Vietstock - Thêm Libya và Nigeria vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng có đủ để hỗ trợ giá dầu?
Đề xuất về việc Libya và Nigeria có thể sẽ chấp nhận giới hạn sản lượng dầu thô có lẽ không đủ để thúc đẩy nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) về đúng định hướng đề ra, Bloomberg cho hay.
Trong 2 tháng trước, hai quốc gia châu Phi – vốn được miễn tham gia khỏi thỏa thuận cắt giảm sản lượng vì các xung đột nội bộ – đã tăng sản lượng đủ để xóa sạch đà cắt giảm của Ả-rập Xê-út. Nếu Libya và Nigeria chấp nhận giới hạn sản lượng ở mức mà OPEC mong muốn thì OPEC và các đồng minh vẫn phải điều chỉnh hạn ngạch cắt giảm để bù đắp cho sự gia tăng sản lượng từ 2 quốc gia này, Nordine Ait-Laoussine, Chủ tịch của công ty tư vấn Nalcosa và cựu Bộ trưởng Năng lượng của Algeria, cho hay.
“Sẽ không dễ để nói rằng ‘có lẽ chúng ta chỉ cần đưa Nigeria và Libya vào thỏa thuận và mọi thứ sẽ ổn’”, ông Ait-Laoussine cho biết. Việc thêm vào 2 quốc gia này vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhưng không thay đổi lại mức trần sản lượng cho các thành viên còn lại của thỏa thuận thì chỉ làm khuếch đại vấn đề về tình trạng dư cung mà thôi, ông cho hay.
Nhiều quốc gia thuộc OPEC và các quốc gia khác, như Nga và Oman, sẽ gặp gỡ tại St. Petersburg vào ngày 24/07/2017 để xem xét lại sự thành công của thỏa thuận cắt giảm sản lượng về việc xóa bớt dự trữ toàn cầu và hỗ trợ giá dầu. Kể từ khi các Bộ trưởng Năng lượng các nước gặp gỡ hồi tháng 5/2017, giá dầu đã rơi vào thị trường con gấu khi các nhà phân tích và chuyên viên giao dịch đánh mất niềm tin vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Các nhà quan sát thị trường bao gồm Goldman Sachs Group cho biết cần có các đợt cắt giảm sâu hơn để tái cân bằng thị trường dầu.
Nguồn: Bloomberg
|
Tình huống rắc rối
Thomas Pugh, Chuyên gia kinh tế hàng hóa ở Capital Economics, nhận định thay đổi hạn ngạch đối với các thành phần tham gia thỏa thuận hiện tại sẽ mở ra tình huống đầy rắc rối. OPEC đã xem xét và bác bỏ ý tưởng cắt giảm mạnh hơn trong tháng 5/2017.
Việc phác thảo ra thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã là một nỗ lực rất lớn của các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC. Các cuộc đàm phán về việc cắt giảm sản lượng đã bắt đầu vào thời điểm đầu năm 2016 sau khi giá dầu rơi xuống đáy 12 năm, nhưng vòng thương lượng đầu tiên ở Doha hồi tháng 4/2017 đã thất bại. Sau đó, họ lại tiếp tục đàm phán ở Algiers và một thỏa thuận cắt giảm 1.8 triệu thùng/ngày giữa 11 thành viên từ OPEC và 11 quốc gia bên ngoài đã được ra đời trong tháng 12/2016.
Với việc các đợt cắt giảm sâu hơn hiện không được xem xét tới, OPEC sẽ phải khai thác các cách khác để điều chỉnh thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Họ đã mời Libya và Nigeria vào cuộc họp ở Nga để bàn luận về sự ổn định sản lượng của các quốc gia này, Issam Almarzooq, Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait cho biết ở Istanbul vào ngày 09/07/2017.
Dữ liệu hàng tháng, do Bloomberg tổng hợp, cho thấy Libya và Nigeria đã tăng 440,000 thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6/2017, khi các mỏ dầu ở các quốc gia này bắt đầu hoạt động trở lại. Ả-rập Xê-út, nhà lãnh đạo của OPEC, đã giảm 460,000 thùng/ngày trong năm nay.
Lần đầu tiên trong 4 năm, sản lượng của Libya đã vượt mốc quan trọng 1 triệu thùng/ngày vào đầu tháng này. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn còn nhiều rắc rối về chính trị và sản lượng dầu cũng như kim ngạch xuất khẩu dầu vẫn còn bị tác động nặng nề bởi tình trạng gián đoạn sản lượng.
Sản lượng mong muốn
“OPEC và Nga phải đối mặt với thực tế là đà tăng sản lượng ở các nơi khác đang phá hoại nỗ lực cắt giảm của họ”, Harry Tchilinguirian, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa tại BNP Paribas SA, cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng. Nigeria, Libya và ngành dầu đá phiến Mỹ là những nhân tố cản trở các đợt cắt giảm sản lượng, ông nói thêm.
Ait-Laoussine tỏ ra nghi ngờ rằng liệu Libya hoặc Nigeria sẽ đồng ý với mức giới hạn thấp hơn mức sản lượng mong muốn của họ hay không. Theo ước tính của Ait-Laoussine, nếu 2 quốc gia này đạt mục tiêu tương ứng là 1.25 triệu thùng/ngày và 1.8 triệu thùng/ngày thì sản lượng của OPEC nói chung sẽ gần mức 33 triệu thùng/ngày vào thời điểm cuối năm nay.