốc 3.1% xuống mức 49.06 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng này chuẩn bị ghi nhận mức sụt giảm gần 5% trong tuần qua.
15h: Dầu sụt gần 2% sau quyết định rút Mỹ khỏi hiệp định Paris của Donald Trump
Giá dầu hạ gần 2% vào đầu phiên ngày thứ Sáu khi nhà đầu tư lo lắng quyết định rút Mỹ khỏi hiệp định về biến đổi khí hậu Paris của Tổng thống Donald Trump có thể thúc đẩy hoạt động khoan dầu ở Mỹ, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung toàn cầu, CNBC cho hay.
Nguồn: CNBC
|
Tính tới lúc 15h (giờ Việt Nam), các hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI lùi 2.01% xuống 47.39 USD/thùng.
Còn các hợp đồng dầu Brent giảm 1.82% và rớt mốc 50 USD/thùng xuống 49.71 USD/thùng.
Các thị trường hàng hóa vừa tiếp nhận thông tin Donald Trump sẽ rút Mỹ ra khỏi hiệp định biến động khí hậu Paris – vốn được ký kết trong năm 2015, một động thái nhằm hoàn tất cam kết trong chiến dịch tranh cử Tổng thống nhưng lại gây phẫn nộ từ các đồng minh của Mỹ.
“Điều này có thể dẫn tới việc khoan dầu thoải mái đối với tất cả các nhà sản xuất dầu ở Mỹ, và cũng có thể các bên ký kết sẽ lơ là.
Jeffrey Halley, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho hay: “Quyết định này sẽ làm gia tăng nguồn cung từ phía Mỹ và gây phức tạp cho các dự báo của OPEC. Một kịch bản sẽ không có lợi cho giá dầu”.
Sự gia tăng sản lượng của Mỹ đã gây căng thẳng cho các thành viên OPEC – vốn đang nỗ lực cắt giảm sản lượng để xoa dịu tình trạng dư cung toàn cầu và hỗ trợ giá dầu.
Vào ngày 25/05, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất khác đã gặp gỡ ở Vienna để gia hạn thỏa thuận cắt giảm 1.8 triệu thùng/ngày thêm 9 tháng nữa.
Đối mặt với nỗi ám ảnh về tình trạng dư cung toàn cầu, OPEC cũng bàn luận về việc gia tăng mức độ cắt giảm thêm 1-1.5%, và có thể xem xét lại đề xuất nếu dự trữ vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, các thị trường dầu đã được hỗ trợ sau khi dữ liệu chính thức cho thấy dự trữ dầu tại Mỹ – quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới – giảm mạnh trong tuần trước khi hoạt động lọc và xuất khẩu dầu tăng lên mức kỷ lục.
Cụ thể, nguồn cung dầu thô của Mỹ giảm xuống 6.4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 26/05/2017, mạnh hơn dự báo giảm 2.5 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Trong khi đó, sản lượng dầu tại Mỹ tiến lên 9.34 triệu thùng/ngày trong tuần trước, tức tăng 500,000 thùng/ngày so với thời điểm 1 năm về trước.
“Chúng ta có thể hoặc không chứng kiến thêm sự sụt giảm lớn trong nguồn cung dầu của Mỹ nữa. Tuy nhiên, sản lượng từ Mỹ đang dần dần trung hòa các tác động từ thỏa thuận cắt giảm sản lương (do OPEC dẫn dắt)”, Sukrit Vijayakar, Trưởng bộ phận tham vấn năng lượng Trifecta, cho hay.
Sự gia tăng sản lượng từ Nigeria và Libya cũng phá hoại nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và các nhà sản xuất khác. Được biết, Nigeria và Libya được miễn tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng.