Vietstock - Các nhà đầu tư đổ 4.300 tỷ USD vào các công ty năng lượng hóa thạch trong 2023
Tám trong số 10 nhà đầu tư lớn nhất vào nhiên liệu hóa thạch là ở Mỹ và đứng đầu là nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới Vanguard với 413 tỷ USD, Blackrock với 400 tỷ USD.
Thu nhặt than đá tại một khu mỏ ở ngoại ô Dhanbad, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Số liệu do tổ chức phi chính phủ Urgewald công bố tại Frankfurt ngày 9/7 cho thấy, các nhà đầu tư lớn đã bỏ khoảng 4.300 tỷ USD vào các công ty năng lượng hóa thạch trên toàn thế giới trong năm 2023.
Bà Katrin Ganswindt, đại diện của Urgewald, cảnh báo: “Nếu các nhà đầu tư tổ chức tiếp tục hỗ trợ mở rộng các công ty than, dầu và khí đốt thì việc thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch đúng lúc sẽ là không thể."
Bà yêu cầu: “Các nhà đầu tư phải chấm dứt ngay việc tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây nguy hại."
Tuy nhiên, lời yêu cầu này vấp phải sự chỉ trích trong giới đầu tư. Đại diện của một công ty quản lý tài sản cho rằng yêu cầu rút lui ngay lập tức là không hợp lý vì các công ty cần thời gian để cơ cấu lại mô hình kinh doanh, tuy nhiên ông thừa nhận, một số công ty như Exxon Mobil và Shell vẫn tiếp tục đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.
Theo đánh giá của Urgewald, 8 trong số 10 nhà đầu tư lớn nhất vào nhiên liệu hóa thạch là ở Mỹ. Đứng đầu là nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới Vanguard với 413 tỷ USD và Blackrock với 400 tỷ USD. Các quỹ đầu tư quốc gia của Nhật Bản và Na Uy cũng nằm trong top 10.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng các nhà đầu tư châu Âu ít đầu tư vào các mô hình kinh doanh nhiên liệu hóa thạch hơn các nhà đầu tư Mỹ vì các hướng dẫn đầu tư và chỉ dẫn nội bộ chặt chẽ hơn. Theo họ, áp lực trước tiên phải đến từ các cổ đông mà cho đến nay, áp lực này ở Mỹ quá thấp. Chính vì vậy, các nhà đầu tư Mỹ vẫn nắm giữ nhiều cổ phần trong các công ty nhiên liệu hóa thạch.
Các đại diện của Urgewald coi thị trường vốn lớn nhất thế giới ở Mỹ có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Biến đổi Khí hậu. Các nhà đầu tư tổ chức của Mỹ nắm giữ tổng cộng 2.800 tỷ USD đầu tư vào các công ty nhiên liệu hóa thạch. Nếu số tiền này được chuyển vào các dự án tái tạo, nó có thể có tác động lớn.
Theo Urkraft, số tiền đầu tư lớn vào nhiên liệu hóa thạch cũng cho thấy các cơ quan quản lý của Mỹ cho đến nay đã thất bại trong việc giám sát và giải quyết một cách hiệu quả các rủi ro về khí hậu và chuyển đổi của các nhà đầu tư tổ chức lớn.
Những người hưởng lợi lớn nhất từ khoản đầu tư này cũng là các công ty Mỹ, như Exxon Mobil, Chevron và Conoco-Phillips. Chỉ riêng các khoản đầu tư có tổ chức của Mỹ vào Exxon Mobil đã lên tới 288 tỷ USD năm 2023.
Một chuyên gia cho biết: “Hầu hết các nhà đầu tư Mỹ không bỏ phiếu ủng hộ tính bền vững tại các cuộc họp chung và thường không có chiến lược về khí hậu." Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do khối lượng lớn các quỹ đầu tư chỉ số ở Mỹ. Những quỹ này không tạo áp lực phải hướng tới các mô hình kinh doanh thân thiện với khí hậu vì chúng chỉ phản ánh một chỉ số một cách thuần túy máy móc.
Đây cũng là lý do tại sao Vanguard và Blackrock, với tư cách là nhà cung cấp đầu tư chỉ số lớn nhất thế giới, thường được gọi là quỹ hoán đổi danh mục (ETF), dẫn đầu thị trường với tỷ suất lợi nhuận cao. Những hệ thống đầu tư này ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây.
Một đại diện của Vanguard ở châu Âu cho biết: “Quỹ chỉ số không có quyền lựa chọn bán cổ phiếu của một công ty hoặc tăng hay giảm tỷ lệ nắm giữ trong đó, bất kể quan điểm của chúng ta về quản trị doanh nghiệp của công ty đó như thế nào." Do đó, các nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề bền vững có thể lựa chọn các sản phẩm chỉ số tùy chỉnh./.
Thu Hằng