Vietstock - Từng là ngôi sao sáng mang về tỷ suất sinh lợi 67,000%, giờ cổ phiếu Tencent rơi về đâu?
Phải chăng đây là lúc để bắt “dao rơi” lớn nhất trên thị trường chứng khoán toàn cầu, Tencent?
Đối với những ai theo dõi Tencent Holdings Ltd., đây là một câu hỏi ngày càng cấp bách. Làn sóng bán tháo phá vỡ mọi kỷ lục của Tencent chỉ ngày càng “thảm thương” hơn, với cú tụt dốc 6.8% trong ngày thứ Năm (11/10), Tencent đã “bay hơi” 252 tỷ USD vốn hóa – rớt mạnh nhất trên thế giới. Tính tới ngày thứ Năm, cổ phiếu này đã tụt dốc 10 phiên liền, chưa từng có trước đây.
* Tencent bị "đánh bật" ra khỏi top 10 công ty vốn hóa lớn nhất thế giới
Khi nhà đầu tư trên khắp thế giới tranh luận về việc liệu những ngày tháng tươi đẹp nhất đã chấm dứt đối với sự bùng nổ của thị trường cổ phiếu toàn cầu (trong đó dẫn đầu là nhóm cổ phiếu công nghệ), Tencent bỗng trở thành “đối tượng chịu trận”. Tính từ lúc chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trong năm 2004 cho tới tháng 1/2018, cổ phiếu Tencent đã tăng ấn tượng hơn 67,000%, tốt hơn mọi cổ phiếu vốn hóa khác trên thế giới, nhưng rồi sau đó lại tụt dốc không phanh hãm. Đà giảm của cổ phiếu Tencent trong năm nay cũng mạnh hơn bất kỳ cổ phiếu công nghệ nào, từ Tokyo cho tới New York. Một số chuyên gia quản lý quỹ cho rằng vẫn còn quá sớm để bắt đáy.
“Mặc dù đây là một công ty tốt và chúng tôi rõ ràng vẫn thích nó, nhưng tại thời điểm này, nó là đại diện cho mọi thứ mà nhà đầu tư muốn tránh xa”, Virginie Robert, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của Constance Associes có trụ sở ở Paris, cho hay. Được biết, Constance Associes là quỹ công nghệ đã đánh bại 99% quỹ công nghệ khác trong năm nay. Robert – người chỉ nắm giữ tỷ trọng thấp tại Tencent – cho biết, cô sẽ không tăng tỷ trọng cho đến khi công ty làm rõ hơn về triển vọng kinh doanh.
Được lập ra bởi tỷ phú Pony Ma trong năm 1998, Tencent đã "quyến rũ" nhà đầu tư bằng mảng trò chơi trực tuyến “khổng lồ”, hệ thống thanh toán và nền tảng mạng xã hội WeChat. Chính vai trò không thể thiếu của Tencent trong đời sống của hàng trăm triệu người dân Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận bình quân của công ty ở mức 48%/năm trong thập kỷ vừa qua, còn nhanh hơn cả mức 35% của Apple.
Câu hỏi đặt ra hiện này là liệu tăng trưởng của Tencent có bền vững hay không. Điều này một phần là do các lo ngại về kinh tế vĩ mô, bao gồm đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ suy yếu.
Thế nhưng, nỗi lo lớn nhất đối với nhiều nhà quan sát là áp lực quy định từ Bắc Kinh. “Con bò hái ra tiền” của Tencent – mảng game trực tuyến – bỗng trở thành gánh nặng đối với cổ phiếu Tencent sau đợt kiểm soát ngành game của Chính phủ Trung Quốc trong tháng 3/2018. Mảng game trực tuyến – vốn chiếm tới 40% doanh thu của Tencent – giờ lại chìm trong bất ổn. Trung Quốc đã ngừng thông qua các trò chơi mới trong tháng 3/2018 và cũng không cho biết là khi nào thì lệnh cấm sẽ chấm dứt.
Các nhà hoạch định chính sách cũng thắt chặt các ràng buộc đối với lĩnh vực tài chính Internet tăng trưởng nhanh chóng của Tencent với mục tiêu làm giảm bớt rủi ro hệ thống trong một nền kinh tế đang chìm ngập trong nợ. Chính cú sốc về quy định đã buộc các chuyên viên phân tích giảm ước tính lợi nhuận năm 2018 của Tencent bớt 20%, dựa trên dữ liệu từ Bloomberg.
Tencent đang thực hiện các động thái để đa dạng hóa. Công ty tuyên bố tái tổ chức trong tháng này, nâng cao mảng điện toán đám mây lên cùng bậc với mảng trò chơi (gaming) và WeChat. Ngoài ra, họ cũng đầu tư hàng tỷ USD vào các start-up, từ start-up về dịch vụ đặt xe cho tới thương mại điện tử.
* Tencent bơm hàng tỷ USD vào... 300 công ty?
Tencent đã và đang mua lại một lượng nhỏ cổ phiếu. Cụ thể, Công ty đã mua lại lượng cổ phiếu trị giá 108 triệu USD trong giai đoạn 12/09-11/10, hồ sơ pháp lý cho thấy.
Những nhà đầu tư giá lên (bull) tranh luận rằng, các thách thức trong năm nay không hề đe dọa tới vị thế dẫn đầu của Tencent trong các mảng chính và cổ phiếu này của họ sẽ tăng một khi các yếu tố tiêu cực về pháp lý và kinh tế mờ nhạt đi.
“Chúng tôi cảm thấy, Tencent đang quan trọng hơn bao giờ hết”, Denis Barrier, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tại Cathay Innovation, cho hay. “Đà tụt dốc của cổ phiếu Tencent sẽ không làm thay đổi vị thế về thị phần của họ”, Barrier cho hay.
Dù vậy, một số nhà đầu tư giá lên dài hạn vẫn đang cân nhắc rót vốn vào. Hệ số P/E forward 12 tháng của Tencent đã giảm từ 42 xuống còn 23 lần. Trong khi đó, hệ số P/E của Facebook là 17 lần và Alibaba là 22 lần.
“Giá cổ phiếu đang rẻ”, Mitchell Green, đối tác sáng lập tại Lead Edge Capital, cho hay. “Nhưng thứ gì rẻ thì có thể rẻ hơn nữa”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)