Vietstock - Moody's nâng bậc tín nhiệm của Việt Nam lên Ba3
Mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) đã nâng xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành và trái phiếu không đảm bảo có ưu tiên cao (senior unsecured debt) của Việt Nam từ “B1” lên “Ba3”, và thay đổi triển vọng từ “tích cực” sang “ổn định”. Ngoài ra, Moody’s dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ ở mức 6.4% trong giai đoạn 2018-2022
Việc nâng bậc tín nhiệm của Việt Nam lên "Ba3" bắt nguồn từ tiềm năng tăng trưởng mạnh và được củng cố thêm bởi sự sử dụng ngày càng hiệu quả lao động và vốn trong nền kinh tế. Kỳ hạn trung bình khá dài của trái phiếu Chính phủ và sự giảm bớt phụ thuộc vào khoản nợ nước ngoài cho thấy sự ổn định và gánh nặng nợ giảm dần, nhất là nếu tăng trưởng kinh tế được duy trì. Cấu trúc nợ Chính phủ Việt Nam cũng giúp giảm bớt tác động từ các cú sốc tài chính.
Triển vọng ổn định của Việt Nam phản ánh các rủi ro khá cân bằng ở bậc tín nhiệm “Ba3”. Rủi ro suy giảm có thể xuất phát từ những yếu kém còn tồn đọng trong hệ thống ngân hàng, hoặc nếu cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc làm hoạt động thương mại toàn cầu giảm tốc mạnh. Song, khả năng tăng trưởng xuất phát từ sự cải thiện khả năng trả nợ và thành quả thương mại tốt hơn dự báo hiện tại của Moody’s.
Ngoài ra, Moody’s cũng nâng mức trần đối với xếp hạng trái phiếu bằng ngoại tệ dài hạn từ “Ba2” lên “Ba1” và mức trần đối với xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn từ “B2” lên “B1”. Còn mức trần đối với xếp hạng trái phiếu và tiền gửi bằng ngoại tệ ngắn hạn vẫn không thay đổi ở mức “đầu tư không tốt”. Bên cạnh đó, Moody’s cũng giữ nguyên mức trần đối với xếp hạng trái phiếu và tiền gửi bằng nội tệ ở mức “Baa3”.
Moody's ước tính kinh tế Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh, ở mức khoảng 6.5%, với sự trợ giúp từ việc sử dụng ngày càng hiệu quả nguồn lao động và vốn trong nền kinh tế. Trên toàn cầu, tiềm năng tăng trưởng mạnh thường đi kèm với tính cạnh tranh tương đối thấp. Tuy nhiên, sức mạnh kinh tế của Việt Nam có sự kết hợp giữa mức tăng trưởng cao và năng lực cạnh tranh cao, như đã thể hiện trong sự chuyển biến sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.
Với tăng trưởng GDP trung bình hơn 6% trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đang tăng bậc trong chuỗi giá trị sản xuất trong một khoảng thời gian ngắn, nâng cao sức cạnh tranh trong việc lắp ráp các sản phẩm điện tử có giá trị gia tăng cao hơn – như điện thoại thông minh, đồng thời tiếp tục gìn giữ lợi thế so sánh trong việc xuất khẩu các hàng hóa thâm dụng lao động, như hàng dệt may. Năng lực cạnh tranh ngày càng cao và sự chuyển dịch sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn sẽ hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao trong trung hạn.
Moody’s dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ ở mức 6.4% trong giai đoạn 2018-2022, cao hơn mức trung bình của các quốc gia được đánh giá tín nhiệm ở bậc “B1” là 3.7%, và cao hơn cả mức tăng trưởng trung bình của các quốc gia được xếp hạng “Ba”.
Vũ Hạo