Vietstock - Lo ngại về lợi nhuận doanh nghiệp, Dow Jones giảm tiếp hơn 150 điểm
Chứng khoán Mỹ giảm ngày thứ hai liên tiếp trong ngày thứ Ba (09/04) khi nhà đầu tư đợi chờ mùa báo cáo lợi nhuận bắt đầu sau đó trong tuần này.
Tính tới lúc 22h ngày thứ Ba (09/04), chỉ số Dow Jones giảm 156.13 điểm (tương đương 0.59%) khi cổ phiếu Boeing lại chịu áp lực vì nỗi lo về hoạt động sản xuất máy bay 737 Max – loại máy bay có liên quan tới hai tai nạn chết người trong hơn 5 tháng qua. Chỉ số S&P 500 giảm 0.43%, dẫn đầu là đà lao dốc của nhóm cổ phiếu công nghiệp, năng lượng và tài chính. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 0.19%.
Tâm điểm thị trường tập trung vào mùa báo cáo lợi nhuận quý 1/2019, trong đó nhóm ngân hàng Mỹ sẽ khởi đầu mùa báo cáo lợi nhuận kỳ này. J.P. Morgan Chase và Wells Fargosẽ công bố báo cáo tài chính trong ngày thứ Sáu (12/04), trong khi Citigroup và BlackRock công bố vào tuần tới.
Ngoài ra, Bank of America – vốn cũng sẽ công bố báo cáo lợi nhuận vào tuần tới – cho biết trong ngày thứ Ba (09/04) rằng họ sẽ nâng mức lương tối thiểu cho nhân viên lên 20 USD mỗi giờ làm việc. Tiền lương tối thiểu tại Ngân hàng này sẽ được nâng lên 17 USD/giờ từ ngày 01/05/2019 và sẽ nâng lên mức 20 USD/giờ trong vòng 2 năm tới.
Các cổ phiếu Bank of America, Goldman Sachs, J.P. Morgan và Morgan Stanley đều giảm ít nhất 0.5%.
Mùa báo cáo lợi nhuận
Kỳ vọng của Phố Wall cho mùa báo cáo lợi nhuận lần này cho thấy sự suy giảm đáng kể về tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp so với các quý gần đây.
Nhà đầu tư dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 sẽ giảm 4.3% so với cùng kỳ năm trước, dựa trên ước tính của FactSet. Nếu dự báo này là đúng thì đây sẽ là quý có tăng trưởng lợi nhuận âm đầu tiên kể từ quý 2/2016. Doanh thu của các công ty thuộc S&P 500 được dự báo tăng trưởng dưới 5%.
Xét về mặt tích cực, cổ phiếu Apple (NASDAQ:AAPL) tăng 1%, chuẩn bị ghi nhận chuỗi leo dốc 10 phiên liên tiếp. Nếu cổ phiếu Apple khép phiên ngày thứ Ba (09/04) trong sắc xanh thì đây sẽ là chuỗi tăng 10 phiên đầu tiên của Apple kể từ năm 2010.
Cổ phiếu của hãng sản xuất máy bay Mỹ Boeing đã giảm 1.3% trong ngày thứ Ba khi nhà đầu tư lo ngại về quyết định giảm sản lượng máy bay 737 Max. Các cơ quan điều hành và những bên có liên quan đang rà soát kỹ lưỡng công ty sau khi xuất hiện hai vụ tai nạn chết người có liên quan tới dòng máy bay 737 Max.
Lệnh cấm bay kéo dài đối với dòng 737 Max đã buộc American Airlines phải hạ dự báo doanh thu trong quý tài chính đầu tiên của năm nay.
Cuộc đàm phán thương mại với EU
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lại dâng cao trong ngày thứ Ba (09/04) sau phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các khoản trợ cấp mà EU dành cho Airbus – đối thủ của Boeing. Năm ngoái, WTO cho biết các khoản trợ cấp này “gây ảnh hưởng tiêu cực tới Mỹ”, qua đó khiến Washington cân nhắc áp thêm thuế lên 11 tỷ USD hàng hóa EU.
Thế nhưng, EU liền phản ứng lại rằng họ sẵn sàng đáp trả bằng thuế quan.
Chính quyền Trump cho biết kể từ ngày thứ Hai (08/04), họ sẽ bắt đầu quy trình theo Điều 301 của Luật Thương mại 1974 để “xác định các hàng hóa sẽ chịu áp thuế bổ sung cho đến khi EU loại bỏ các khoản trợ cấp với Airbus”.
Chính quyền Mỹ dọa áp thêm thuế lên khoảng 11 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ EU và hàng rào thuế quan này sẽ được triển khai chỉ sau khi WTO đưa ra quyết định cuối cùng trong mùa hè này, chính quyền Mỹ cho biết.
Mỹ cho biết sẽ áp hàng rào thuế quan theo đạo luật thương mại mà họ từng sử dụng làm lý do để áp thuế lên Trung Quốc trong năm trước.
Trong tuyên bố vào đêm ngày thứ Hai (08/04), Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), cho biết Mỹ đã mất kiên nhẫn với một trong những vụ kiện tụng dài nhất của WTO.
“Vụ này đã được kiện tụng trong 14 năm và đã đến thời điểm hành động”, ông cho biết trong một tuyên bố.
Dù vậy, ông cũng báo hiệu rằng chính quyền Mỹ muốn EU chấm dứt các khoản trợ cấp mà Boeing và Mỹ cho là mang lại cho Airbus lợi thế không công bằng trên thị trường máy bay chở khách cạnh tranh cao.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tiến tới một thỏa thuận với EU để chấm dứt tất cả khoản trợ cấp cho các hãng máy bay dân dụng lớn – vốn không phù hợp với nguyên tắc của WTO”, ông nói. “Khi EU chấm dứt những khoản trợ cấp đó, Mỹ mới gỡ bỏ các hàng rào thuế quan đáp trả”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)