Black Friday đã tới! InvestingPro giảm tới 60% OFF! Đừng bỏ lỡ!NHẬN ƯU ĐÃI

5 năm biến động của kinh tế Trung Quốc

Ngày đăng 16:37 19/10/2022
5 năm biến động của kinh tế Trung Quốc

Vietstock - 5 năm biến động của kinh tế Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức đến từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và đại dịch Covid-19 trong suốt 5 năm qua.

Kể từ năm 2013, Bắc Kinh đã cố gắng tái định hình nền kinh tế đất nước. Trong giai đoạn 2013-2018, Trung Quốc tập trung giải quyết các vấn đề trong nước, bao gồm nợ cao, lợi tức dân số ngày càng giảm, tình trạng thừa năng lực công nghiệp và nghèo đói.

Từ năm 2018 tới nay, Bắc Kinh cứng rắn hơn trong tư duy kinh tế khi phải đối diện cuộc chiến thương mại với Mỹ, căng thẳng gia tăng với các nền kinh tế lớn phương Tây và đại dịch Covid-19.

Năm 2020, Trung Quốc chuyển hướng với chiến lược “vòng tuần hoàn kép”, đồng thời tìm cách giảm bất bình đẳng thông qua chiến lược “thịnh vượng chung” và cam kết đưa doanh nghiệp nhà nước (SOEs) “lớn hơn, tốt hơn, mạnh hơn”.

Đối mặt với đại dịch, Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero Covid-19”, khẳng định đây là cách hiệu quả và kinh tế nhất giữa lúc dịch bệnh bùng phát để cứu nhiều mạng sống.

“Trong tương lai, vòng tuần hoàn kép và thịnh vượng chung - nếu được thực hiện theo cách mà Trung Quốc muốn thấy - sẽ có tác động rất lớn”, Taylor Loeb - nhà phân tích của công ty nghiên cứu Trivium China - nhận định với Zing.

Taylor Loeb - nhà phân tích của công ty nghiên cứu Trivium China. Ảnh: LinkedIn.

Ông giải thích rằng vòng tuần hoàn kép sẽ gia tăng sức mạnh thương hiệu trong nước và định hướng lại nền kinh tế theo hướng gia tăng tiêu dùng. Trong khi đó, chính sách thịnh vượng chung tạo ra “sân chơi công bằng” trong nền kinh tế Trung Quốc.

“Yếu tố chính của cả hai sáng kiến ​​là chúng có thể đòi hỏi và thúc đẩy vai trò ngày càng tăng của nhà nước trong nền kinh tế”, ông nói.

Theo nhận định của ông Loeb, trong ngắn hạn, Zero Covid-19 chắc chắn có tác động mạnh nhất trong cả 3 chiến lược nêu trên, vì đây vẫn là trọng tâm chính sách của mọi cấp chính quyền.

Trong khi đó, vòng tuần hoàn kép và thịnh vượng chung là những sáng kiến trọng điểm lâu dài và tương đối trừu tượng, vì vậy “khó có thể nói chính xác những gì (Bắc Kinh) đã đạt được và không đạt được trong hai chính sách này”, ông nhận định. Ngoài ra, việc thúc đẩy tăng cường sự tham gia của nhà nước có thể kéo theo một số tác dụng khác, mặc dù còn quá sớm để đưa ra kết luận chính xác.

Vòng tuần hoàn kép (tháng 5/2020)

Khái niệm “vòng tuần hoàn kép” lần đầu tiên xuất hiện tại Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 5/2020. Vòng tuần hoàn kép nằm trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc cho giai đoạn 2021-2025.

Theo China Daily, “vòng tuần hoàn kép” được định nghĩa là chính sách lấy thị trường trong nước làm trụ cột, đồng thời để "thị trường bên trong và bên ngoài thúc đẩy lẫn nhau".

Tờ báo này dẫn ý kiến các nhà phân tích coi chiến lược này là giải pháp khả thi để Trung Quốc xây dựng khả năng phục hồi trước những cú sốc bên ngoài và chia sẻ cơ hội phát triển với phần còn lại của thế giới.

Chiến lược kinh tế này không chỉ nêu bật cả sự lưu thông trong và ngoài nước, mà còn đánh dấu thay đổi từ mô hình phát triển theo định hướng xuất khẩu hàng chục năm qua của Trung Quốc.

Trung Quốc lựa chọn theo đuổi chiến lược "Zero Covid-19" để chống dịch. Ảnh: New York Times.

Thông điệp cơ bản của "vòng tuần hoàn kép" là về việc tái cân bằng nền kinh tế, chuyển từ nền kinh tế dựa vào xuất khẩu và đầu tư sang hướng tập trung hơn vào nhu cầu trong nước.

Tân Hoa xã nhận định đây là sự tiếp nối các mục tiêu đã nêu của chính phủ Trung Quốc hơn một thập kỷ trước.

Trong thông cáo ban hành sau khi kết thúc Hội nghị toàn thể lần V cuối tháng 10/2020, mô hình vòng tuần hoàn kép cũng được mô tả như phương tiện để xây dựng thị trường nội địa mạnh mẽ nhằm “thúc đẩy toàn diện tiêu dùng và mở ra dư địa mới cho các khoản đầu tư”.

Chiến lược này vốn được thúc đẩy trước đó vào năm 2020 khi quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đi xuống, khiến thị trường nước ngoài trở nên khó đoán với Trung Quốc. Tình thế thay đổi cho thấy kinh tế Trung Quốc sẽ không bền vững nếu tiếp tục dựa vào nhu cầu ở nước ngoài để duy trì hoạt động bộ máy sản xuất khổng lồ.

South China Morning Post nhận định đây thực chất là cách tiếp cận phòng thủ của Bắc Kinh nhằm chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, khi thế giới trải qua những thay đổi địa chính trị và kinh tế đáng kể.

Trong tương lai, tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ ít phụ thuộc hơn vào xuất khẩu, hay lưu thông bên ngoài, nhưng không hoàn toàn từ bỏ thị trường này.

Chìa khóa của “vòng tuần hoàn kép” là khai thác tiềm năng thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng.

Bất chấp những tuyên bố về khả năng tự lực nền kinh tế, ông Tập nhiều lần nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không hoàn toàn khép mình với thế giới, và thay vào đó là mở cửa rộng hơn.

Tuy nhiên, giới chức hy vọng chiến lược này sẽ thúc đẩy Trung Quốc độc lập về công nghệ, đồng thời đưa ra các biện pháp khuyến khích cải thiện sản xuất chất bán dẫn và các công nghệ tiên tiến khác, đặc biệt trong các lĩnh vực có thể bị Mỹ hạn chế.

Thịnh vượng chung (2021)

Theo South China Morning Post, Trung Quốc đang theo đuổi chính sách “thịnh vượng chung” nhằm hướng đến việc phân phối tài sản công bằng hơn.

“Thịnh vượng chung” đề cập tới sự sung túc chia sẻ cho tất cả, về cả vật chất lẫn văn hóa. Khái niệm này đặc biệt nhấn mạnh không chỉ vài người hoặc vùng mới được hưởng sự thịnh vượng này, theo Tân Hoa xã.

Ngoài ra, mục tiêu của chính sách này là cải thiện hạnh phúc của người dân. Khi Trung Quốc nỗ lực thực hiện mục tiêu 100 năm thứ hai, “trọng tâm thúc đẩy hạnh phúc của người dân đồng nghĩa với thúc đẩy thịnh vượng chung”.

Chiến dịch “thịnh vượng chung” đánh dấu sự thay đổi hơn nữa so với mục tiêu theo đuổi tăng trưởng kinh tế nhanh chóng kéo dài hàng thập kỷ, vốn đã đưa hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo nhưng cũng làm gia tăng bất bình đẳng.

Chính sách thịnh vượng chung tạo ra “sân chơi công bằng” trong nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Taylor Loeb - nhà phân tích của công ty nghiên cứu Trivium China

Mục tiêu chính của chiến dịch là cải cách phân bố thu nhập để tầng lớp trung lưu sở hữu phần lớn tài sản của Trung Quốc.

Chiến lược cũng tập trung vào tiêu dùng như một động lực thúc đẩy tăng trưởng, thay vì đầu tư thâm dụng vốn - hoạt động vốn phổ biến trong những thập kỷ trước.

Để đạt được điều đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tạo ra những thay đổi về thuế và các khoản an sinh xã hội thuận lợi với những người có mức thu nhập trung bình, ban hành các chính sách tăng thu nhập cho người nghèo, đồng thời khắc phục những kẽ hở có thể làm phát sinh “thu nhập bất hợp pháp”, theo South China Morning Post.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang được hỗ trợ nhiều hơn. Bắc Kinh đã kêu gọi bảo vệ quyền sở hữu, tái khẳng định rằng đất nước sẽ tiếp tục phát triển cả khu vực tư nhân và nước ngoài, đồng thời giữ quyền sở hữu công là cốt lõi của nền kinh tế.

Chính sách “thịnh vượng chung” nhằm hướng đến việc phân bố tài sản công bằng hơn. Ảnh: Bloomberg.

Song "thịnh vượng chung không chỉ là khái niệm về phát triển xã hội, mà còn là sự thay đổi xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực, thành thị và nông thôn, và thu nhập của người dân", Tân Hoa xã dẫn lời ông Viên Gia Quân - Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang.

Sự thịnh vượng chung cũng khuyến khích “phân bổ từ bên thứ ba”, đề cập đến việc tạo cơ hội cho những người giàu và các công ty lớn đóng góp lại cho xã hội, bao gồm thông qua quà tặng tự nguyện và quyên góp từ thiện.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã phủ nhận chính sách này là kế hoạch “lấy của người giàu để chia cho người nghèo” theo kiểu Robin Hood. Tuy nhiên, động thái siết quy định đối với Big Tech - đặc biệt là cảnh báo chống lại việc làm giàu bằng các phương tiện bất hợp pháp thông qua thị trường vốn - đã làm dấy lên lo ngại về vai trò của kinh tế tư nhân và doanh nhân, qua đó làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư.

Chính sách Zero Covid-19 (2022)

Chính sách Zero Covid-19 đã được giới chức Trung Quốc duy trì trong suốt khoảng thời gian đại dịch hoành hành trên thế giới.

Theo đó, chính quyền địa phương đã và đang áp dụng nhiều hạn chế, chẳng hạn phong tỏa nhiều khu vực khi phát hiện ca mắc mới, khuyến khích người dân ở lại thành phố trong dịp lễ Quốc khánh, và yêu cầu hành khách đi máy bay, tàu hỏa, xe buýt liên tỉnh xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 48 giờ.

Global Times dẫn lời các quan chức y tế cho biết tỷ lệ tiêm phòng ở người cao tuổi tương đối thấp và dịch vụ y tế ở vùng nông thôn chưa đầy đủ là trở ngại cho việc nới lỏng hạn chế.

Bắc Kinh sẽ duy trì chính sách Zero Covid-19 lâu dài sau đại hội đảng.

Ông Taylor Loeb - nhà phân tích của công ty nghiên cứu Trivium China

Trong khi đó ông Chang Jile, phó giám đốc Cơ quan Quản lý Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia của Trung Quốc, cho rằng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát Covid-19 của nước này kinh tế và hiệu quả. Ông cho rằng cần đánh giá chi phí phòng, chống dịch khi xét đến lợi ích kinh tế, dân sinh và sức khỏe của cả nước, theo Global Times.

Song nền kinh tế Trung Quốc vẫn chịu một số ảnh hưởng nhất định từ chính sách này.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vào ngày 27/9, tăng trưởng GDP của Trung Quốc lần đầu thấp hơn các nước láng giềng châu Á kể từ năm 1990.

Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP tại Trung Quốc chỉ đạt 2,8% trong năm 2022, trong khi 23 quốc gia còn lại trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo tăng trưởng trung bình 5,3%, gấp đôi so với năm 2021, theo Guardian.

Về vấn đề này, ông Loeb nhận định “điều quan trọng cần nhớ là nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng vào năm 2020 và là một trong những nền kinh tế hoạt động tốt nhất thế giới vào năm 2021”. Và chính sách Zero Covid-19 đã được áp dụng rất nhiều trong cả hai năm đó.

“(Trung Quốc) có tiền lệ cho thấy tăng trưởng và chính sách kiểm soát dịch chặt chẽ có thể diễn ra đồng thời. Chính sách Zero Covid-19 không nhất thiết phải kéo theo thiệt hại kinh tế, trừ khi nó không được thực hiện một cách hiệu quả”, ông nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng: “Tiêu dùng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng và chính phủ khó có thể đảm bảo ngành công nghiệp tư nhân. Song Bắc Kinh vẫn sẽ duy trì chính sách Zero Covid-19 lâu dài sau đại hội đảng”.

“Mặc dù virus đã thay đổi theo thời gian, chính sách của Trung Quốc vẫn khá nhất quán. Và Zero Covid-19 sẽ tiếp tục trong tương lai gần”, ông Loeb nói.

Phương Linh - Hải Linh

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.