Vietstock - Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông nhuốm sắc đỏ
Các thị trường chứng khoán châu Á rơi vào trạng thái trái chiều vào ngày thứ Năm (11/04) giữa lúc xuất hiện hàng loạt diễn biến địa chính trị, bao gồm cả việc các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đồng ý gia hạn Brexit cho tới ngày 31/10/2019.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Năm (11/04), thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục suy giảm mạnh, trong đó chỉ số Shanghai Composite giảm 1.6% xuống 3,189.96 điểm và Shenzhen Component lùi 2.65% xuống 10,158.40 điểm. Shenzhen Composite sụt 2.187% xuống 1,740.37 điểm.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc khép phiên ngày 11/04/2019
Nguồn: CNBC
|
Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 280.11 điểm (tương đương 0.93%) xuống 29,839.45 điểm khi cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent tăng hơn 1% sau và trước đó có lúc vượt ngưỡng 400 HKD/cp lần đầu tiên kể từ tháng 6/2018.
Chứng khoán Trung Quốc diễn biến tiêu cực sau khi số liệu lạm phát tháng 3/2019 trùng khớp với kỳ vọng của các chuyên gia.
“Chúng tôi tiếp tục dự báo chỉ số CPI Trung Quốc sẽ là 2.1% trong năm 2019. Thế nhưng, chúng tôi thừa nhận các khả năng đi lên của lạm phát tiêu dùng, vì giá heo có thể tăng thêm vì thiếu thịt heo”, Kevin Xie, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Commonwealth Bank (Australia), cho biết trong một báo cáo.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi gần như đi ngang ở mức 2,224.44 điểm.
Trên thị trường Australia, chỉ số ASX 200 giảm 24.80 điểm (tương đương 0.4%). Trong ngày thứ Năm (11/04), Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào ngày 18/05/2019.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 quay đầu tăng 0.11% lên 21,711.38 điểm, khi cổ phiếu của công ty sản xuất robot và chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung, Fanuc tăng 0.51%. Trong khi đó, chỉ số Topix lùi nhẹ xuống 1,606.52 điểm.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á giảm 0.49% xuống 541.20 điểm vào lúc 12h14 giờ HK/SIN.
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, Mỹ và Trung Quốc đã có bước tiến mới về thỏa thuận thương mại, trong đó bao gồm cả việc giải quyết được một vấn đề vô cùng quan trọng – cơ chế triển khai thỏa thuận.
“Chúng tôi đã nhất trí phần lớn về cơ chế triển khai thỏa thuận. Chúng tôi đồng ý rằng cả hai bên sẽ thiết lập các phòng triển khai và những phòng này sẽ đối phó với các vấn đề đang diễn ra. Đây là một điều gì đó mà cả hai bên đang đón nhận rất nghiêm túc”, ông Mnuchin nói với Sara Eisen trên CNBC trong ngày thứ Tư (10/04). “Chúng tôi thật sự tập trung vào việc thi hành văn bản thỏa thuận”.
Ở châu Âu, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ Anh đã đồng ý việc “gia hạn linh hoạt” cho Brexit đến ngày 31/10/2019.
Donald Tusk, Chủ tịch của Hội đồng châu Âu (EC), nói rằng động thái này đã “gia hạn cho nước Anh thêm 6 tháng nữa để họ có thể tìm ra giải pháp tốt nhất”.
Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của EU được tổ chức sau khi Thủ tướng Anh Theresa May yêu cầu được kéo dài thời hạn Brexit lần thứ hai. Tính đến thời điểm này, các nhà làm luật Anh đã ba lần từ chối bản thỏa thuận mà bà May đưa ra, đồng thời cũng không tìm ra được giải pháp thay thế nào đạt được đa số phiếu bầu.
Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, đã có lời cảnh báo gửi tới nước Anh vào ngày thứ Năm (11/04) rằng đừng lãng phí khoảng thời gian mà Anh vừa được đồng ý gia hạn để có thể rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
“Đừng lãng phí khoảng thời gian này”, ông Tusk cho biết trong một buổi họp báo sau cuộc họp kéo dài 8 giờ với các lãnh đạo EU.
“Khoảng thời gian được gia hạn này đủ linh hoạt nhưng lại ngắn hơn một chút so với những gì tôi kỳ vọng, nhưng bao nhiêu đó thời gian vẫn đủ để Anh tìm ra được giải pháp tốt nhất có thể”, ông Tusk nói.
“Thị trường tài chính có thể thở phào nhẹ nhõm đôi chút nhờ thỏa thuận gia hạn Brexit cho tới ngày 31/10/2019”, các chuyên viên phân tích tại OCBC Treasury Research viết trong báo cáo buổi sáng.
Đồng Bảng Anh được “sang tay” ở mức 1.3085 USD sau tuyên bố trên.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng trở nên “bồ câu”, giữ nguyên lãi suất khi Chủ tịch Mario Draghi cảnh báo về các rủi ro suy giảm vì tăng trưởng chậm hơn ở khu vực đồng Euro (Eurozone). Tháng trước, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất và dự báo không nâng lãi suất trong năm nay.
Thế nhưng, biên bản họp tháng 3/2019 của Fed được công bố trong ngày thứ Tư (10/04) cho thấy các quan chức Fed đang để ngỏ khả năng nâng lãi suất trong năm 2019 nếu nền kinh tế cải thiện mạnh, nhưng hiện không kỳ vọng sẽ thực hiện bất kỳ thay đổi nào.
Vũ Hạo (Theo CNBC)