Vietstock - Nỗi sợ lợi suất tan biến, Dow Jones tăng hơn 665 điểm
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong ngày thứ Hai (01/03) khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ rút khỏi mức đỉnh tuần trước, xoa dịu nỗi lo sợ về lạm phát và lãi suất cao hơn.
Tính tới lúc 22h ngày thứ Hai (01/03 – giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones tăng 665.72 điểm (tương đương 2.15%), dẫn đầu là cổ phiếu Boeing với mức leo dốc 6.7%. S&P 500 tăng 2.03% khi tất cả 11 lĩnh vực ngập trong sắc xanh. Nasdaq Composite – chỉ số nặng về công nghệ và bị tác động cực mạnh trong tuần trước – nay tăng 2.03%.
Nguồn: CNBC
|
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm về 1.408% trong ngày 01/03, giảm 4.8 điểm cơ bản so với ngày 26/02 và giảm từ mức đỉnh gần đây 1.6% trong ngày 25/02. Đà tăng đột ngột của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã chấm dứt đà tăng của thị trường chứng khoán trong tuần trước khi lãi suất ngày càng tăng có thể làm giảm tính hấp dẫn của cổ phiếu và gây áp lực lên định giá cổ phiếu bằng cách giảm bớt giá trị của dòng tiền tương lai.
Hầu hết cổ phiếu đều tăng mạnh trong ngày 01/03 với chỉ 8 cổ phiếu giảm giá trong chỉ số S&P 500. Trên sàn NYSE, cứ mỗi 12 cổ phiếu thì chỉ có 1 cổ phiếu giảm. Các cổ phiếu phụ thuộc vào sự tái mở cửa nền kinh tế như Carnival và American Airlines tăng ít nhất 3% giữa lúc lạc quan về vắc-xin và việc tái khởi động nền kinh tế. Trong khi đó, cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao có thành tích vượt trội khi lợi suất trái phiếu giảm. Cổ phiếu Apple (NASDAQ:AAPL) và Tesla đồng loạt tăng 3%.
“Nhà đầu tư cổ phiếu vẫn xem xét đà tăng của lợi suất trái phiếu như ‘một yếu tố tích cực’ và chưa xem nó như mối đe dọa tới thị trường, mặc dù đã có một vài cổ phiếu định giá cao đã biến động mạnh trong tuần trước”, Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, cho hay. “Lợi ích của vắc-xin và thách thức từ lãi suất sẽ là chủ đề của năm nay”.
Tuần trước, Dow Jones và S&P 500 mất tương ứng 1.7% và 2.5%. Chỉ số Nasdaq rớt hơn 4% sau khi ghi nhận phiên bán tháo tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2020 trong ngày 25/02. Nhóm công ty công nghệ phụ thuộc vào khả năng vay nợ trong môi trường lãi suất thấp để đầu tư vào tăng trưởng tương lai.
Góp phần thúc đẩy tâm lý lạc quan về vắc-xin, ban cố vấn thuộc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh dịch (CDC) đồng loạt nhất trí sử dụng vắc-xin Covid-19 của Johnson & Johnson cho những người từ 18 tuổi trở lên. Vắc-xin này chỉ cần tiêm 1 liều. Johnson & Johnson dự kiến vận chuyển 4 triệu liều vắc-xin trong giai đoạn đầu.
Hạ viện Mỹ thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1,900 tỷ USD
Theo Reuters, Hạ viện Mỹ vừa thông qua gói cứu trợ 1,900 tỷ USD và gửi lên để Thượng viện xem xét. việc Hạ viện thông qua dự luật này không có gì bất ngờ do Đảng Dân chủ chiếm đa số với 221 ghế so với 211 ghế của Đảng Cộng hòa tại cơ quan này. Tuy nhiên, họ sẽ gặp khó khăn trong vấn đề tăng lương tối thiểu, một nội dung trong dự luật.
Dự luật đã được trình lên Thượng viện và dự kiến sẽ được thông qua nhờ lá phiếu của Phó tổng thống Kamala Harris do mỗi đảng đều có 50 thượng nghị sĩ và đang đối đầu nhau gay gắt về quan điểm chi tiêu.
Phía Đảng Dân chủ cho rằng gói cứu trợ này là cần thiết để đẩy lùi đại dịch, vốn đã làm hơn 500,000 người Mỹ thiệt mạng và khiến hàng triệu người khác mất việc làm. Họ mong muốn dự luật được thông qua trước thời điểm giữa tháng 3-2021, thời điểm gói trợ cấp thất nghiệp tăng cường và một số khoản hỗ trợ khác hết hạn.
Trong khi đó, Đảng Cộng hòa cho rằng nhiều mục trong gói cứu trợ hiện tại là không cần thiết và sẽ làm nợ công Mỹ vượt mức kiểm soát. Họ chỉ ra chỉ có 9% của tổng số tiền là trực tiếp chống lại virus corona. Thông qua gói cứu trợ này, các nghị sĩ Cộng hòa cho rằng chẳng khác gì vung tiền qua cửa sổ.
Trong đó, có đến 1,400 tỷ USD dùng để chi trả trực tiếp cho người dân. Những người bị mất việc làm sẽ nhận được một khoản trợ cấp thất nghiệp từ liên bang trị giá 400 USD/tuần đến ngày 29/08, ngoài ra còn có tiền hỗ trợ trả tiền thuê nhà hoặc tiền mua nhà trả góp cho những gia đình mất khả năng chi trả.
Vũ Hạo (Theo CNBC)