Nhiều tín hiệu tích cực cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra có thể phục hồi vào năm 2024 theo các thông tin được công bố mới đây của VASEP. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 ước đạt 9,2 tỷ USD, đạt 92% so kế hoạch (10 tỷ USD). Trong đó, tập trung vào các nhóm hàng chính như: Xuất khẩu tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD.
Năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu thận trọng, với tổng sản lượng thủy sản đạt 9,22 triệu tấn, tương đương thực hiện năm 2023; kim ngạch đạt 9,5 tỷ USD, tăng nhẹ 3% so với 2023. Trong đó, ngành cá tra đề ra mục tiêu có kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.
VASEP đánh giá, dù giảm thị phần tại một số thị trường nhưng xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn ở một số thị trường Trung Quốc, Mexico, Canada, Brazil, Anh… "Ngoài sản phẩm chủ lực là cá tra phi lê thì các sản phẩm phụ như bong bóng cá tra khô, chả cá tra đang được nhiều thị trường quan tâm như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore", bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết.
Ngoài ra, tồn kho cá tra tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU không còn là vấn đề. Giá xuất khẩu sẽ tăng trở lại ở các thị trường.
Bà Trần Thị Hoàng Thư, Giám đốc Khối kinh doanh CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: HM:VHC) đánh giá, dù thị trường ngành hàng thuỷ sản nói chung và cá tra nói riêng năm nay gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, thời điểm hiện nay đang có một số tín hiệu tích cực về mặt thị trường cho năm 2024.
Cụ thể, theo bà Thư, khách hàng từ các thị trường nhập khẩu đang quan tâm nhiều hơn đối với sản phẩm cá tra. Đặc biệt, tháng 11/2023, EU thông qua quy định mới khiến cá minh thái và cá tuyết có xuất xứ từ Nga bị áp thuế 13,7% chứ không được tiếp tục hưởng ưu đãi thuế 0% nữa.
Cùng với đó, thị trường Mỹ cũng đang xem xét đạo luật cấm hoàn toàn cá thịt trắng và thủy sản có nguồn gốc từ Nga nhập khẩu vào Mỹ. Đây là cơ hội cho xuất khẩu cá tra Việt Nam. Với kết quả đánh giá tốt về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm cho cá tra Việt Nam của Cơ quan kiểm dịch và an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong đợt thanh tra vừa qua, cùng với mức thuế thấp trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 19 (dù mới sơ bộ) cũng đặt nhiều hy vọng cho doanh nghiệp cá tra thâm nhập thị trường Mỹ vào năm 2024.
Nhập khẩu thủy sản của 5 thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới năm 2022 – 2023. Nguồn: ITC, Cơ quan Hải quan Trung Quốc, Cơ quan Hải quan Hàn Quốc. |
Việt Nam là nước cung cấp thủy sản lớn thứ 6 cho Mỹ, sau Canada, Chile, Ấn Độ, Indonesia, Ecuado. Đáng chú ý, tháng 10/2023, Mỹ tăng mạnh nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, tăng 138% về lượng và tăng 24,76% về trị giá so với tháng 10/2022, đạt 46,9 nghìn tấn, trị giá 188,13 triệu USD.
Ngoài một số thị trường lớn và truyền thống, mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã phối hợp với hệ thống siêu thị Carrefour tổ chức hoạt động giới thiệu và quảng bá phi lê cá tra, basa tại đại siêu thị Carrefour thuộc Trung tâm thương mại City Center ở Thủ đô Algeria. Mặc dù có bờ biển dài hơn 1.000km và bắt đầu nuôi cá biển, nhưng Algeria mỗi năm vẫn phải nhập khẩu khoảng 30.000 tấn thủy hải sản các loại, chủ yếu là cá phi lê, với trị giá khoảng 100 triệu USD/năm.
Cá tra, basa phi lê đông lạnh của Việt Nam đã thâm nhập được vào thị trường này với giá bán tại các cửa hàng, chợ và siêu thị dao động từ 7,5-13,8 USD/kg. Các khách hàng địa phương sau khi dùng thử các sản phẩm Việt Nam đều có cảm nhận tốt và đánh giá cao hương vị cũng như chất lượng sản phẩm.
>> 'Chậm nhưng chắc', ngành thủy sản sẽ hồi phục vào nửa cuối năm 2024